9 nguyên nhân gây đau nửa đầu phía sau, có nguyên nhân nghiêm trọng cần can thiệp ngay!

Mộc Miên
22/01/2024 - 09:54
9 nguyên nhân gây đau nửa đầu phía sau, có nguyên nhân nghiêm trọng cần can thiệp ngay!
Đau nửa đầu phía sau có thể cảnh báo một vài tình trạng sức khỏe nguy hiểm hơn một cơn đau đầu bình thường.

Dưới đây là những thông tin về đau nửa đầu phía sau bao gồm nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa mà bạn có thể tham khảo.

1. Nguyên nhân gây đau nửa đầu phía sau

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra cơn đau nửa đầu phía sau.

1.1. Đau đầu do căng thẳng

Đau đầu do căng thẳng là loại đau đầu phổ biến nhất. Chúng có thể xảy ra khi bạn đang gặp căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần. Đau đầu do căng thẳng có thể do lo lắng, trầm cảm, làm việc nặng nhọc, thiếu ngủ hoặc bỏ bữa.

Đau đầu do căng thẳng gây ra cảm giác đau nhói như có một dải băng đang siết chặt đầu bạn. Bạn có thể cảm nhận được cơn đau này xung quanh các khu vực khác nhau trên đầu và đôi khi, cơn đau có thể tập trung ở phía sau đầu gây đau nửa đầu phía sau.

Một cơn đau đầu do căng thẳng có thể kéo dài từ 30 phút tới hai ngày với cường độ tăng lên theo từng cơn đau đầu mà bạn gặp phải.

1.2. Đau nửa đầu

Chứng đau nửa đầu là tình trạng gây ra những cơn đau đầu mãn tính và nghiêm trọng. Những cơn đau đầu này gây ra cơn đau như búa bổ và đau nhói, thường bắt đầu ở một bên đầu và có thể lan dần về phía sau đầu, cổ hoặc sau mắt.

9 nguyên nhân gây đau nửa đầu phía sau, có nguyên nhân nghiêm trọng cần can thiệp ngay!- Ảnh 1.

Đau nửa đầu có thể xảy ra ở nửa sau đầu (Ảnh: Internet)

Cơn đau nửa đầu có thể kéo dài từ 4-72 giờ. Các triệu chứng đau nửa đầu khác mà bạn có thể gặp phải bao gồm buồn nôn , suy nhược và nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.

Nguyên nhân gây ra chứng đau nửa đầu rất khác nhau ở mỗi người. Một số tác nhân chính gây ra chứng đau nửa đầu bao gồm: căng thẳng, ánh sáng mạnh, tiếng ồn lớn, mùi nồng, những thay đổi đột ngột về thời tiết và môi trường, thay đổi đột ngột trong thói quen ngủ, hoạt động thể chất quá mức, thuốc lá hoặc rượu bia,...

Đau nửa đầu thường xảy ra vào buổi sáng với một số triệu chứng có thể kéo dài tới sau khi cơn đau nửa đầu biến mất.

1.3. Đau đầu do gắng sức (Exertion Headache)

Đau đầu do gắng sức còn được gọi là đau đầu nguyên phát khi tập thể dục, là một loại đau đầu xảy ra trong hoặc ngay sau khi tập thể dục hoặc hoạt động thể chất cường độ mạnh. Cơn đau đầu cũng có thể bắt đầu sau những cơn ho hoặc hắt hơi, cũng như sau khi nâng tạ hoặc quan hệ tình dục.

Theo một đánh giá năm 2020, đau đầu khi gắng sức có thể là do thiếu kiểm soát lưu lượng máu trong đầu. Sự thiếu hụt khiến cơ thể bạn không thể điều chỉnh hợp lý những thay đổi nhanh chóng về lưu lượng máu xảy ra trong quá trình tập luyện. Những thay đổi nhanh chóng trong lưu lượng máu làm thay đổi áp lực trong đầu dẫn tới đau đầu.

Những người gặp phải những cơn đau đầu này nên được thăm khám bác sĩ để đánh giá vì chúng có thể là dấu hiệu của các tình trạng như bệnh tim.

Đau đầu khi gắng sức gây ra cơn đau nhói và nhói ở phía trước hoặc đầu nửa sau đầu kéo dài từ 5 phút đến 48 giờ.

