Ấn Độ khổ sở vì 5 triệu con bò vô chủ: Dân chúng bất lực

Tất Đạt
18/04/2023 - 12:47
Ấn Độ khổ sở vì 5 triệu con bò vô chủ: Dân chúng bất lực
Những con bò đi lang thang khắp đường phố Ấn Độ đang là mối đe dọa lớn với sức khỏe và đời sống của người dân địa phương.

Thảm họa bò ở Ấn Độ

Theo Business Insider, hiện tại Ấn Độ có hơn 5 triệu con bò lang thang trên khắp các con đường ở nước này.

Bò là một con vật linh thiêng trong Ấn Độ giáo, nhưng những con bò vô chủ - chủ yếu là những con đực bị bỏ rơi - đã gây ra hỗn loạn ở đất nước này. Trong thời gian qua đã có rất nhiều báo cáo về việc gia súc tấn công người, gây tai nạn xe hơi và lây lan dịch bệnh.

Số lượng bò hoang ngày càng tăng một phần là do các hạn chế giết mổ được thắt chặt dưới thời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong thập kỷ qua. Công nghệ mới cũng cho phép nông dân sử dụng ít gia súc hơn và thường thả những gia súc không cần thiết của họ đi.

Được biết, Ấn Độ có 1,3 tỷ người và khoảng 1 tỷ người trong số họ theo Ấn Độ giáo. Đây là một tôn giáo với những câu chuyện thần thoại liên quan đến những con bò và vai trò thiêng liêng của chúng trong xã hội.

Mặc dù không có gì mới khi nhìn thấy bò lang thang trong các thị trấn hoặc trên đường cao tốc ở Ấn Độ, nhưng trong những năm gần đây, mọi thứ đã vượt khỏi tầm kiểm soát.

Các đàn bò hay tập trung tại bãi rác, hoặc ngâm mình trong sông Hằng.

Ấn Độ khổ sở vì 5 triệu con bò vô chủ: Dân chúng bất lực vì "động đến bò" có thể bị đi tù hoặc bị sát hại - Ảnh 1.

Trong thập kỷ qua, tình hình dường như trở nên tồi tệ hơn. Hiện có khoảng 5 triệu con bò đi lạc trên khắp Ấn Độ. Chúng chủ yếu là bò đực và thường ở trong tình trạng tồi tệ - đói ăn hoặc bị thương sau khi bị ô tô đâm.

Người Hồi giáo, chiếm khoảng 200 triệu người ở Ấn Độ, công khai tiêu thụ thịt bò vì đây là nguồn protein khá rẻ. Nhưng trong vài thập kỷ qua, điều đó đã bắt đầu thay đổi khi những người theo chủ nghĩa dân tộc của Ấn Độ giáo tích cực vận động chính phủ làm nhiều hơn để bảo vệ đàn bò.

Vấn đề đã được đề cập bởi ông Modi - thủ tướng trúng cử vào năm 2014. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ông Modi gọi việc giết mổ gia súc và xuất khẩu thịt bò là một "cuộc cách mạng hồng". Kể từ khi trở thành thủ tướng, ông đã siết chặt luật trên 18 bang để ngăn chặn việc giết mổ gia súc.

Năm 2017, tình hình còn tồi tệ hơn khi chính phủ Ấn Độ ra lệnh đóng cửa các lò mổ thịt bò trên cả nước. Ấn Độ là nước sản xuất thịt bò lớn thứ hai trên thế giới và là nước sản xuất sữa lớn nhất thế giới. Vì vậy, lệnh cấm giết mổ gia súc có tác động lớn.

Hầu hết bò sữa sống đến 15 năm, nhưng chúng thường ngừng sản xuất sữa sau 7 năm. Mỗi năm ở Ấn Độ có khoảng 3 triệu con bò ngừng sản xuất sữa.

Những con bò không thể đẻ hoặc cung cấp sữa được coi là gánh nặng của nông dân. Trước khi ông Modi thắt chặt các hạn chế, những con gia súc này thường được bán cho các thương nhân Hồi giáo và có nhiều người buôn lậu chúng ra nước ngoài để bán thịt và da.

Nhưng giờ đây, vì họ không thể giết mổ gia súc quá tuổi, nông dân chỉ còn cách thả những con bò đực và những con cái già không thể sinh sản.

"Người ta lặng lẽ bỏ mặc những con bò không sinh sản của họ trong đêm", một nông dân nói.

Công nghệ mới cũng góp phần vào sự bùng nổ đàn bò lang thang tại Ấn Độ. Chỉ vài thập kỷ trước, bò đực có vai trò rất quan trọng trong các trang trại - chúng cày ruộng và cung cấp phân bón. Nhưng với sự phát triển của máy kéo và phân bón hóa học, giờ đây chúng hầu như không còn cần thiết.

