pnvnonline@phunuvietnam.vn
9 nguyên nhân hàng đầu gây ung thư
1. Hút thuốc lá
Thuốc lá có hơn 7.000 chất hóa học. Các chất độc hại có trong khói thuốc lá có thể làm thay đổi ADN tế bào, gây đột biến tế bào, dẫn đến ung thư. Người hút thuốc lá (tiếp xúc chủ động với thuốc lá, còn được gọi là hút thuốc lá chủ động) lẫn người hít khói thuốc lá (tiếp xúc bị động với thuốc lá, còn được gọi là hút thuốc lá thụ động) đều có nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Hút thuốc lá đặc biệt làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư phổi, nhất là ở nam giới. Khoảng 70% bệnh nhân ung thư phổi có sử dụng thuốc lá. Người hút thuốc lá chủ động lẫn người hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc lá) cũng tăng khả năng mắc căn bệnh này.
Ngoài ra, hút thuốc lá cũng có khả năng dẫn đến các loại ung thư khác như ung thư miệng, ung thư vòm họng, ung thư gan,…
2. Béo phì
Trong y học lâm sàng phát hiện ung thư ruột kết, ung thư tuyến tụy, ung thư thực quản, ung thư tử cung (nội mạc tử cung), ung thư thận, ung thư túi mật và ung thư vú (sau khi mãn kinh) đều có liên quan đến bệnh béo phì.
Phụ nữ có nguy cơ mắc 7 loại ung thư trên cao hơn khoảng 40% so với phụ nữ có cân nặng bình thường.
3. Lười vận động
Tổ chức y tế thế giới đã nghiên cứu và kết luận, mỗi năm, trên thế giới có tới 200 người chết do nguyên nhân lười vận động. Báo cáo cũng dự đoán, với thói quen sinh hoạt thiếu khoa học như ngày nay, tới năm 2020, 70% dân số thế giới mắc bệnh do nguyên nhân trên.
Chất béo được nạp vào trong các bữa ăn để sản sinh năng lượng đảm bảo hoạt động của các tế bào trong cơ thể. Khi chúng ta lười vận động, các chất béo không được chuyển hoá và sử dụng hết sẽ tích tụ trong dạ dày, gây nên bệnh viêm dạ dày, đau dạ dày và lâu ngày sẽ dẫn tới bệnh ung thư dạ dày nguy hiểm.
4. Làm những nghề đặc biệt
Do đặc thù công việc, nhiều người phải làm việc trong môi trường tiếp xúc với cả bức xạ ion hóa và virut hoặc hóa chất. Các ung thư do nghề nghiệp thường xảy ra ở các cơ quan tiếp xúc trực tiếp như da và đặc biệt là cơ quan hô hấp. Ngoài ra phải kể đến ung thư ở cơ quan có nhiệm vụ bài tiết các chất chuyển hóa còn hoạt tính như ở đường tiết niệu.
Ung thư nghề nghiệp đã được đề cập từ lâu, vào năm 1775, Percival Pott, bác sĩ người Anh đã lưu ý các trường hợp ung thư biểu mô da bìu ở các người thợ làm nghề nạo ống khói. Ngày nay, do xã hội phát triển nên nhiều ngành công nghiệp khác có liên quan với một số ung thư chẳng hạn như sử dụng asbestos có nguy cơ xuất hiện ung thư màng phổi do người thợ hút bụi amian gây xơ hóa phổi lan tỏa và dày màng phổi.
Ung thư bàng quang cũng là loại ung thư hay gặp trong nhóm nguyên nhân nghề nghiệp. Cuối thế kỷ 19, người ta đã gặp các trường hợp ung thư bàng quang ở những người thợ nhuộm do tiếp xúc với anilin. Anilin có lẫn tạp chất chứa 4 - amindiphenye, và 2 - aphthylamin gây ung thư. Các chất này được hít vào qua đường thở và thải qua đường niệu gây ung thư bàng quang.
Còn nhiều loại chất hóa học nghề nghiệp khác có nguy cơ ung thư, đặc biệt là các nghề liên quan với công nghiệp hóa dầu, khai thác dầu do tiếp xúc các sản phẩm thô của dầu mỏ hoặc chất nhờn có chứa hydrocacbon thơm.
5. Nghiện bia rượu
Uống nhiều rượu bia có khả năng làm tổn thương tế bào và các cơ quan trong cơ thể. Rượu bia có thể gây tổn thương bề mặt thực quản dạ dày gây viêm loét, hoặc tổn thương gan gây xơ gan. Các tổn thương này có thể tiến triển thành ung thư thực quản, ung thư dạ dày và ung thư gan.
Những người thường xuyên uống nhiều rượu bia có nguy cơ mắc ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư miệng, ung thư vòm họng,… cao gấp 1-5 lần so với đối tượng khác. Phụ nữ uống nhiều rượu bia còn là một trong những nguyên nhân ung thư vú.
6. Thức khuya
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt ở đàn ông thường thức khuya cao gấp 2 lần so với những người bình thường khác.
Thức khuya thường xuyên làm thay đổi đồng hồ sinh hoạt của các tế bào trong cơ thể. Việc thức khuya có thể làm ngăn cản cơ thể sản sinh ra chất melatonin, chất chỉ tạo ra ở buổi đêm và có khả năng ngăn cản, tiêu diệt các tế bào ung thư cũng như ngăn cản quá trình oxy hoá các tết bào trong cơ thể.
7. Ăn những thứ không lành mạnh
Thường xuyên ăn vặt những thứ không lành mạnh là nguyên nhân gây ung thư. Các học giả y học cổ truyền đã phát hiện ra ăn một số đồ ăn vặt trong thời gian dài sẽ giết chết vi khuẩn đường ruột. Đây là loại vi khuẩn có lợi, chống béo phì, tiểu đường, ung thư, bệnh tim và bệnh viêm ruột.
Ngoài ra, tiêu thụ quá lâu đồ uống nóng trên 65 độ C có thể khiến khoang miệng và niêm mạc thực quản bị bỏng. Điều này sẽ gây ra viêm mãn tính niêm mạc thực quản, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
8. Căng thẳng
Căng thẳng trong công việc, cuộc sống nếu xảy ra thường xuyên và kéo dài sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây hại phát triển. Căng thẳng kết hợp với lối sống thiếu vận động, chế độ dinh dưỡng không hợp lý càng làm nguy cơ mắc bệnh ung thư tăng lên gấp nhiều lần.
9. Yếu tố di truyền
Một vài yếu tố nguy cơ gây ung thư có liên quan đến di truyền, tức là con cái có thể nhận các đột biến gene của yếu tố nguy cơ gây ung thư từ cha hoặc mẹ.
Một số ung thư có yếu tố nguy cơ liên quan đến di truyền như ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư dạ dày,… Người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư có yếu tố liên quan đến di truyền được xếp nhóm yếu tố nguy cơ cao. Những đối tượng này nên tầm soát ung thư sớm để có biện pháp can thiệp, kế hoạch điều trị kịp thời. Tuy nhiên, không phải tất cả những người mang đột biến di truyền đều mắc ung thư.