1.4. Đau nhức đầu do áp suất thấp (spontaneous intracranial hypotension)

Đau đầu do áp suất thấp, còn được gọi là hạ huyết áp nội sọ tự phát, là một loại đau đầu thứ phát xảy ra khi dịch não tủy từ não và tủy sống rò rỉ qua vết rách ở màng cứng. Vết rách có thể xảy ra sau thủ thuật chọc dò tủy sống hoặc sau khi gây tê ngoài màng cứng (gây tê tủy sống).

Dịch não tủy bị rò rỉ khiến áp suất giảm đột ngột, gây ra cơn đau đầu dữ dội ở hai bên phía sau đầu. Cơn đau trở nên trầm trọng hơn khi đứng hoặc ngồi và cải thiện khi nằm xuống trong 20-30 phút. Các triệu chứng khác bao gồm: cứng cổ, ù tai, chóng mặt, tầm nhìn song thị hoặc mờ mắt.

1.5. Chứng đau đầu Cervicogenic (Cervicogenic headache (CGH))

Chứng đau đầu Cervicogenic (Cervicogenic headache (CGH)) thường bắt đầu như một cơn đau âm ỉ ở cổ và tỏa ra dọc theo phía sau đầu, hầu như chỉ ảnh hưởng một bên. Cơn đau cũng có thể lan ra trán, thái dương và vùng quanh mắt và/hoặc tai. CGH được gây ra do bệnh lý của đĩa đệm, khớp, cơ hoặc dây thần kinh ở cổ.

Cơn đau đầu này gây ra cơn đau nhói thường dao động từ mức độ trung bình đến nặng. Cơn đau cũng tăng lên khi bạn di chuyển cổ. Đi kèm đó là các triệu chứng như: giảm phạm vi chuyển động của cổ, vai và cánh tay; cứng cổ; nhạy cảm hơn với ánh sáng và tiếng ồn; đau vai và cánh tay.

9 nguyên nhân gây đau nửa đầu phía sau, có nguyên nhân nghiêm trọng cần can thiệp ngay!- Ảnh 2.

Có nhiều nguyên nhân gây đau nửa đầu phía sau cần can thiệp y tế sớm (Ảnh: Internet)

1.6. Đau thần kinh chẩm

Đau dây thần kinh chẩm là tình trạng các dây thần kinh ở phía sau đầu bị tổn thương hoặc bị viêm. Điều này gây ra cảm giác đau nhói hoặc xuyên thấu khắp phía sau đầu, cổ trên và sau tai. Bạn cũng có thể cảm thấy đau nhức liên tục và cảm giác nóng rát. Cơn đau thường được mô tả giống như chứng đau nửa đầu.

Đau dây thần kinh chẩm thường do dây thần kinh bị chèn ép, căng cơ hoặc chấn thương ở đầu và cổ. Đau dây thần kinh chẩm cũng có thể do các tình trạng như viêm xương khớp, bệnh đĩa đệm cổ, bệnh gout, bệnh tiểu đường, khối u,... gây ra.

1.7. Đau đầu từng cơn

Đau đầu từng cơn là một loại đau đầu nguyên phát gây ra các cơn đau tái phát nghiêm trọng ở một bên đầu, thường là quanh mắt hoặc thái dương. Các triệu chứng xuất hiện đột ngột mà không có "vầng hào quang" khi nhìn thường liên quan đến chứng đau nửa đầu.

Đau đầu từng cơn thường được mô tả là nặng hơn chứng đau nửa đầu với cảm giác đau rát, đau như dao đâm, bị khoan hoặc bị bóp chặt. Mỗi cơn đau có thể kéo dài từ 15 phút tới ba giờ. Cùng với cơn đau đầu thì bạn cũng có thể gặp các triệu chứng như: sổ mũi, đỏ mặt, sụp mí mắt ở bên đau đầu, đổ mồ hôi,...

9 nguyên nhân gây đau nửa đầu phía sau, có nguyên nhân nghiêm trọng cần can thiệp ngay!- Ảnh 3.

Đau đầu từng cơn thường được mô tả là nặng hơn chứng đau nửa đầu với cảm giác đau rát, đau như dao đâm, bị khoan hoặc bị bóp chặt (Ảnh: Internet)

1.8. Tư thế xấu

Nếu bạn có xu hướng cúi người khi ngồi hoặc đứng, điều đó có thể làm căng các cơ ở phía sau đầu, lưng trên, cổ và hàm. Nó cũng có thể gây áp lực lên dây thần kinh ở những khu vực đó. Kết quả là, tư thế sai có thể gây đau đầu do căng thẳng và đau nửa phía sau đầu.

