Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, cổ phiếu gạo Việt Nam “bứt phá”

Minh Anh
25/07/2023 - 07:08
Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, cổ phiếu gạo Việt Nam “bứt phá”

Ảnh minh họa

Sau tin Ấn Độ áp lệnh cấm xuất khẩu gạo, nhiều cố phiếu gạo Việt Nam liên tục tăng trong các phiên gần đây, từ 18-24%, có mã "kịch trần".

Mới đây, Chính phủ Ấn Độ đã áp lệnh cấm xuất khẩu gạo. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Ấn Độ chiếm hơn 40% thương mại gạo thế giới. Vì vậy, thông tin này là một "cú sốc" lớn đối với thị trường gạo toàn cầu.

Trước lệnh cấm từ Ấn Độ, nhà đầu tư Việt Nam đổ xô "gom" cổ phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh gạo. Nhiều cổ phiếu đã tăng liên tiếp 4-5 phiên gần đây, mức tăng lên đến 20%. Thậm chí, tại sàn chứng khoán Hà Nội, tỷ lệ tăng mạnh xuất hiện ở một số mã, từ 23 - 34%.

Cụ thể, trong 5 phiên gần đây, mã PAN - Công ty CP Tập đoàn PAN đã tăng từ 21.000 đồng lên gần 23.000 đồng/cổ phiếu, và "kịch trần" trong phiên sáng 24/7.

Hưởng lợi từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, cổ phiếu gạo Việt Nam “bứt phá” - Ảnh 1.

Biến động giá cổ phiếu PAN tính đến phiên 24/7 (Nguồn: SSI)

Hay cổ phiếu TAR - Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã tăng từ 17.400 đồng lên 19.900 đồng/cổ phiếu, hơn 2 triệu cổ phiếu TAR đã được "sang tay" tại phiên sáng 24/7. Cổ phiếu LTG – Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cũng tăng từ 33.300 đồng lên hơn 38.000 đồng/cổ phiếu.

Riêng mã AGM – Công ty CP Xuất Nhập khẩu An Giang không hưởng lợi được gì do đang bị hạn chế giao dịch tại sàn HOSE (Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM).

Cổ phiếu của các doanh nghiệp còn lại cũng đồng loạt tăng mạnh trong phiên đầu tuần. Thực tế, nhóm lúa gạo đã và đang trong xu hướng tăng tốt, khi tình hình xuất khẩu nửa đầu năm rất khả quan. 6 tháng đầu năm 2023, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu đạt 4,27 triệu tấn và 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Nhiều nhà đầu tư tỏ ra khá bất ngờ, bởi trước đây cổ phiếu nhóm ngành này thường không thu hút dòng tiền chính, lợi nhuận không cao do giá ít biến động.

Lý giải cho hiện tượng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, động thái của Ấn Độ cùng với nguồn cung trên thế giới, nhiều khách hàng sẽ chuyển sang đặt hàng gạo Việt Nam. Radhika Rao, chuyên gia kinh tế cấp cao tại DBS Bank cho rằng, các quốc gia bị tác động có thể chuyển sang các nhà cung ứng khác trong khu vực, ví dụ là Việt Nam và Thái Lan.

Điều này dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư Việt Nam ráo riết "gom" mã cổ phiếu nhóm gạo, khiến cổ phiếu ngành này liên tục tăng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm