Ám ảnh về người cha bạo lực, cô gái 32 tuổi vẫn sợ lấy chồng

24/05/2017 - 19:45
Ba đánh mẹ rất dã man, như thể đánh kẻ thù. Có lần mẹ đau đến ngất đi, ba để im một lúc rồi hắt nước cho tỉnh và đánh tiếp. Có khi vết thương bật máu, ba chạy vào bếp lấy hộp muối đổ lên…

Tiếng chuông điện thoại vang lên. Một giọng nói rụt rè: “Cô Thanh Tâm ơi, cô có thể giúp cháu không? Cháu năm nay đã 32 tuổi nhưng thực sự vẫn chưa cảm thấy sẵn sàng với việc kết hôn cô ạ. Cháu sợ…”.

Đầu tiên, cô gái đó nói cô sợ tình yêu: “Cháu thấy bao nhiêu đôi yêu nhau say đắm mà vẫn bỏ nhau. Cháu sợ tình yêu sẽ chỉ gây tổn thương…”. Sau đó, cô lại nói là sợ đàn ông. Đời có bao nhiêu người đàn ông gian dối. Khi yêu thì lừa dối người yêu, khi kết hôn, có vợ đẹp con khôn nhưng vẫn không kiềm chế đam mê, vẫn chạy theo dục vọng. “Cháu không tự tin mình có thể may mắn gặp người đàn ông tốt”.

 Nhìn thấy ba đánh mẹ khiến cô bị ám ảnh (Ảnh minh họa: Internet)

Là một người trẻ, vậy mà cô gái đó lại dành nhiều năm đắm chìm trong nhng suy nghĩ tiêu cực. Điều này khiến Thanh Tâm không khỏi băn khoăn. Thế nhưng, mỗi khi Thanh Tâm muốn đi sâu hơn tìm hiểu, ở cô lại có biểu hiện tránh né. Cuối cùng, sau những lần lắng nghe những chia sẻ lặp đi lặp lại, Thanh Tâm nói với cô: “Sau buổi trò chuyện hôm nay, cháu hãy dành một chút thời gian cho riêng mình. Hãy để cho bản thân một khoảng lặng để có thể nhìn thấu chính mình. Đâu là điều thực sự đáng sợ đối với cháu, đâu là điều cháu đang tránh né? Cô sẽ luôn ở đây đồng hành cũng cháu. Bất cứ khi nào cháu thấy sẵn sàng, cháu có thể chia sẻ nó và chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua!”.

Bẵng đi một thời gian, vào nửa đêm khoảng 1 tháng sau đó, cô gái ấy đã gọi lại. Lần này, cô chia sẻ về gia đình mình. Ký ức về gia đình trong cô là những trận đòn ba đánh mẹ: “Có khi chỉ vì ba về ăn cơm, thấy canh nguội quá, thịt hơi mặn, thế là ba đánh. Ba đánh mẹ rất dã man, như thể đánh kẻ thù. Có lần mẹ đau đến ngất đi, ba để im một lúc rồi hắt nước cho tỉnh và đánh tiếp. Có khi vết thương bật máu, ba chạy vào bếp lấy hộp muối đổ lên…”.

Bị chồng đánh như thế nhưng ra ngoài, mẹ cô không bao giờ dám thừa nhận. Cô nhớ như in những khoảnh khắc mẹ len lén nhìn ba rồi quay ra nói với người ta: “Đâu có, đâu có, là do em bất cẩn. Có chuyện gì to tát đâu…”. Cô hận ba bao nhiêu thì lại cảm thấy ghét mẹ bấy nhiêu. Cô ghét sự nhẫn nhịn của mẹ. Cô luôn nghĩ nếu là mình thì không đời nào chịu như thế.

 Ám ảnh quá khứ khiến cô sợ hãi và dần có suy nghĩ, hành động lệch lạc (Ảnh minh họa: Internet)

Khi một người đàn ông ngỏ lời, ngay lập tức, trong đầu cô xuất hiện suy nghĩ: “Liệu anh ta có giống ba mình?”. Có những lần, cô bỏ người yêu chỉ vì anh ta có sở thích ăn uống hay thói quen đi xe máy bóp phanh giật giống ba cô. Cô ghét việc một người đàn ông nào đó bảo cô phải làm gì…

Giống như cô gái đó, nhiều đứa trẻ khác sống trong gia đình xảy ra bạo hành thường sớm bị tổn thương về tâm lý. Những tổn thương ấy có thể dẫn đến hành vi lệch lạc của trẻ khi lớn lên. Chúng có thể có cơ chế tránh né hay học tập những hành vi của cha mẹ mình. Trẻ gái có thể học sự nhu nhược, cam chịu từ mẹ, trẻ trai có thể học sự hung hăng, xu hướng bạo lực từ cha. 

Câu chuyện trên một lần nữa lại khiến chúng ta thấy rằng, bạo hành trong gia đình không bao giờ là một vấn đề nhỏ. Thêm một gia đình có bạo hành, nghĩa là sẽ có thêm những nạn nhân của nó. Thế nên, cần lắm ý thức của mỗi người trong việc chung tay phòng chống bạo lực gia đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm