pnvnonline@phunuvietnam.vn
9X quyết tâm nhận nuôi em bé chậm phát triển, sau 2 tuần đứa trẻ bụ bẫm trông thấy
Nhiều người nói chị Hoàng Thị Thu Hà (23 tuổi, Hải Phòng) bồng bột khi nhận nuôi bé Mây - một em bé chậm phát triển bào thai, hệ xương chỉ tương đương thai 33 tuần tuổi. Thậm chí mẹ chị còn phản đối, người yêu cũng chủ động rút lui nhưng chị bỏ ngoài tai và mặc kệ tất cả.
Chị chấp nhận hết mọi thứ, mọi khó khăn đối diện với mình trước đó bởi tình yêu dành cho Mây, niềm khao khát được làm mẹ. Chị biết rằng, dù Mây bị thiệt thòi khi sinh ra nhưng con sẽ mãi là một đứa trẻ may mắn khi được ở bên mẹ.
Chị Thu Hà đang tập phục hồi chức năng cho bé Mây.
Bỏ ngoài tai lời nói của mọi người nhận con nuôi, làm mẹ đơn thân ở tuổi 23
Chị Hoàng Thị Thu Hà được biết đến là giáo viên, trị liệu viên, thiết kế, thông dịch viên và cả makeup. Mặc dù đảm nhận nhiều công việc nhưng hiện nay chị đa phần dành thời gian dạy trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, công việc mang lại nguồn thu nhập chính cho chị vẫn là thiết kế.
Mỗi ngày, nếu có khách đặt lịch make up, chị sẽ bắt đầu công việc từ 3-4h sáng đến 7h tại nhà, từ 8h-5h chiều chị sẽ dạy trẻ khuyết tật. Vì có giáo viên phụ thêm nên chị Thu Hà có thể xoay sở được những hợp đồng làm thêm vào buổi tối.
Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với công việc dạy trẻ khuyết tật, chị Hà cho biết, chị có cơ hội làm thông dịch viên cho người điếc từ năm lớp 10-11. Sau đó, chị đi sâu hơn về trẻ khuyết tật và gắn bó với nó được 6 năm nay. Trước đó, khi thi đỗ chuyên ngành kế toán tại một trường Đại học, chị quyết định dừng vì thấy công việc này không phù hợp với mình và tự tìm học bổng đi Úc. Sau thời gian học và làm ở Úc, 9X trở về Việt Nam tiếp tục niềm đam mê và công việc dạy trẻ khuyết tật.
“Dạy trẻ khuyết tật cần một tình yêu rất lớn với tụi nhỏ và mình phải rất kiên nhẫn. Bản thân mình là một người rất nóng tính, mình cũng không biết tại sao có thể kiên nhẫn được và xót học sinh như vậy. Mình cảm thấy nếu như không dạy tụi nhỏ thì tương lai chúng sẽ đi về đâu. Vì thế cố gắng dạy làm thế nào để tốt nhất với lũ trẻ”, chị Thu Hà bộc bạch.
Khi quyết định gắn bó với công việc dạy trẻ khuyết tật, chị Thu Hà vấp phải nhiều sự phản đối từ gia đình, đặc biệt từ mẹ bởi gia đình truyền thống quân nhân, hướng con gái theo bộ đội nhưng chị không theo. Đối với chị, đó không phải con đường mình chọn nên khi quyết làm những điều mình muốn, chị đã phải tự lo hết mọi thứ.
Bé Mây chào đời nặng 2,4kg, chẩn đoán chậm phát triển thai kỳ, bé không được tiêm phòng sau sinh vì không đủ cân nặng.
Chị Hà thổ lộ, từ trước đến nay mọi việc đối với chị chẳng có gì là dễ dàng cả nhưng chị chưa bao giờ cảm thấy mình khó khăn bởi bản thân luôn tìm cách thích nghi nó một cách dễ dàng. Ngay cả việc gia đình, mẹ phản đối những quyết định của chị, đặc biệt quyết định nhận nuôi bé Mây - một em bé chậm phát triển, làm mẹ đơn thân ở độ tuổi 23 trong khi chưa kết hôn, có con. Chị biết, mình có cuộc sống độc lập, tự lo cho bản thân, tự có thể mua nhà riêng nên cũng có thể tự lo cho những quyết định mình lựa chọn dù có bị phản đối như thế nào.
“Mình đã từng mang thai và sảy thai nên rất thích em bé. Khi biết có thể nhận nuôi bé Mây, mình mong ngóng từng ngày con ra đời. Mình không suy nghĩ nhiều khi quyết định nhận nuôi bé, ngược lại rất sung sướng, hạnh phúc khi được bế con trên tay. Cảm giác đó đến bây giờ mình vẫn chưa hết hạnh phúc”, chị Thu Hà chia sẻ khoảnh khắc được bế bé Mây lần đầu tiên.
Nhận nuôi bé Mây, chị Thu Hà bỏ ngoài tai tất cả lời nói của mọi người.
Dẫu nhiều người nói chị bồng bột, nhiều người can ngăn chị khi nhận nuôi bé Mây – một em bé chậm phát triển thai kỳ, hệ xương chỉ tương đương 33 tuần tuổi, thậm chí mẹ chị quyết liệt phản đối, người yêu cũng rút lui nhưng chị vẫn mặc kệ.
