pnvnonline@phunuvietnam.vn
9 lời khuyên giúp bạn tìm ra "phiên bản" của mình
1. Nhìn vào những người bạn ngưỡng mộ
Có người nào trong đời mà bạn vô cùng ngưỡng mộ không? Điều gì ở họ khiến bạn rất thích? Đó là một người nổi tiếng hay một người bạn với trái tim rộng lượng, một nhân vật của công chúng nổi tiếng về năng lượng tích cực mà anh ấy lan tỏa?
Hãy tìm hiểu một cách cụ thể về những đặc điểm bạn thích ở người này và cố gắng nêu ra lý do vì sao đặc điểm đó lại khiến bạn ngưỡng mộ.
2. Xem xét những đặc điểm khác mà bạn muốn có
Ngoài việc phân tích tính cách của người khác, hãy dành một chút thời gian để tự nhìn lại bản thân bạn và suy nghĩ nghiêm túc về những đặc điểm mà bạn muốn có hoặc cải thiện.
Một lời khuyên hữu ích giúp bạn tiếp cận vấn đề chính là xem xét những điều bạn không thích về con người, đặc điểm hoặc suy nghĩ của bạn. Từ đó, bạn có thể biến chúng thành những đặc điểm mà bạn mong muốn.
Nếu bạn không thích việc mình thường xuyên bác bỏ quan điểm của người khác, bạn có thể đưa đặc điểm cởi mở vào danh sách của mình. Nếu bạn khá phán xét trong cách bạn nhìn nhận mọi người, bạn có thể thay đổi điều này và nói rằng bạn muốn được người khác chấp nhận.
Một cách tiếp cận khác là hãy nghĩ về cách bạn muốn người khác nhìn thấy mình. Bạn muốn họ ngưỡng mộ những đặc điểm nào ở bạn? Bạn muốn họ đánh giá cao những đặc điểm nào ở mình?
3. Xếp hạng các đặc điểm theo thứ tự quan trọng đối với bạn
Giờ thì bạn đã có một danh sách các đặc điểm bạn muốn thể hiện và sẽ có một số thứ bạn coi trọng, muốn có hơn những thứ khác. Chúng ta có thể hướng tới việc thực hiện tất cả những điều đó song sẽ thực tế hơn khi bạn quyết định những điều cần ưu tiên hơn đối với con người bạn muốn trở thành.
Hãy chấm điểm từng đặc điểm trong danh sách của bạn với thang điểm từ 1 đến 10 với 1 là ít quan trọng nhất và 10 là quan trọng nhất.
4. Phân tích khoảng cách giữa những đặc điểm này so với con người bạn hiện tại
Lấy danh sách các đặc điểm của bạn và sắp xếp lại với điều quan trọng nhất ở trên cùng và ít quan trọng nhất ở dưới cùng. Giờ thì hãy tự cho mình điểm từ 1-10 dựa trên quan điểm hiện tại của bạn về con người mình. Đó có thể là 7 điểm về sự chủ động nhưng chỉ 3 điểm về sự quyết đoán.
Hãy nhìn vào sự khác biệt và tìm kiếm nơi có sự khác biệt lớn nhất. Bạn sẽ thấy mình thiếu những gì so với con người bạn muốn trở thành.
5. Tìm ra sự cân bằng phù hợp
Bạn có thể không muốn đạt điểm 10 cho mọi đặc điểm mà bạn đánh giá là quan trọng đối với mình. Cuộc sống này sẽ tốt hơn khi chúng ta học được cách cân bằng. Những điều tốt đẹp có thể không phải lúc nào cũng là tốt nhất cho chính bạn.
Chúng ta có thể lấy sự tử tế làm ví dụ. Tử tế với người khác là điều bạn muốn thể hiện nhưng lòng tốt cần có giới hạn của nó. Chúng ta không muốn vắt kiệt sức mình, dành toàn bộ thời gian và tệ hơn là làm tổn thương chính mình để giúp đỡ người khác. Sẽ tốt hơn khi chúng ta cân bằng giữa mong muốn trở thành một người tử tế với nhu cầu đối xử tốt với bản thân.
6. Suy nghĩ về những hành động bạn muốn thực hiện
Con người bạn được phản chiếu bởi những việc bạn làm. Ở một mức độ nào đó, bạn là những gì bạn hành động. Vì vậy, hãy suy nghĩ về những việc bạn muốn làm một cách thường xuyên.
Bạn có muốn trở thành người đứng ra bênh vực những người đang bị quấy rối, bắt nạt, tấn công? Bạn có muốn trở thành một người biết lắng nghe không?
7. Tự hỏi điều bản thân muốn để lại
Bạn là người như thế nào không chỉ quyết định cách bạn được người khác nhớ đến mà còn là những ảnh hưởng của bạn đối với thế giới khi đã ra đi. Hãy tự hỏi mình đâu là điều bạn muốn để lại cho thế giới này, từ đó ngược trở lại tìm ra người bạn muốn trở thành.
Nếu bạn muốn nơi mình sống trở nên xanh hơn, các loài động vật hoang dã được bảo vệ tốt hơn, bạn có thể muốn tham gia vào các tổ chức có chung mục tiêu đó. Nếu bạn muốn được nhớ đến như một người luôn đấu tranh cho công lý và bình đẳng, hãy tự hỏi mình có thể là những gì để đạt được điều đó.
8. Đặt cho mình một số mục tiêu
Hành động rất quan trọng trong việc xác định bạn là ai. Bằng cách hỏi những gì bạn muốn đạt được trong cuộc sống và thực sự đặt ra cho mình những mục tiêu đó, bạn có thể hiểu rõ hơn về mẫu người bản thân muốn trở thành.
Đó có thể là những mục tiêu phát triển cá nhân cho cuộc sống bên trong của bạn hoặc những mục tiêu có mục tiêu bên ngoài.
9. Hướng đến sự phát triển, không phải sự hoàn hảo
Sự thật là, chúng ta không bao giờ có thể nhìn trọn vẹn về hình ảnh bản thân lý tưởng. Những gì chúng ta có thể làm là cố gắng tiến từng bước đến gần hơn với nó.
Chúng ta có thể đặt mục tiêu trở thành một người tốt hơn vào ngày mai so với ngày hôm nay. Đừng so sánh với bất kỳ ai vì điều đó thực sự vô nghĩa và chỉ khiến bạn thất vọng. Hãy trân trọng mọi tiến bộ của bạn dù là nhỏ nhất. Nhớ rằng, cuộc hành trình ngàn dặm nào cũng phải bắt đầu bằng một bước đi nhỏ bé đầu tiên.