Đứng hoặc ngồi thẳng có thể giúp giảm đau đầu do tư thế sai. Thuốc giảm đau không kê đơn cũng có thể hữu ích. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần vật lý trị liệu để giảm cơn đau nửa đầu phía sau.

1.9. Đau đầu do viêm khớp

Triệu chứng chính của đau đầu do viêm khớp là đau ở phía sau đầu và trở nên tồi tệ hơn khi bạn di chuyển. Đây có thể là kết quả của chứng viêm khớp ở đốt sống thứ nhất, thứ hai hoặc thứ ba của cột sống. Hoặc cũng có thể cơn đau nửa đầu phía sau là do sự thay đổi cấu trúc xương ở cổ hoặc các mạch máu bị viêm ở đầu.

2. Khi nào đau nửa đầu phía sau cần thăm khám bác sĩ?

Tùy từng nguyên nhân gây đau nửa đầu phía sau là gì mà phương pháp điều trị cũng có sự khác biệt. Hầu hết các cơn đau đầu có thể được điều trị bằng các biện pháp khắc phục tại nhà như nhắm mắt nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh, đắp khăn hoặc vải mát lên trán, giữ nước và giảm căng thẳng.

Thuốc không kê đơn (OTC) hoặc thuốc theo đơn có thể giúp điều trị các cơn đau đầu như đau đầu do căng thẳng, đau đầu do gắng sức và đau nửa đầu. Thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc ibuprofen thường giúp giảm đau. Một số phương pháp điều trị đau đầu tự nhiên như vitamin B2 hoặc magie có thể hữu ích để điều trị chứng đau nửa đầu (nhưng bạn cần dùng thuốc bổ sung theo đơn của bác sĩ).

Nhìn chung, đau nửa đầu phía sau thường không cần chăm sóc y tế khẩn cấp. Tuy nhiên đôi khi cơn đau nửa đầu phía sau có thể là một dạng đau đầu nghiêm trọng hơn như đau thần kinh chẩm hoặc đau đầu do áp suất thấp cần được can thiệp sớm.

9 nguyên nhân gây đau nửa đầu phía sau, có nguyên nhân nghiêm trọng cần can thiệp ngay!- Ảnh 4.

Tùy từng trường hợp mà biện pháp điều trị đau nửa sau đầu cũng khác nhau (Ảnh: Internet)

Bạn nên nhanh chóng thăm khám bác sĩ nếu cơn đau nửa đầu phía sau kèm theo bất kì triệu chứng nào dưới đây:

- Sốt

- Buồn nôn hoặc nôn mửa

- Đau đầu kèm theo lú lẫn, song thị hoặc mất ý thức

- Cơn đau đầu ngày một tệ hơn

- Yếu hoặc tê một bên cơ thể

- Co giật.

3. Câu hỏi thường gặp

- Đau đầu do mất nước có gây đau nửa đầu phía sau không?

Cảm giác đau đầu do mất nước có thể từ nhẹ đến nặng, gây đau ở phía trước, sau, bên cạnh hoặc khắp đầu. Khi người bị đau đầu di chuyển đầu, họ có thể cảm thấy khó chịu hơn.

Các triệu chứng khác của tình trạng mất nước đi kèm với đau đầu do mất nước bao gồm cảm giác khát nước nghiêm trọng, đi tiểu giảm và nước tiểu có màu đậm.

- Đau nửa đầu phía sau có phải dấu hiệu đột quỵ?

Đau ở phía sau đầu có thể là một dấu hiệu của đột quỵ. Theo Medical News Today, một số tình trạng liên quan đến đột quỵ xuất huyết não có thể gây ra cơn đau đầu dữ dội bất ngờ, thường được gọi là đau đầu sấm sét. Cơn đau bắt đầu trong một phần giây chứ không phải từ từ xuất hiện.

Người bệnh có thể mô tả cơn đau đầu như sét đánh là cơn đau đầu tồi tệ nhất họ từng trải qua. Những tình trạng có thể gây ra loại đau này bao gồm xuất huyết dưới nhện, xuất huyết nội sọ và phình mạch máu não.

Nguồn: Medical News Today, Healthline
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm