pnvnonline@phunuvietnam.vn
8 lỗi trong quản lý kinh tế gia đình khiến tài chính ngày một hao hụt
Dưới đây là 8 sai lầm phổ biến các cặp vợ chồng trẻ cần tránh khi quản lý kinh tế gia đình.
1. Không có kế hoạch rõ ràng trong việc quản lý kinh tế gia đình
Bạn nghĩ: "Ôi, mới cưới mà, cứ thong thả một thời gian…" và cứ thế có đồng nào xào đồng ấy. Hệ quả tất yếu là sau năm đầu tiên chung sống, rất nhiều đôi vợ chồng được tin chuẩn bị "lên chức" làm cha mẹ mới giật mình phát hiện không hề có quỹ dự phòng, không có tiền để dành cho tương lai của con.
Vì vậy, để đảm bảo cho kinh tế của cả gia đình, ngay sau khi cưới, hai vợ chồng nên thiết lập ngay kế hoạch tài chính. Hai bạn cần kiểm soát được chi tiêu và có những mục tiêu cụ thể để hướng đến.
2. Không có quỹ dự phòng cho các sự cố rủi ro
Cuộc sống không bao giờ phẳng lặng. Mọi sự cố bất ngờ đều có thể xảy đến như thất nghiệp, sụt giảm thu nhập, đau ốm… Chính vì vậy, khi chuẩn bị chào đón một thành viên mới trong gia đình, bạn cần xây dựng một quỹ dự phòng để có thể đảm bảo luôn dành cho con những gì tốt nhất, kể cả khi có những sự cố bất ngờ xảy ra.
3. Không thống nhất về thói quen và phương án chi tiêu
Nếu hai vợ chồng không thống nhất về thói quen và phương án chi tiêu, người này sẽ luôn thấy "ấm ức", "bực bội" với cách chi tiêu của người kia.
Bạn cũng không thể tiết kiệm nếu chồng cứ vung tay quá trán. Vì vậy, việc cần làm đầu tiên là hai vợ chồng cần thống nhất các khoản chi, các quỹ tiết kiệm gia đình.
Ví dụ, nếu muốn có con, vợ chồng bạn cần lên kế hoạch lập quỹ dự phòng dành riêng cho con, chẳng hạn chọn một gói bảo hiểm nhân thọ sẽ đồng hành với con từ khi còn trong bụng mẹ đến khi con trưởng thành.
4. Không phân chia trách nhiệm tài chính giữa vợ và chồng
Sau ngày cưới, hai vợ chồng cần bàn bạc và định rõ các trách nhiệm tài chính, chẳng hạn: số tiền cần đóng góp vào quỹ gia đình (phù hợp với thu nhập từng người); hoặc giả sử chồng chi trả các khoản tiền thuê nhà, tiền điện nước thì vợ sẽ là người chịu trách nhiệm tiền chợ, tiền tiết kiệm… Nếu không phân chia trách nhiệm tài chính từ ban đầu, khi cần đến những khoản tiền lớn, vợ chồng bạn sẽ hoàn toàn bị động.
5. Không giáo dục con cái về giá trị của tiền bạc
Trẻ nhỏ cần được biết về giá trị của tiền bạc và cách thức tiết kiệm từ nhỏ. Tùy độ tuổi của con, bạn có thể biến việc này thành những trò chơi vui nhộn, sao cho bé tiếp thu được và hình thành các khái niệm: Vì sao phải tiết kiệm? Con có thể tiết kiệm bằng cách nào?
6. Không chuẩn bị nguồn tài chính đảm bảo cho việc học hành của con cái
Bạn cần bắt đầu xây dựng khoản tích lũy từ lúc mang thai hoặc khi con mới chào đời để đảm bảo cho con luôn có đủ điều kiện tối ưu duy trì việc học hành đến ít nhất 18 tuổi.
Kế hoạch tài chính dài hạn dành cho việc học của con thực hiện càng sớm càng hữu ích, vì điều này giống như một tấm "áo giáp" giúp bạn bảo vệ con, bất kể cuộc sống biến động thế nào. Tại các quốc gia phát triển trên thế giới, các bậc cha mẹ trẻ thường chọn mua một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ dài hạn, như cách phòng xa an toàn và hữu hiệu, bảo đảm cho con có thể yên tâm theo đuổi ước mơ.
7. Không hiểu quan điểm về tiền bạc của nhau
Mỗi cá nhân có một quan điểm về tiền bạc riêng được hình thành từ môi trường sống cũng như cách sử dụng tiền bạc từ khi còn nhỏ. Đơn cử như việc chồng là người có tính tự tôn cao và khá hào phóng trong việc chi tiêu vì từ nhỏ học theo bố mẹ trong khi bạn thì có tính tiết kiệm do từ nhỏ được rèn luyện. Quyết định tài chính hay áp đặt quan điểm của mình với chồng sẽ khiến người bạn đời cảm thấy bị xúc phạm và mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn rất nhiều.
8. Để một người kiểm soát tài chính
Các gia đình hiện nay thường có thói quen để 1 người nắm giữ vị trí "tay hòm chìa khóa" hoặc vợ hoặc chồng, điều đó dẫn tới việc chủ quan trong quyết định tài chính, người còn lại phụ thuộc vào người kia đồng thời các quyết định không được thống nhất dẫn tới mất tiếng nói chung gây căng thẳng trong mối quan hệ vợ chồng.
Giải pháp khắc phục:
1. Đồng thuận trong từng quyết định tài chính
Tùy vào hoàn cảnh mỗi gia đình có thể đưa cho vợ hoặc chồng giữ tiền, nhưng tốt nhất các vấn đề tài chính nên cần có sự quản lý đóng góp và quyết định dựa trên sự đồng thuận của cả hai vợ chồng.
2. Chia sẻ chi tiêu và mua sắm chung
Cùng chia sẻ các khoản mua sắm chung giúp vợ chồng cùng nắm rõ chi tiêu, san sẻ mua sắm với nhau để hiểu và thông cảm cho nhau hơn.
3. Học cách quản lý tiền cùng nhau
Hiểu cách người bạn đời của mình đối xử với tiền bạc sẽ giúp bạn thông cảm, chia sẻ và có lời lẽ phù hợp với người ấy mỗi khi muốn bàn bạc hay trao đổi về chuyện tiền bạc.