Chị không buồn vì điều đó mà chấp nhận hết những khó khăn, những nỗi khổ khi nhận nuôi một em bé chậm phát triển, đặc biệt không được tiêm một mũi tiêm phòng nào khi chào đời vì cân năng 2,4kg không đủ tiêu chuẩn. Đối với chị, con nào cũng là con, một khi đã quyết định nhận nuôi chị sẽ chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Chị sẽ nuôi con thật tốt và sẽ không bao giờ để con phải khổ.
“Mọi người khuyên mình đừng nhận, suy nghĩ lại đi nhưng mình nói thẳng “dù con có vấn đề gì mình cũng không từ bỏ vì mình đã nói nhận là sẽ nhận, chứ không phải vì sợ khổ mà không nhận. Mình biết con sinh ra đã kém may mắn, quá khổ rồi”.
Cũng có nhiều người hỏi mình “Mày nhận nó xong có cảm thấy bồng bột không?”. Mình trả lời “Không hề”. Mình nghĩ đơn giản thôi và nhiều người đã nói với mình rằng “con về với mình là một điều may mắn vì con có một người mẹ như mình, vì mình không thua kém một ai cả”.
Bản thân mình có kinh nghiệm chăm trẻ con, đã có thời gian dài em chăm trẻ sơ sinh ở làng trẻ mồ côi bị bỏ rơi nên rất tự tin về khả năng chăm bé, không gặp nhiều khó khăn", chị Thu Hà cho hay.
Nuôi con chậm phát triển, một tuần sau bác sĩ bất ngờ không nhận ra
Bé Mây chào đời ngày 21/5, đến nay đã hơn 2 tuần chị Thu Hà nhận nuôi bé. Kể từ khi làm mẹ, chị thấy mình sắp xếp thời gian, mọi thứ hợp lý hơn để khi con thức có thời gian giáo dục sớm cho con. Hiện tại, vì dạy trẻ khuyết tật toàn thời gian nên chị vẫn có thời gian dành cho Mây. Buổi tối, chị chơi với con đến khi đi ngủ thì lại tiếp tục công việc thiết kế của mình đến 2-3h sáng.
Vì bé Mây chào đời không đủ cân nặng nên sau sinh không được tiêm phòng. Để tăng cường sức đề kháng cho con, ngay từ khi nhận nuôi bé ở viện chị đã tập phục hồi chức năng luôn cho bé. Do học vật lý trị liệu phục hồi chức năng chuyên sâu Nhi nên lúc nào con dậy là chị lại tập cho bé.
Buổi sáng khi bé dậy, chị sẽ tập mát xa nhẹ nhàng rồi đến những bài nặng hơn cho con. Buổi đêm, 1h sáng chị sẽ cho con ăn một chút rồi mát xa để bé ngủ đến 3h sáng lại mát xa tiếp. Mây ngủ đến 5h sáng sẽ dậy đi phơi nắng và tập phục hồi chức năng 1 tiếng. Xong xuôi, chị sẽ cho con tự chơi để vệ sinh cá nhân rồi tắm cho con. Khi con ngủ, chị sẽ làm những công việc của mình.
Nhờ sắp xếp mọi việc hợp lý nên chị Thu Hà cảm thấy mình nuôi con nhàn tênh. Đặc biệt, do con tập mệt nên ăn rất ngon và ngủ ngoan không hề quấy khóc.
“Trước khi tập phục hồi chức năng, mình sẽ cho con ăn một chút lót dạ, không quá nhiều rồi tập, tập xong cho ăn rồi đi ngủ, thế thôi. Con tập mệt nên ăn khỏe lắm. Mình làm mẹ nhàn lắm, thậm chí, còn trêu bạn bè có khi cuối năm đẻ đứa nữa cho bớt nhàn”, chị Thu Hà cười.
Hơn 2 tuần về với chị Thu Hà, bé Mây ăn ngon và ngủ ngoan.
Hiện nay, mỗi ngày bé Mây có thể ăn được 10 cữ sữa, mỗi cữ 60-90ml sữa. Nhờ luyện tập phục hồi chức năng thường xuyên mà 7 ngày sau sinh bé có thể trườn 2m ra bình sữa để bú, có thể ngóc cổ lên khá lâu, lật người khá tốt và một tuần sau khi khám lại, bé khiến bác sĩ bất ngờ vì hệ xương cứng ngang trẻ một tháng tuổi, trong khi trước đó bé được chẩn đoán chậm phát triển.
Chưa kể, do được chị dán bộ huyệt theo phương pháp diện chẩn để tăng sức đề kháng mà dù ở viện hơi sốt, chảy nước mũi đến nay bé khỏe hơn rất nhiều.
Mây khiến các bác sĩ bất ngờ vì sự thay đổi, xương cứng cáp như trẻ một tháng.
Dẫu nhận con nuôi và làm mẹ đơn thân ở độ tuổi 23 khiến nhiều người e ngại khi muốn đến với chị nhưng chị Hà vẫn mặc kệ và không cần. Chị biết những người theo đuổi mình đã rút lui hết nhưng bản thân vẫn vô cùng thoải mái vì không phụ thuộc vào ai, vẫn sống tốt khi không có họ. Đối với chị, mối bận tâm lớn nhất hiện giờ chỉ là bé Mây và niềm vui mỗi ngày chính là nhìn thấy con khỏe mạnh.
“Con hãy vui vẻ bình an khỏe mạnh bên mẹ như cái tên mẹ đặt cho con nhé, Hoàng An Nhiên”, chị Thu Hà ôm bé Mây mỉm cười.