Ai rồi cũng phải chuyển nhà...

Tản mạn của Minh Ngọc
11/06/2022 - 16:37
Ai rồi cũng phải chuyển nhà...

Ảnh minh họa

Căn phòng đầu tiên của mỗi người có lẽ là cả thế giới, khi thế giới vẫn chỉ là một không gian nhỏ bé như chính những đứa trẻ trong đó.

Tôi sinh ra trong một ngôi nhà điển hình của Hà Nội vào thập niên 1980 và 1990 - mỗi gia đình sở hữu một phòng chật hẹp trên phố cổ, chung nhau một khoảng sân và chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh. Căn phòng của gia đình tôi khi ấy rộng chưa đầy 8 mét vuông, chỉ kê đủ một chiếc giường to, một chiếc tủ gỗ nhỏ và chiếc tivi đen trắng. Không gian chật hẹp ấy định hình trong tôi những ký ức đầu tiên về "thế giới".

Thế giới của tôi khi đó chỉ gói gọn trong căn phòng, còn ngôi nhà là cả vũ trụ. Tôi luôn coi căn phòng của gia đình mình là Trái Đất, chỉ có 3 cư dân là bố, mẹ và tôi. Còn tất cả các người họ hàng khác sống trong những căn nhà kế bên ở tầng trên, tầng dưới sẽ là "người ngoài hành tinh" nhưng đang cùng tồn tại giữa vũ trụ.

Bước chân ra khỏi căn phòng ấy, ra sân đi vệ sinh thôi là tôi giống như một phi hành gia. Và chỉ có về lại "Trái Đất", tôi mới thấy được sự an toàn và có thể ngủ say được.

Hồi xưa, thi thoảng tôi và các anh, chị em trạc tuổi sống cùng khu phố hay tụ tập lúc người lớn đi vắng và chơi trò dựng lều dọa ma. Ai lớn tuổi nhất sẽ thành con ma, những đứa còn lại chui vào một chiếc chăn rộng và trùm kín lại. "Con ma" có nhiệm vụ hù dọa bằng các chiêu trò như tạo ra tiếng động trong phòng, nói giọng rùng rợn: "Ta là ma đây!", rồi xông vào cù lét hội đang trốn trong chăn. Những lúc ấy, căn phòng lại tràn ngập tiếng cười nói khúc khích, ồn ào của bọn trẻ đang nghịch ngợm.

Căn phòng đầu tiên của mỗi người có lẽ là cả thế giới, khi thế giới vẫn chỉ là một không gian nhỏ bé như chính những đứa trẻ trong đó.

Trong cuộc đời mỗi con người, tôi tin chắc rằng ai cũng đều có ít nhất một lần chuyển nhà. Đó là là sự vui sướng khi từ một chỗ nghèo khổ lên thành một chỗ sung túc, cũng có thể là nỗi thất vọng khi lạ nhà hoặc đang từ nơi to đẹp vào nơi chật hẹp. Nhưng rồi ai cũng phải chuyển nhà. Gần như không có ai chỉ ở duy nhất một ngôi nhà trong suốt cả cuộc đời, kể đó có là một tòa lâu đài nguy nga đi chăng nữa.

Khi sắp tròn 4 tuổi, lần đầu tiên tôi biết về cảm giác chuyển nhà. Vào một buổi sáng bình thường, người lớn dọn nhà, dọn đồ đạc. Tôi đang chơi ngoài sân thì bị bố gọi lên xe và đi đến một ngôi nhà mới. Mọi thứ diễn ra nhanh đến chóng mặt. Đó là một cảm giác hụt hẫng, trống trải có thể nói là lần đầu tiên của một đứa trẻ khi "lạ nhà". Tôi đã gào thét, phụng phịu khi sang nhà mới, làm đủ cách để đòi về nhưng "nhà" trước đây đã bán, đã không còn là của mình nữa. Tên của ngôi nhà ấy giờ là "nhà cũ".

Nhưng trẻ con vẫn luôn thích nghi với những cái mới tốt hơn người lớn và về bản chất, trẻ con là một "sinh vật" không trung thành.