Ấn Độ khổ sở vì 5 triệu con bò vô chủ: Dân chúng bất lực vì "động đến bò" có thể bị đi tù hoặc bị sát hại - Ảnh 2.

Bò lang thang có thể không phải là điều quá đáng báo động, nhưng khi con số lên đến hàng triệu con, nó sẽ gây ra vấn đề.

Chúng thường không được cho ăn đủ và trở nên hung dữ. Có nhiều tin tức địa phương đăng tải về việc những người bị bò tấn công trên đường phố – một số thiệt mạng và một số khác bị thương nặng.

Những vấn đề phát sinh

Bò lang thang cũng gây ra tai nạn xe hơi. Từ năm 2018 đến 2022, tại bang Haryana của Ấn Độ, có hơn 900 trường hợp tử vong do gia súc trên đường gây ra.

Bò đi lạc còn có thể mang bệnh. Nông dân thả gia súc bị bệnh vì họ không thể tiêu hủy chúng, điều này có thể dẫn đến bùng phát dịch bệnh.

Đây có thể là điều đã xảy ra vào năm 2022 khi bệnh da sần ảnh hưởng đến hơn hai triệu gia súc.

Bò lang thang cũng có hại với mùa màng. Khoảng 85% nông dân ở Ấn Độ sở hữu không quá 2 ha đất, nghĩa là bất kỳ thiệt hại nào đối với cây trồng của họ đều có tác động lâu dài.

Một số nông dân xây dựng hàng rào hoặc thuê người bảo vệ đất đai của họ, nhưng điều này không phù hợp với hầu hết mọi người. Anjani Dixit, người đứng đầu hiệp hội nông nghiệp ở Uttar Pradesh, nói với National Geographic rằng "một đàn có thể phá hủy toàn bộ vụ mùa chỉ trong một giờ".

Ấn Độ khổ sở vì 5 triệu con bò vô chủ: Dân chúng bất lực vì "động đến bò" có thể bị đi tù hoặc bị sát hại - Ảnh 3.

Một nông dân tên Ashok Kumar, người đã phải hộ tống một đàn bò vô chủ ra khỏi trang trại của mình, nói với Bloomberg rằng cuộc sống của anh trở nên "khốn khổ".

"Nếu đánh bò vì chúng phá hoại mùa màng, chúng tôi có thể phải ngồi tù và không được tại ngoại trong nhiều tháng", anh nói. "Chính những người bỏ rơi đàn bò mới phải ngồi sau song sắt."

Ngoài lệnh cấm của chính phủ, các nhóm bảo vệ bò "tự phong" còn thực thi lệnh cấm bằng cách sát hại những người vi phạm, theo Bloomberg.

Từ năm 2015 đến cuối năm 2018, 44 người đã bị giết bởi các nhóm bảo vệ bò và 280 người khác bị thương.

Điều làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn là trong hầu hết các trường hợp, cảnh sát địa phương không can thiệp kịp. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đôi khi cảnh sát còn bị cáo buộc đồng lõa với các tội ác.

Ở Uttar Pradesh, người dân địa phương được yêu cầu báo cáo bất kỳ con bò nào chết cho chính quyền địa phương. Bất kỳ trường hợp bò tử vong nào có dấu hiệu nghi vấn đều cần phải khám nghiệm tử thi.

Ấn Độ khổ sở vì 5 triệu con bò vô chủ: Dân chúng bất lực vì "động đến bò" có thể bị đi tù hoặc bị sát hại - Ảnh 4.

Từ năm 2014 đến 2016, chính phủ của ông Modi cũng đã chi khoảng 41 triệu đô la Mỹ để xây chuồng bò gọi là gaushala để nhốt gia súc đi lạc. Hiện có hơn 5.000 gaushala trên khắp Ấn Độ. Nhưng theo BBC, như vậy là chưa đủ.

Trong khi đó, ở Uttar Pradesh, chính phủ đang lên kế hoạch thành lập một khu bảo tồn bò rộng 52ha.

Một số nông dân cũng đã bắt đầu thụ tinh nhân tạo cho bò cái để gần như đảm bảo giới tính của bê con – nghĩa là chúng sẽ không còn sinh nhiều bê đực nữa, nhưng đó là một giải pháp tốn kém.

Nhiều người còn tìm cách biến nước tiểu và phân bò thành thuốc chữa bệnh - mặc dù đây không phải là điều mới ở Ấn Độ - nhưng việc đó không được khoa học ủng hộ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm