Á khôi Miss Photo 2017 Thạch Thảo đồng hành vì người nhiễm HIV
31/01/2018 - 09:01
Á khôi Miss Photo 2017 Trần Đình Thạch Thảo đã nhiệt tình tham dự sự kiện “Hành trình truyền cảm hứng: Bảo hiểm y tế - Cánh tay nâng đỡ” diễn ra tại TPHCM chiều ngày 30/1/2018.
Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam (VNP) phối hợp cùng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế (VAAC) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thông qua Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật Hướng tới Chương trình Phòng chống HIV/AIDS Bền vững (USAID SHIFT) tổ chức sự kiện “Hành trình truyền cảm hứng: Bảo hiểm y tế - Cánh tay nâng đỡ”.
Khách mời tham dự sự kiện được thưởng thức một phim ngắn về “Hành trình truyền cảm hứng”, với sự tham gia diễn xuất của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê. Trong phim ngắn này, H’Hen và 2 ca sĩ Tuấn Tú, Nguyên Hy hóa thân thành người sống chung với HIV, phác họa hành trình vượt khó khăn để tiếp cận và sử dụng BHYT.
Trên hành trình này, họ đã phải nỗ lực để khắc phục các khó khăn liên quan đến giấy tờ tùy thân, đăng ký hộ gia đình, cũng như phải đối mặt với nỗi sợ về kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Các diễn viên đã khắc họa hình ảnh người nhiễm HIV từ những góc độ và số phận khác nhau trong cuộc sống (người mẹ đơn thân, anh tài xế xe ôm) luôn nỗ lực để duy trì điều trị thông qua BHYT.
Được biết đây là sự kiện ra mắt chính thức một chiến dịch mới nhằm truyền thông về lợi ích của BHYT và nâng cao vai trò tích cực, chủ động của người nhiễm HIV đối với việc tham gia và sử dụng BHYT trong khám bệnh và chữa bệnh HIV.
Bên cạnh sự tham gia của các diễn viên trong phim ngắn, hơn 100 khách mời là lãnh đạo và đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS và Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội, VNP, các tổ chức quốc tế, giới văn nghệ sĩ đã đến tham dự sự kiện. Khách mời sẽ nhận thấy những tiến bộ đạt được trong mục tiêu chấm dứt HIV tại Việt Nam cũng như những chương trình hành động quan trọng và thiết yếu nhằm đảm bảo tất cả người nhiễm HIV biết được tình trạng HIV của họ và duy trì điều trị nhằm ức chế tải lượng virus và sống khỏe mạnh, có ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Tuân thủ điều trị ARV sẽ giúp người có “H” sống khỏe mạnh và giảm thiểu khả năng lây nhiễm ra cộng đồng. Từ trước đến nay, việc điều trị ARV được cung cấp miễn phí thông qua nguồn tài trợ quốc tế. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng tăng trưởng và được củng cố, các cơ quan tài trợ chuyển phân bổ nguồn lực sang các quốc gia có nguồn lực hạn chế và tình hình HIV nghiêm trọng hơn.
Thông qua các dự án như USAID SHIFT, PEPFAR đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam củng cố và mở rộng triển khai BHYT, như một chiến lược quan trọng nhất để duy trì bền vững chương trình điều trị ARV. Hiện tại, BHYT đang thanh toán các chi phí như phí khám bệnh, xét nghiệm và điều trị nhiễm trùng cơ hội dành cho người bệnh HIV tại các cơ sở điều trị HIV đủ điều kiện, trong tương lai, bắt đầu từ tháng 1/2019, BHYT sẽ mở rộng chi trả cho cả thuốc kháng virut ARV cho các bệnh nhân có thẻ BHYT.
“Việc điều trị HIV/AIDS là liên tục và suốt đời. Hiện chi phí thấp nhất chỉ riêng cho thuốc ARV theo phác đồ bậc 1 khoảng hơn 4 triệu đồng/năm/người, không kể các chi phí khác như khám và xét nghiệm. Đối với bệnh nhân kháng thuốc phải điều trị phác đồ bậc 2 thì chi phí điều trị tăng lên gấp 7-8 lần. NCH có tỷ lệ mắc một số bệnh khác cao hơn người bình thường nên cần được điều trị và chăm sóc toàn diện. Thêm vào đó, người nhiễm HIV cũng có thể mắc các bệnh khác. Do vậy, nếu không có thẻ BHYT, NCH sẽ phải bỏ ra một số tiền khá lớn để duy trì điều trị HIV/AIDS”, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, cho biết.
Được biết, dự án USAID SHIFT, Cục Phòng chống HIV/AIDS và VNP sẽ tiếp tục làm việc tích cực cùng nhau trong thời gian tới. Bên cạnh việc tăng độ bao phủ và sử dụng BHYT, Dự án USAID SHIFT và Cục Phòng chống HIV/AIDS vẫn đang phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố và các cơ sở điều trị nhằm chuẩn bị cho những thay đổi khi chuyển giao nguồn tài chính của chương trình phòng chống HIV/AIDS. Hy vọng với những nỗ lực đang thực hiện, Việt Nam sẽ là quốc gia điển hình về cung cấp dịch vụ bền vững bằng nguồn lực trong nước, đồng thời đạt được mục tiêu kiểm soát dịch HIV.