Quá trình làm quen của tôi với nhà mới rất thuận lợi và suôn sẻ, dù đôi lúc tôi vẫn nhớ về căn phòng chật chội của tôi ở "nhà cũ". Ở nhà mới, không gian rộng rãi, riêng tư hơn. Tôi không phải tranh giành nhà vệ sinh với các anh, chị em họ mà có thể sử dụng bất cứ khi nào mình muốn.

Thế rồi em trai tôi chào đời, ngôi nhà tưởng chừng rộng lớn đủ cho 3 người bỗng chốc lại chật chội với tã lót, bỉm sữa và vô số vật dụng của trẻ sơ sinh. Khi nhà có thêm thành viên, tôi lại mong muốn có một căn phòng riêng để tự tạo một thế giới mà ở đó mình là bá chủ. Nhưng thời của tôi, nhà nào giàu lắm mới cho con cái có phòng riêng, còn thứ chúng tôi nhận được là "góc học tập" gồm một chiếc bàn, một cái ghế, hai chiếc ngăn kéo và một kệ sách phục vụ cho làm bài về nhà. Nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ tạo ra một thế giới mà người lớn không thể xâm phạm. Khi không phải học, tôi sẽ trốn vào đó đọc truyện tranh, vẽ vời đủ thứ linh tinh hay đơn giản là ngồi đếm tiền mừng tuổi mỗi dịp Tết...

Tôi vẫn nhớ cảm giác phấn khích vào ngày mình sở hữu căn phòng riêng đầu tiên. Dù vẫn là phòng chung với em trai nhưng ở đó không có sự xuất hiện của người lớn. Tôi có thể sắp xếp đồ đạc theo ý mình, tận hưởng mọi thứ theo cách mình muốn như mở nhạc thật to, dán tranh ảnh lên tường, xem phim tới khuya mà không sợ bị nhắc nhở đi ngủ sớm. Bạn bè tới chơi, tôi có thể lôi lên phòng riêng để trò chuyện, ăn uống, tạo ra vài dự án hay sản phẩm điên rồ của tuổi thanh xuân. Với tôi, căn phòng riêng khi ấy đã là cả thế giới và tôi chẳng cần phải đi đâu hết. Ngày nắng, ngày mưa, ngày lá rụng bên ô cửa hay ngày gió lạnh đầu mùa qua từng khe lỗ trên tường, căn phòng vẫn chẳng thay đổi trừ phi tôi muốn nó thay đổi bằng việc quét lại lớp sơn, sắp xếp lại đồ đạc, mua vài thứ mới, bỏ đi vài thứ cũ.

Nhưng con người vẫn còn phát triển, mọi thứ không bao giờ là đủ.

Đến một ngày, bạn chợt nhận ra mình muốn dành thời gian ở bên ngoài nhiều hơn, thế giới ngoài kia sao lại có nhiều thứ hay ho đến vậy. Có bao nhiêu vùng đất cần khám phá, bao nhiêu người mới cần quen, bao nhiêu món ngon cần thưởng thức, "chôn chân" ở nhà khi tuổi trẻ phơi phới quả thực là một "tội ác". Căn phòng lúc này gần như chỉ là nơi để về ngủ sau một ngày làm việc vất vả hay sau một bữa say mềm với đồng nghiệp. Để rồi một buổi sáng thức giấc, bạn quyết định sẽ phải dọn đi. Dọn ra khỏi căn phòng thân quen gắn bó bao nhiêu năm tháng, ra khỏi ngôi nhà mà bạn từng coi đó như là cả thế giới rộng lớn, rời xa gia đình ruột thịt yêu thương và che chở cho mình, bạn hướng tới một cuộc sống mới, những mối quan hệ mới trong một môi trường mới.

"Nhà cũ" dù có tuyệt vời đến mấy, chúng ta sẽ vẫn cứ đi tìm "nhà mới". Trong hành trình trưởng thành, chẳng có ai là người hùng. Nếu biết được trở thành người lớn sẽ như thế nào, liệu những đứa trẻ có còn muốn lớn lên.

Chúng ta có bao giờ được nói lời tạm biệt với tuổi thơ?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm