Ấn Độ ra luật ngăn chặn 'nền công nghiệp đẻ thuê'

26/08/2016 - 11:59
Chính phủ Ấn Độ vừa thông qua dự luật cấm dịch vụ đẻ thuê khi dịch vụ này bị thương mại hóa cao độ, những tay dẫn mối thu về 500 triệu đến 2,3 tỷ USD mỗi năm và để lại nhiều hậu quả cho người dân nghèo.

Việc Chính phủ Ấn Độ thông qua dự luật cấm người nước ngoài đến Ấn Độ thuê người đẻ mướn được xem là một đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp đẻ thuê tại quốc gia này. Theo dự luật mới, người nước ngoài sẽ không được phép thuê hoặc du lịch đến Ấn Độ để thuê các phụ nữ tại đây đẻ mướn cho họ. Đồng thời, luật cũng sẽ hạn chế các cặp vợ chồng vợ chồng hiếm muộn sử dụng dịch vụ này.
 
an-do-ra-luat-ngan-chan-van-nan-de-thue-2.jpg
Ấn Độ được coi là "lò đẻ thuê" của thế giới

Ấn Độ được coi là "lò đẻ thuê" của thế giới, nơi mà các cặp vợ chồng vô sinh chủ yếu từ nước ngoài tìm đến, trả tiền cho những người phụ nữ địa phương để mang thai giúp họ. Ấn Độ chiếm 1/3 số người nghèo nhất thế giới. Các nhà phê bình cho rằng nghèo đói là nhân tố chính thúc đẩy những người phụ nữ nghèo vào con đường “sinh thuê đẻ mướn”. 
Mỗi phụ nữ đẻ thuê được trả 5.000-7.000 USD cho một lần đẻ thuê, một số tiền lớn đối với phụ nữ nghèo Ấn Độ vì họ có làm cả năm cũng không thể kiếm ra số tiền đó. Từ năm 2002 đến nay, đẻ thuê được coi như một ngành công nghiệp phát đạt tại Ấn Độ với lợi nhuận 500 triệu đến 2,3 tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, chính phủ nước này lo ngại việc kinh doanh đang ngày càng mất kiểm soát. Số liệu từ chính phủ Ấn Độ cho biết mỗi năm có khoảng 2.000 cặp vợ chồng thuê tử cung của phụ nữ Ấn Độ nhờ mang thai hộ.
Nhờ giá rẻ, tay nghề bác sĩ cao và chưa có luật cấm nên hoạt động đẻ thuê phát triển mạnh ở Ấn Độ với sự hình thành của gần 2.000 trung tâm cung cấp dịch vụ trên khắp cả nước, thu hút nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn và vô sinh từ khắp nơi trên thế giới. 
an-do-ra-luat-ngan-chan-van-nan-de-thue-3.jpg
Trung tâm môi giới đẻ thuê ngày càng mọc lên như nấm ở Ấn Độ
Dự luật dự kiến sẽ được trình Quốc hội Ấn Độ thông qua vào cuối năm 2016. Người vi phạm có thể bị phạt tù ít nhất là 10 năm và phạt tiền hơn 22.000 USD. Ngoại trưởng Ấn Độ nói rằng mục đích của dự luật là nhằm bảo vệ những phụ nữ nghèo khổ khỏi sự “bóc lột” của dịch vụ đẻ thuê. Nhiều trường hợp khách hàng từ chối nhận vì không hài lòng với đứa trẻ được sinh ra, đổ thêm gánh nặng cho những phụ nữ nghèo khổ.
Thái Lan, một trong những quốc gia ở Đông Nam Á nổi tiếng với dịch vụ mang thai hộ, hồi năm 2015 cũng đã ban hành luật cấm việc đẻ thuê. Quốc hội Thái Lan đã thông qua luật cấm du khách nước ngoài đến nước này để tìm người mang thai hộ hoặc đẻ thuê, dịch vụ này đã gây ra nhiều vụ kiện tụng lùm xùm trong năm vừa qua.
Trong năm 2014, Thái Lan đã vướng phải rất nhiều scandal từ dịch vụ đẻ thuê hộ người nước ngoài đang nở rộ tại đây, nổi bật nhất là vụ kiện cặp vợ chồng quốc tịch Úc đã bỏ rơi con sau khi biết 1 trong 2 đứa bé song sinh bị hội chứng down, họ chỉ nhận đứa bé khỏe mạnh rồi bỏ đi. Một vụ án khác liên quan đến người đàn ông mang quốc tịch Nhật Bản, ông ta bị cáo buộc là cha của ít nhất 16 trẻ em trong đường dây mang thai hộ lớn nhất cả nước. Đa số dân chúng Thái Lan đều ủng hộ bộ luật mới này vì họ cho rằng dịch vụ mang thai hộ bất hợp pháp sẽ làm giảm chất lượng của dịch vụ y tế và sản khoa trong nước.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm