Với tổng số hơn 82.000 học sinh, toàn địa bàn thành phố Hà Nội chia làm 16 cụm thi. Công tác coi thi, chấm thi giống với kỳ thi THPT quốc gia 2017 để học sinh, giáo viên, các trường và phụ huynh nắm được chất lượng đào tạo.
Nội dung của cuộc thi thử nằm trong chương trình học lớp 12 đến ngày 11/3 và phương thức tổ chức thi như thi THPT quốc gia. Mỗi học sinh dự kiểm tra 4 bài, trong đó có 3 bài kiểm tra bắt buộc (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) và một bài kiểm tra tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).
Lịch thi thử THPT Quốc gia của học sinh Hà Nội. |
Riêng học viên học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 bài, trong đó có 2 bài bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và một bài tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý). Môn Ngữ văn kiểm tra theo hình thức tự luận, các bài kiểm tra còn lại kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Đợt khảo sát bố trí cán bộ giám sát chặt chẽ ở mọi khâu, nhất là khâu coi thi với nguyên tắc 7 phòng có 1 cán bộ giám sát. Bài kiểm tra sẽ được làm phách, chấm tập trung theo đơn vị cụm để bảo đảm khách quan, trung thực, chính xác. Chậm nhất trước 31/3, các cụm gửi kết quả thi về Sở để thẩm định lại và công bố kết quả.
Sở GD&ĐT không bắt buộc các trường phải lấy điểm kiểm tra khảo sát. Tùy theo điều kiện của từng trường, trung tâm có thể sử dụng kết quả khảo sát làm điểm kiểm tra thường xuyên. Tuyệt đối không được lấy vào điểm kiểm tra định kỳ theo qui định.