pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ăn cơm nguội giúp giảm cholesterol và tốt cho người tiểu đường đúng hay sai?

Tinh bột kháng trong cơm nguội có thể đem lại một số lợi ích sức khỏe. Ảnh: ST
Rất nhiều gia đình thường không ăn hết cơm trong một bữa, để tiết kiệm hoặc tránh lãng phí, mọi người thường ăn lại cơm nguội. Nhưng cũng có một số người ăn cơm nguội vì những lợi ích sức khoẻ. Vậy ăn cơm nguội có tốt không? Ăn cơm nguội có an toàn không?
1. Ăn cơm nguội có tốt không?
Theo một số thông tin, người ta cho rằng ăn cơm nguội tốt cho người bị tiểu đường nhờ làm giảm lượng đường trong máu và có thể làm giảm cholesterol. Vậy thực hư như thế nào?
Thực chất, cơm nguội có thể đem lại một số lợi ích sức khoẻ, bao gồm cả việc giảm lượng đường trong máu và giảm cholesterol nhờ có hàm lượng tinh bột kháng cao hơn. Vậy tinh bột kháng là gì?
Tinh bột kháng là một loại chất xơ mà cơ thể bạn không thể tiêu hóa. Tuy nhiên, vi khuẩn trong ruột của bạn có thể lên men loại tinh bột này và hoạt động như một chất tiền sinh học hoặc thức ăn cho những vi khuẩn đó.
Loại tinh bột kháng cụ thể này được gọi là tinh bột thoái hóa và có trong thực phẩm giàu tinh bột đã nấu chín và để nguội. Trên thực tế, cơm hâm nóng có hàm lượng tinh bột kháng cao nhất.
Quá trình lên men của tinh bột kháng trong ruột tạo ra axit béo chuỗi ngắn, ảnh hưởng đến hai loại hormone - peptide giống glucagon-1 và peptide YY. Hai loại hormone này giúp điều chỉnh cảm giác thèm ăn và được gọi là hormone chống tiểu đường và chống béo phì do có liên quan đến việc cải thiện độ nhạy insulin và giảm mỡ bụng.
Một nghiên cứu trên 15 người lớn khỏe mạnh cho thấy ăn cơm trắng nấu chín đã được làm mát trong 24 giờ ở nhiệt độ 39°F (4°C) rồi hâm nóng lại làm giảm đáng kể lượng đường trong máu sau bữa ăn, so với nhóm đối chứng.
Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Nhân dân số 6 Thượng Hải (Trung Quốc) và Viện Hans Knoll của Đức cũng phát hiện ra rằng những người tình nguyện trong nhóm tiêu thụ tinh bột kháng có sự cải thiện về tổng lượng cholesterol, triglyceride, cholesterol lipoprotein tỉ trọng thấp và cholesterol lipoprotein tỉ trọng cao.
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng khi bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa tiêu thụ thực phẩm có chứa tinh bột kháng trong 12 tuần, nồng độ triglyceride huyết tương của họ giảm 43%.
Tuy nhiên, đây vẫn là những lợi ích tiềm năng, cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để đi đến kết luận chính xác.
Một số lợi ích khác của tinh bột kháng
Ngoài việc kiểm soát lượng đường trong máu và có thể làm giảm cholesterol, tinh bột kháng (có trong cơm nguội) đem lại nhiều lợi ích khác:
- Kiểm soát cân nặng: Béo phì có liên quan chặt chẽ đến lượng calo nạp vào quá mức và việc giảm lượng calo nạp vào có thể giúp giảm cân. Thực phẩm giàu tinh bột kháng có thể tăng cảm giác no, giảm cảm giác thèm ăn, giảm lượng calo nạp vào cơ thể, từ đó giúp giảm cân và kiểm soát cân nặng.
- Ngăn ngừa bệnh đại tràng: Tinh bột kháng cũng là một loại chất xơ ăn kiêng. Mặc dù không thể được hấp thụ và sử dụng ở ruột non, nhưng loại tinh bột này có thể đến đại tràng sau 2 giờ và được lên men bởi hệ vi khuẩn đường ruột trong đại tràng. Tinh bột kháng được lên men giúp tăng mức axit béo chuỗi ngắn, hạ thấp độ pH của ruột, ức chế sự phát triển và sinh sản của vi khuẩn gây bệnh và thúc đẩy sự phát triển của men vi sinh đường ruột, có lợi cho việc phòng ngừa các bệnh về ruột kết.
2. Ăn cơm nguội có độc hại không?
Nhiều người đặt câu hỏi: Cơm nguội có độc không? Ăn cơm nguội để qua đêm được không? Ăn cơm nguội để qua đêm hoặc trong ngày nhưng không được bảo quản đúng cách có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Bacillus cereus. Nhiễm loại vi khuẩn này có thể gây đau bụng, tiêu chảy hoặc nôn trong vòng 15 - 30 phút sau khi ăn.
Bacillus cereus là một loại vi khuẩn có thể phát triển nhanh chóng ở nhiệt độ từ 40-140°F (4-60°C) - một phạm vi được gọi là vùng nguy hiểm. Do đó, nếu bạn để cơm nguội ở nhiệt độ phòng, các bào tử sẽ nảy mầm, sinh sôi nhanh chóng và sản sinh ra các độc tố khiến bạn bị bệnh. Kể cả khi được đun nóng lại, vi khuẩn này vẫn có thể sống sót và gây ngộ độc cho người ăn.

Cơm nguội không được bảo quản đúng cách có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm (Ảnh: ST)
3. Cách ăn cơm nguội an toàn
Nếu bạn có sở thích hoặc muốn ăn cơm nguội vì một số lợi sức khoẻ, để đảm bảo an toàn bạn nên lưu ý:
- Bảo quản cơm nguội đúng cách: Hãy để cơm trong tủ lạnh ngay sau khi cơm nguội (không để quá 2 giờ ở nhiệt độ phòng) để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
- Hâm nóng cơm: Trước khi ăn, hãy hâm nóng cơm lên tới ít nhất 74 độ C để giết chết vi khuẩn có thể gây hại. Đảm bảo cơm được hâm nóng đều.
- Tránh hâm nóng nhiều lần: Cố gắng chỉ hâm nóng cơm một lần để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Kiểm tra mùi và màu sắc: Nếu cơm có mùi lạ hoặc thay đổi màu sắc, tốt nhất là không nên ăn.
- Ăn nhanh chóng: Sau khi hâm nóng, bạn nên ăn ngay và không để cơm tiếp xúc với nhiệt độ phòng quá lâu.
Nhìn chung, ăn cơm nguội có những lợi ích sức khỏe nhất định nhưng nên bảo quản cơm nguội tốt để tránh ngộ độc thực phẩm. Trẻ em, phụ nữ có thai, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu nên thận trọng hơn khi ăn cơm nguội, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng. Những đối tượng này có thể gặp nguy hiểm hơn nếu ăn phải cơm nhiễm khuẩn.