pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ăn hến có tác dụng gì? Những tác hại ít biết của hến
Hến là động vật thuộc ngành thân mềm (Mollusca), họ hai mảnh vỏ (Bivalvia). Chúng sống trên mặt bùn ở đáy sông hồ. Hến từ lâu đã được sử dụng để làm nhiều món ăn ngon như nấu cháo, nấu canh, cơm hến… Bên cạnh đó, hến cũng có một số tác dụng đối với sức khỏe con người. Vậy ăn hến có tác dụng gì chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.
Ăn hến có tác dụng gì
Thành phần dinh dưỡng
Trong 100g thịt hến có 12,77g protid, 13,9mg chất sắt, 0,25mg đồng; nhiều vitamin B12, nhiều acid omega-3, ít cholesterol nên thích hợp với người thiếu máu và người bị bệnh tim mạch.
Vỏ hến có thành phần chủ yếu là oxit canxi.
Ăn hến có tác dụng gì
Trong đông y, cả vỏ hến (thanh cáp, cáp xác, nghiễn xác) và thịt hến (nghiễn nhục) đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Theo đó, thịt hến (nghiễn nhục) vị ngọt mặn, tính hàn, không độc; có tác dụng hoạt tràng, thông khí, mát gan, thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu. Vỏ hến (nghiễn xác) có vị mặn, tính ấm, không độc; có tác dụng cố tinh, làm se, long đờm, chống nôn, thanh nhiệt, lợi thấp, hóa đàm nhuyễn kiên.
Hến có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe
Ngoài ra, hến là thực phẩm bổ sung chất béo omega-3. Đây là một loại axit béo có khả năng làm giảm lượng triglycerides (mỡ trong máu), có khả năng kìm hãm, làm chậm lại sự phát triển của các mảng vữa động mạch, ngăn ngừa nguy cơ dẫn đến chứng xơ vữa động mạch và chứng đột quỵ, giúp cho hệ tim mạch luôn khỏe mạnh. Cơ thể không thể tự tổng hợp omega-3 nên chúng ta phải thường xuyên bổ sung nó bằng các loại thực phẩm.
Trong thịt hến còn có selen, magie, canxi. Các khoáng chất thiết yếu này giúp hỗ trợ các chức năng của hệ miễn dịch, là thành phần tạo nên hợp chất chống oxy hóa giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư ở con người. Từ đó giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Thêm nữa, hến là phương thuốc tốt giúp củng cố sức khỏe của xương.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ hến
Chữa chứng mồ hôi trộm của trẻ em:
Cách 1:
Hến 100g, sò biển 100g, gạo 50g, rễ hẹ 3g, gia vị vừa đủ. Hấp cách thủy hến và sò, bỏ vỏ, lấy ruột, thái nhỏ, ướp gia vị. Rễ hẹ giã nhỏ. Gạo nấu thành cháo. Khi cháo chín, cho sò, hến và hẹ vào đun cho sôi. Ăn 1 lần/ngày, trong 5- 7 ngày.
Cách 2:
Chọn hến tươi mẩy, ngâm trong nước gạo cho nhả hết nhớt. Sau đó đem hến luộc chín, lấy phần thịt, nấu với cháo cho trẻ ăn. Ngày ăn 1 lần, mỗi lần dùng 20 - 50g thịt hến.
Chữa dương suy, ít tinh
Thịt hến 300g, lá hẹ 100g, dầu ăn 50 ml, gia vị vừa đủ.
Hến luộc, lấy phần thịt, lá hẹ rửa sạch thái khúc. Đổ dầu vào chảo, đun nóng, cho hến vào, thêm gia vị, xào cho săn, cho lá hẹ vào, đảo đều với hến khoảng 5 phút; bắc ra ăn nóng.
Chứng tiểu đêm
Thịt hến 50g, thịt lợn nạc 100g. Tất cả ninh nhừ, thêm muối vừa đủ. Ăn trong ngày.
Chữa di tinh, đái đục
Vỏ hến nung, hoàng bá sao, liều lượng bằng nhau. Tán bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 - 15g.
Chữa đại tiện lỏng do nóng
Vỏ hến 100g, lá bưởi 50g. Vỏ hến nung, lá bưởi sấy khô, tán thành bột mịn, trộn đều. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10g; dùng liền trong 5 ngày.
Tác hại của hến
Bên cạnh những tác dụng tốt, khi sử dụng hến cần một số lưu ý để tránh những tác hại của hến. Hến có thể gây dị ứng ở một số người mẫn cảm với thành phần protein có trong thủy sản.
Hến sinh sống ở nơi bùn lầy, thức ăn của chúng có một số loại tảo chứa chất độc. Chất độc này không bị phân hủy trong quá trình nấu ăn ở nhiệt độ cao, nên ngay cả khi đã nấu chín kỹ thì chúng ta vẫn có nguy cơ nhiễm độc.
Canh hến là món ăn yêu thích của nhiều người nhưng chúng ta cần hết sức lưu ý khi sử dụng hến
Hến cũng chứa các loại virus, vi khuẩn. Đôi khi, trong hến có chứa adonovirus, loại virus này làm tăng nguy cơ mắc các chứng viêm nhiễm ở con người. Adenovirus có thể gây ra các chứng bệnh ở hệ tiêu hóa và hệ hô hấp như tiêu chảy, phát ban và viêm phổi.
Hến cũng có thể bị nhiễm các chất kim loại nặng từ nước như thủy ngân, catmi và chì… Nếu ăn phải thịt hến bị nhiễm độc, con người cũng có nguy cơ nhiễm độc kim loại. Điều này sẽ gây ra những tổn thương về hệ thần kinh, nguy hiểm hơn có thể ảnh hưởng đến thai nhi gây khuyết tật bẩm sinh.
Nhiều người thắc mắc không biết trong hến có sán không thì câu trả lời là có. Hến sinh sống ở nơi bùn lầy nên chúng có thể nhiễm giun sán. Nhiều người đã gặp phải sán có trong thịt hến. Đặc biệt là loại hến nước ngọt, màu vàng, loại to bằng nắp chai chứa rất nhiều sán trong bụng.
Do đó, để phòng tránh những tác hại mà con hến mang lại, các chuyên gia khuyên rằng, khi mua hến về bạn phải biết chắc là nó được lấy từ nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm, không nằm gần nơi xả thải của khu công nghiệp.
Nên chọn những con hến còn sống, tươi ngon bằng cách chạm ngón tay vào vỏ, nếu hến còn sống, vỏ sẽ từ từ khép lại. Có thể phân biệt bằng cách chú ý đến mùi của hến. Hến tươi sẽ không có mùi thối, nồng nặc hoặc quá tanh.
Không nên ăn loại hến đông lạnh mà không có thương hiệu, nhãn mác, vì có thể chúng không còn được tươi ngon hoặc đã được xử lý qua hóa chất.
Khi chế biến, bạn nên ngâm hến vào nước vo gạo hoặc nước lạnh bỏ vài quả ớt cắt nhỏ, hoặc vài giọt giấm gạo trong vài giờ để chúng nhả hết bùn đất, chất bẩn.
Nguồn tham khảo: Hến - món ăn ngon, vị thuốc thanh nhiệt, lợi tiểu – đăng tải trên trang báo Sức khỏe đời sống. Xuất bản ngày 15/9/2021. |