98% trẻ sinh ra từ bố mẹ nhiễm HIV hoàn toàn khỏe mạnh

Bài và ảnh: An Khê
05/12/2019 - 16:00
98% trẻ sinh ra từ bố mẹ nhiễm HIV hoàn toàn khỏe mạnh
'Các cặp vợ chồng nhiễm HIV nếu được điều trị dự phòng thì đến 98% trẻ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh'- đây là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS trong hội nghị 20 năm điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam.

Cục trưởng cho biết, việc điều trị HIV/AIDS của Việt Nam trong 20 năm qua đã có những thành công nhất định, trong đó có thể nói tới 70% số người nhiễm HIV đã được phát hiện đang điều trị. Tiếp đến là hiệu quả điều trị của Việt Nam rất tốt thể hiện bằng tỉ lệ bệnh nhân điều trị ARV mà có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.

70% số người nhiễm HIV đã được phát hiện đang điều trị - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS

Theo số liệu của Cục HIV/AIDS hiện nay thì trong tổng số 142.000 bệnh nhân đang điều trị thì có đến 95% bệnh nhân này có tản lượng virus ở dưới ngưỡng phát hiện tức là dưới 200 bản sao/ml máu. Dưới ngưỡng này hoàn toàn không có khả năng lây nhiễm HIV qua con đường tình dục, đây cũng là mức thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Một thành công nữa là việc dự phòng lây sang đường từ mẹ sang con, hiện nay có những giải pháp để dự phòng từ những bà mẹ không may bị nhiễm HIV, các cặp vợ chồng nếu được điều trị dự phòng thì đến 98% trẻ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, đây là thành quả nhân văn, góp phần cho các cháu không bị nhiễm HIV.

70% số người nhiễm HIV đã được phát hiện đang điều trị - Ảnh 2.

Ứng phó với nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm nhanh chóng, đặc biệt là với thuốc điều trị ARV, Việt Nam đã kịp thời chuyển đổi mô hình điều trị ARV từ các chương trình dự án tài trợ sang chi trả qua bảo hiểm y tế

Ngoài ra, còn những kết quả khác như chuyển đổi điều trị từ nguồn viện trợ sang bảo hiểm y tế, có khác biệt là điều trị sớm, điều trị ngay. Trước đây khi điều trị, bệnh nhân phải có những tiêu chuẩn như có tế bào CD4 thấp, bệnh phát nặng mới được điều trị, nhưng hiện nay việc điều trị được thực hiện trong ngày đối với những trường hợp nhiễm HIV dương tính. Cũng như việc xét nghiệm trước đây thường mất khoảng 6 tuần từ khi phát hiện cho đến khi điều trị thuốc, còn hiện nay thời gian đã giảm xuống chỉ còn 6 giờ đồng hồ.

70% số người nhiễm HIV đã được phát hiện đang điều trị - Ảnh 3.

Tại hội nghị, còn có các chia sẻ đánh giá từ các cơ quan LHQ, các tổ chức quốc tế, những người cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS, những người nhiễm HIV đang điều trị ARV và những tổ chức dựa vào cộng đồng

"Trong 3 mục tiêu 90- 90- 90 thì mục tiêu 90 thứ 3 của điều trị HIV tại Việt Nam đã đạt 95 – 96%, còn 2 mục tiêu đầu, chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa, tăng cường công tác người nhiễm HIV trong cộng đồng. Hiện nay, chúng ta còn khoảng 50.000 - 60.000 người trong cộng đồng dương tính với HIV chưa được xét nghiệm. Thời gian tới, sẽ mở rộng xét nghiệm HIV ngay tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV, xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích, sử dụng những sinh phẩm mới, hiện đại để cập nhật. 

Dù mở rộng điều trị nhưng chúng ta chỉ đáp ứng được 70% những người bị phát hiện, vẫn còn những người chưa phát hiện nhiễm HIV sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian sắp tới. Đặc biệt là công tác truyền thông để mọi người hiểu tầm quan trọng của HIV/AIDS qua đó sẽ tham gia điều trị tích cực hơn. Chúng tôi sẽ cam kết có những giải pháp chuyên môn, cập nhật phác đồ, có những thuốc hiệu quả, điều trị tích cực hơn, dễ dàng hơn"- Cục trưởng chia sẻ.

K=K là một bằng chứng khoa học mới của thế giới, những người nhiễm HIV được điều trị ARV đầy đủ theo hướng dẫn đầy đủ trong máu nhiễm HIV rất thấp dưới 200 bản sao/ml máu. Bằng chứng khoa học chứng minh những người này không có khả năng lây nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục đã tạo ra bước ngoặt mới trong công tác điều trị HIV.

Khó khăn nhất vẫn là kì thị người nhiễm HIV

"Từ tháng 3 cho đến nay là 9 tháng của năm 2019, chúng ta đã có thành công ban đầu rất quan trọng. Trong đó, vấn đề truyền thông cho người bệnh, cộng đồng, những người cung cấp dịch vụ, kiện toàn các phòng khám điều trị HIV để ký hợp đồng với BHYT. Mở rộng tỉ lệ người nhiễm HIV đặc biệt những người đang điều trị ARV tham gia BHYT, chúng ta đã đấu thầu thành công nguồn thuốc ARV sử dụng BHYT. Đây là nỗ lực chung của rất nhiều cơ quan có liên quan, chúng ta sẽ tiếp tục mở rộng nữa"- Cục trưởng khẳng định.

Tuy nhiên, ông cũng đưa ra một một số vướng mắc đang tồn tại và khó khăn lớn nhất ở Việt Nam là việc kỳ thị với những người nhiễm HIV. Có 2 lý do chính là cộng đồng vẫn lo sợ HIV là bệnh lây nhiễm không có phương thức điều trị và kỳ thị hành vi tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn.

Ngoài ra, người nhiễm HIV cũng băn khoăn khi sử dụng BHYT sẽ lộ danh tính và lo ngại không tham gia BHYT, hoặc có thẻ BHYT nhưng không muốn sử dụng và một số vấn đề liên quan đến chuyển tuyến trong điều trị…

Bên cạnh đó, tỉ lệ tham gia BHYT của người điều trị ARV hiện nay là 90%, vẫn còn có người chưa tham gia BHYT. Cần tiếp tục đảm bảo 100% những người nhiễm HIV trong thời gian điều trị ARV đều tham gia BHYT. 

 Không có giấy từ tùy thân, người nhiễm HIV vẫn được tham gia BHXH

Khi được hỏi về cách giải quyết những khó khăn trên, ông cho hay, đối với việc kỳ thị phân biệt đối xử thì Cục Phòng, chống HIV/AIDS vẫn tích cực mở rộng với truyền thông và thông qua thông điệp K=K, người nhiễm HIV phải điều trị càng sớm càng tốt. Việc bảo mật thông tin của người nhiễm HIV cũng hoàn toàn bí mật và không để lộ danh tính. 

Bộ Y tế đã có chỉ thị, coi việc khám chữa bệnh HIV cũng như những bệnh thông thường khác, không có sự phân biệt trong việc sắp xếp bệnh nhân, phòng khám. Những người đi khám HIV hoàn toàn bình thường, các thông tin chỉ sử dụng cho công tác quản lý để đảm bảo những người HIV được chi trả đầy đủ.

Hiện nay, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang xây dựng phần mềm quản lý, đối với những trường hợp nhiễm HIV tham gia BHYT không mua theo hộ gia đình, không có giấy tờ tùy thân cũng có thể tham gia được chỉ cần lập danh sách, gửi ảnh cho cơ quan đầu mối địa phương để mua BHYT. Dần dần những người tham gia BHYT cũng quen dần.

"Vấn đề chuyển tuyến theo quy định của Bộ Y tế là đang điều trị ở TƯ, dần dần phải chuyển về theo tuyến BHYT. Chúng tôi đang cố gắng để duy trì những trường hợp đang điều trị ở đâu sẽ điều trị ở đó, những trường hợp chuyển tuyến có thể thông tuyến ở tuyến tỉnh không nhất thiết phải đăng ký ở huyện mà có thể đăng ký ở huyện lân cận, không lo ngại lộ danh tính. Những người nhiễm HIV cũng phải chia sẻ khó khăn, thách thức cùng cơ quan nhà nước để đảm bảo thường xuyên liên tục" - Cục trưởng nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm