pnvnonline@phunuvietnam.vn
Á hậu Hoa Đan: Muốn trang phục các dân tộc Việt Nam lên sàn diễn thời trang thế giới
Á hậu Hoa Đan thực hiện dự án trang phục 54 dân tộc
- Hơn 1 năm sau khi đăng quang Á hậu các dân tộc Việt Nam, cuộc sống của bạn thay đổi thế nào?
Hiện tại em sắp hoàn thành việc học đại học và đã đi làm. Sau 1 năm, em nhận ra rằng danh hiệu là động lực cho mình, đó không phải là áp lực gì cho cuộc sống. Mình phải giữ hình ảnh, giữ gìn danh hiệu mà mình đang có nhưng em vẫn có thể sống và làm việc vui vẻ, tự nhiên, chân thật, đem đến những điều tích cực. Với danh hiệu này, em có cơ hội được làm, được thực hiện và lan tỏa nhiều việc ý nghĩa hơn cho cộng đồng.
Về cuộc sống cá nhân thì cũng không có nhiều thay đổi, em vẫn… nghèo như xưa. Nhiều người vẫn thường cho rằng, các hoa hậu, á hậu thì sẽ giàu, sẽ nhiều tiền. Các công việc của mình, liên quan đến hình ảnh của mình, em đều thường tự làm, tự cố gắng hết sức. Với em thì danh hiệu không mang lại nhiều về vật chất nhưng đem đến cho mình nhiều cơ hội hơn.
- Ngoài việc đem đến nhiều cơ hội làm việc hơn, danh hiệu Á hậu 1 còn mang lại cho bạn những điều gì?
Trong quá trình tham gia cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022, em có cơ hội để rèn luyện bản thân, giúp em hoàn thiện mình hơn và tự tin hơn.
Cuộc thi còn đem đến cho em rất nhiều kiến thức nữa. Trong suốt cuộc thi, em đã có những người bạn đến từ nhiều dân tộc khác nhau. Văn hóa của các dân tộc Việt Nam vô cùng đa dạng và có rất nhiều điều thú vị, chính trong quá trình thi cùng nhau, em đã học hỏi được nhiều điều một cách rất tự nhiên.
Sau cuộc thi, là Á hậu 1, em có cơ hội tham gia các chuyến đi đến với đồng bào các dân tộc ở nhiều nơi, nhiều địa phương. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc giờ đây đã tốt lên rất nhiều, nhưng một số nơi vẫn còn khó khăn lắm. Đến với các em nhỏ miền núi, trước hết em chơi cùng các em ấy. Em có thể nói rằng "chị cao hơn em nhưng chưa chắc đã khỏe, đã chạy nhanh bằng em, bây giờ thì mình có thể thi chạy trước nhé". Rồi sau đó, thân thiết hơn, em có thể khuyên một cậu bé rằng "Bây giờ được đi học, có cô giáo, có các bạn, là vui đã. Phải biết con chữ, biết làm toán, cố gắng học giỏi hơn, đừng có bỏ học đấy nhé".
Sau những hành trình, sau những gì đã thấy, em mong muốn cuộc sống của phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số ở các địa phương sẽ được cải thiện hơn. Ở nhiều nơi, tiềm năng về du lịch, văn hóa, các sản phẩm tại chỗ là rất lớn, có thể mang lại nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhiều chị em phụ nữ đã rất năng động, đã làm được, song nhiều phụ nữ vẫn còn rất nghèo, rất thiếu thốn, do trước đây không có điều kiện học hành tốt. Trong thời đại bây giờ, muốn thay đổi cuộc sống, phải có các kĩ năng, chẳng hạn như muốn bán được một chai mật ong, một tấm vải, thì ngoài việc mang ra chợ như trước kia, giờ đây phụ nữ dân tộc miền núi có thể bán qua các trang mạng. Việc trước kia thiếu thốn, không được học, thiếu kĩ năng khiến nhiều người đã luôn phải chấp nhận, đã không thể tự thay đổi cuộc sống của chính mình. Trong khi đó, chỉ với những kĩ năng cơ bản, có thêm sự giúp đỡ của cán bộ Hội phụ nữ địa phương, có người đã mở được một homestay tạo ra nguồn thu tốt, bán sản phẩm đi khắp mọi miền.
