Căn nhà phòng nhỏ tại địa chỉ 19/5 Trần Phú (Q.5, TP.HCM) của Đặng Luyến đã trở thành ‘nhà cứu hộ’ của mèo vô gia cư.
Ăn chay để dành tiền mua thức ăn cho mèo
Luyến chưa từng nghĩ căn phòng nhỏ do vợ chồng cô thuê để ở lại trở thành nơi cưu mang lũ mèo vô gia cư. Cô chăm lũ mèo một mình và không có bất cứ nguồn kinh phí nào dư để làm việc này, nhưng cô vẫn yêu lũ mèo vô điều kiện. Ban đầu, Luyến chọn công việc này một cách bất đắc dĩ. Một ngày tháng 7/2015, có người bạn trên facebook “tag” Luyến vào một hình chụp con mèo ở chợ bị bỏ rơi, con mèo đang có bầu và gần đến ngày sinh. Thương quá nên Luyến nhận về chăm. Mới đầu Luyến tưởng người bạn chỉ nhờ chăm một con. Ai ngờ bạn mang một lúc 2 con, rồi tiếp tục mang tới thêm cả chục con nữa.
Từ lần cứu một con mèo mang thai gặp nạn, Luyến trở thành 'nhà cứu hộ' bất đắc dĩ (Ảnh: Đặng Luyến) |
"Thời điểm đó, con nào con nấy đều bị bệnh hoặc bị thương nặng. LiLy bị hoại tử gần như khắp cơ thể, Salem bị trầm cảm và khủng hoảng tinh thần do lớn lên tại lò mổ chứng kiến đồng loại bị giết triền miên. Còn Mụp lại là một chú mèo rất sợ… bị triệt sản,… và những con mèo khác kêu thảm thiết trong sợ hãi", Luyến kể.
Thương lũ mèo, Luyến quyết định nghỉ việc ở nhà để chăm chúng. Chi phí khám chữa bệnh và ăn uống cho một con mèo từ 50 đến 100 nghìn đồng/lần. Từ chỗ chi tiêu “xả láng”, Luyến gần như cắt giảm toàn bộ nhu cầu sống của mình, chỉ ăn chay để dành tiền chăm lo cho lũ mèo. Thức ăn của mèo có bột cá, nhưng Luyến cũng đang tập cho mèo ăn chay, bởi nếu ăn thức ăn có đạm thường xuyên, vết hoại tử sẽ nặng và dẫn tới tử vong.
Lyli (trắng) bị hoại tử, chữa trị 3 tháng, tưởng khỏi mà vẫn bị như vậy. Đây là bé mèo tốn nhiều tiền nhất vì phải thường xuyên đi bác sỹ thú y theo dõi và điều trị. Bị bệnh nhưng bù lại, Lyli ăn rất khỏe. Khi mới về ở với Luyến, bé mèo có 1,8 kg, giờ đã tăng lên 4 kg. Salem bị trầm cảm, kêu gào thảm thiết vì lớn lên trong lò mổ. - Ảnh: Nguyễn Dung |
Mỗi con mèo một bệnh riêng, nhưng Luyến vẫn yêu thương chúng - Ảnh: Nguyễn Dung |
Thi thoảng có một vài người bạn trên mạng xã hội mang tới ủng hộ thuốc cho mèo, Luyến rất trân trọng. Số tiền mười mấy triệu đồng Luyến tiết kiệm được để mua thức ăn cho mèo mới đây cũng bị mất. Tiếc tiền, thương lũ mèo, cô ngồi bên bàn và khóc. Một con mèo mù lại gần, dũi người vào cô, lấy hai tay như ôm lấy cổ, như muốn lau nước mắt cho cô chủ. Luyến cảm thấy mình được chia sẻ nhiều.
Sẽ không sinh con trong vòng 5 năm để nuôi mèo
Luyến hay nựng lũ mèo bằng một nụ cười hiền hậu: 'Ồ ngoan, mẹ thương. Các con đã ăn no chưa?', coi chúng như thể con của mình.
Từ ngày có mèo, máy tính của Luyến toàn ảnh mèo, và cô cũng không còn nhiều thời gian chăm sóc bản thân như trước. Có đợt, cả mèo con, mèo bệnh, mèo cứu về một lúc tới 20 con. Lúc đầu Luyến không muốn nhận nhiều, nhưng gọi điện tới các nhà cứu hộ đều thông báo đã chật hết trong khi bản thân Luyến dù không tham gia đội cứu hộ nào vẫn phải vào cuộc.
Luyến vốn là kỹ sư nông nghiệp. Cô chuyển vào Sài Gòn sinh sống vì muốn trải nghiệm qua nhiều công việc khác nhau: pha chế, nấu ăn,… Từ ngày có mèo, thay vì cả tuần dọn nhà một lần thì mỗi ngày Luyến dọn 3- 4 lần - Ảnh: Gordon Trunk |
Ở Sài Gòn nhiều mèo bị bỏ rơi và Luyến biết nhiều người nuôi chó mèo còn thiếu thốn hơn mình. Ngày trước, đi đường dễ dàng nhìn thấy hình ảnh chó mèo bị bỏ nhưng Luyến không nghĩ mình sẽ mang lũ mèo đi “triệt sản” cho tới khi gặp quá nhiều mèo sơ sinh bị vứt đi, thân mình vẫn còn dính nguyên máu và dây rốn. Tới lúc đó cô nghĩ, cần phải “triệt sản” mèo để bớt đi lũ mèo chịu cảnh khốn khổ.
Hồi mới nhận mèo, Luyến lên kế hoạch về quê mấy ngày ở Bắc Giang. Gordon Trunk- chồng cô - một mình chăm lũ mèo, không “kham” nổi, anh gọi điện cho vợ và… khóc trong sợ hãi. Lần đó, Luyến phải gấp rút quay lại Sài Gòn.
Gordon Trunk là người Mỹ, anh thương những con mèo và ủng hộ vợ mình chăm chút chúng - Ảnh: NVCC |
Gordon Trunk nhận làm giúp vợ những việc nhỏ nhất như cho mèo đi vệ sinh. Có những con mèo bị bỏ rơi khi vừa sinh xong còn nguyên dây rốn, anh phải cho mèo bú sữa bình. Tắm cho mèo cũng nhiều phức tạp, Luyến phải tắm và cho chúng đi vệ sinh ngay tại toilet của vợ chồng họ.
Họ vun vén cuộc sống dù thiếu thốn, để chăm lo những con mèo vô gia cư một cách chu đáo nhất -Ảnh: NVCC |
Cũng vì nguyện vọng cưu mang mèo của mình, cô đặt kế hoạch ít nhất phải 5 năm nữa mới sinh con. Gordon và Luyến chia sẻ, họ cảm thấy vui vì điều này, chí ít đã góp phần để cộng đồng đẹp hơn từ những việc làm nhỏ bé của mình.