Số người nhiễm mới HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (38%) và 30 - 39 (36%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (63%) và qua đường máu (23%). Tính đến hết tháng 9/2018, số người nhiễm HIV hiện được báo cáo đang còn sống là 208.750 trường hợp, lũy tích người nhiễm HIV tử vong được báo cáo là 98.519 trường hợp. Dịch HIV vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát vì vẫn còn nhiều người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được phát hiện, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng sâu trong khi tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy có xu hướng tăng trở lại; lây truyền HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt trong nhóm MSM trẻ tuổi; Sự gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp; Sự thay đổi về tổ chức và sự cắt giảm các nguồn lực viện trợ quốc tế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống HIV/AIDS. Giám sát trọng điểm trong thời gian vừa qua mà Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện cho thấy tình hình nhiễm HIV trong nhóm có quan hệ đồng tính nam (MSM) có chiều hướng gia tăng, nhất là nhóm MSM trẻ. Theo dõi từ năm 2012, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này chỉ khoảng 2,3%, nhưng năm 2017 đã tăng lên tới 12,2%. Cá biệt có tỉnh, thành phố tăng lên tới 14 hoặc 16%. Có thể nói đó là vấn đề rất đáng lưu tâm trong diễn biến dịch HIV. |
Ước tính trong số những người nhiễm mới HIV năm 2018, có khoảng 5.500 người từ 15 tuổi trở lên, 268 trẻ em. Trong số nhiễm mới HIV, có 36% là phụ nữ lây từ chồng, bạn tình bị nhiễm HIV; 24% là người quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ; 23% là người nghiện chích ma túy; 10% là người mua dâm; 5% là nam giới lây từ vợ, bạn tình bị nhiễm HIV; 2% là phụ nữ bán dâm.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm. Tuy nhiên, diễn biến dịch HIV/AIDS vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV cao trong cộng đồng. Sự gia tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM, đặc biệt trong nhóm trẻ tuổi, dần sẽ là nhóm chính nhiễm mới HIV ở Việt Nam.
Ông Long cũng cho biết thêm, việc lây truyền HIV từ người nhiễm HIV sang những người không thuộc nhóm nguy cơ cao như vợ, bạn tình của người nghiện chích ma túy sẽ khó khăn trong việc triển khai các biện pháp can thiệp giảm hại do khó khăn xác định nhóm đích để cung cấp dịch vụ can thiệp và tư vấn làm xét nghiệm HIV sớm. Một số địa bàn có nguy cơ lây nhiễm HIV cao ở các vùng sâu, vùng xa cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng do người dân không có đủ kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS và tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư cao nhưng chưa được xét nghiệm phát hiện địa bàn trọng điểm về dịch HIV/AIDS.
Khi được hỏi về biện pháp can thiệp tình trạng nghiện ma túy tổng hợp làm gia tăng nhiễm HIV qua quan hệ tình dục trong giới trẻ, Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết, việc sử dụng ma túy tổng hợp và các chất kích thích dạng Amphetamine (ATS) đang là một vấn đề khá phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Với xu hướng ra đời liên tục của nhiều loại ma túy tổng hợp mới cũng như sự gia tăng số người lạm dụng ma túy tổng hợp đã ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh sức khỏe và xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định về mặt xã hội, kinh tế và chính trị. Lạm dụng ATS không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh, gia đình, làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội và đặc biệt là làm gia tăng nhiễm HIV qua quan hệ tình dục. Một số người bệnh có rối loạn tâm thần và đó cũng là những tác động tiêu cực dễ thấy và là nguyên nhân của tình trạng bệnh và tử vong cao ở người lạm dụng ATS. Hiện nay, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã được Bộ Y tế giao làm đầu mối điều trị lạm dụng ma túy tổng hợp.
Có thể nói, can thiệp ma túy tổng hợp là vấn đề cực kỳ phức tạp vì kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, các loại ma túy tổng hợp mới hàng năm ra đời ngày một nhiều, can thiệp chủ yếu hiện nay là tâm lý xã hội và hành vi. Chưa có thuốc nào tỏ hiệu quả trong điều trị, điều này đòi hỏi sự phối hợp rất lớn của không chỉ người bệnh mà cả gia đình và cộng đồng.