Em luôn nghĩ rằng, nếu cuộc sống của 1 bà mẹ tốt lên, thì cuộc sống những đứa con sẽ được cải thiện rất nhiều. Nếu một em gái nhỏ ngày hôm nay được học hành tốt, cuộc sống về sau sẽ khác. Với mong muốn này, điều luôn thôi thúc trong em là mình phải làm được một điều gì đó để có đóng góp vào cái chung.
- Đó có phải là lý do cho việc bạn đang thực hiện 1 dự án về trang phục các dân tộc Việt Nam?
Là phụ nữ, ai cũng yêu thời trang. Dự án của em cũng bắt đầu từ chính việc tham gia cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam. Khi đó, mỗi bạn mặc trang phục dân tộc của mình, rồi em cũng được mặc thử trang phục của các dân tộc. Tất cả đều nhận thấy được trang phục của các dân tộc đều đẹp, đều có những dấu ấn văn hóa riêng và khi mặc lên thì mang lại vẻ đẹp rất đặc biệt cho người mặc.
Em muốn mọi người sẽ quan tâm nhiều hơn nữa, sẽ thấy được nhiều hơn về vẻ đẹp của trang phục các dân tộc, qua đó sẽ hiểu hơn văn hóa của mỗi dân tộc. Em quyết định thực hiện "Dự án trang phục 54 dân tộc Việt Nam" của cá nhân mình. Với mỗi trang phục, em sẽ thực hiện hình ảnh để mọi người thấy rõ hơn về trang phục, bao gồm chất liệu, quá trình thực hiện chẳng hạn như việc nhuộm vải thế nào để tạo ra trang phục đó, khăn, các đồ trang sức, các dịp để mặc trang phục đó…
Hoa Đan thực hiện dự án trang phục 54 dân tộc Việt Nam
Em thực hiện bộ đầu tiên là trang phục của người Tày. Em đã tìm hiểu được quá trình nhuộm chàm để tạo ra vải áo, tạo ra chiếc áo dài 5 thân của người Tày. Phụ nữ Tày đeo trang sức là chiếc kiềng bạc và có thêm một trang sức bằng bạc gọi là xà tích. Quá trình tìm hiểu, thực hiện bộ ảnh với trang phục rất thú vị nhưng cũng có khó khăn, chẳng hạn như ê kíp thực hiện đã chưa kịp mượn được đôi hài vải.
Khó khăn nữa là phải tham khảo từ nhiều nguồn, di chuyển tìm kiếm vất vả mới có thể hiểu và ra được trang phục nguyên bản, thuần chất của một dân tộc. Qua thời gian, qua những thay đổi, giao lưu tiếp biến văn hóa, có những trang phục vẫn được gìn giữ thuần chất nhưng cũng có những điều thay đổi của trang phục sử dụng trong cuộc sống thường ngày. Với em, khó khăn này cũng là một điều thú vị.
Những chất liệu, họa tiết, văn hóa của các dân tộc đã trở thành cảm hứng cho rất nhiều thiết kế thời trang. Điều em mong muốn là những trang phục, vẻ đẹp của trang phục các dân tộc Việt Nam sẽ được quảng bá mạnh mẽ hơn ở trong nước và ra thế giới. Trang phục các dân tộc Việt Nam sẽ lên sàn diễn thời trang thế giới.
Em nghĩ với dự án này, mọi người sẽ hiểu hơn về văn hóa, trang phục các dân tộc. Ngoài ra, em mong rằng qua việc quảng bá văn hóa sẽ gián tiếp tạo ra, thúc đẩy được những điều khác, chẳng hạn như thúc đẩy du lịch. Những tấm vải, những chiếc khăn, túi, đồ trang sức mà những người phụ nữ các dân tộc thiểu số làm ra sẽ mang lại nguồn thu để cải thiện cuộc sống.