Ăn nhiều trứng ngỗng không tốt cho thai phụ

22/04/2016 - 04:33
Theo BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm truyền thông Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trứng ngỗng có nhiều cholesterol và giàu lipid là những chất không tốt cho hệ tim mạch của phụ nữ mang thai bị thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu, tiểu đường, cao huyết áp…
Lâu nay, các bà bầu thường được những người xung quanh ‘mách’: Trứng ngỗng rất bổ, giàu canxi nên mẹ bầu ăn trứng ngỗng thì sau này con sinh ra sẽ cứng cáp, thông minh, nhanh nhẹn… Thậm chí, có người còn nói, nếu thai nhi là trai người mẹ cần ăn đủ 7 quả trứng ngỗng trong quá trình mang thai, nếu thai nhi là gái thì ăn 9 quả… Vì những lời ‘đồn thổi’ này, nhiều chị em dù cảm thấy việc ăn trứng ngỗng không ngon, ngấy ngán nhưng vẫn phải cố ăn một cách khổ sở.

Tuy nhiên theo bác sỹ Nguyễn Văn Tiến, hiện chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào khẳng định phụ nữ mang thai ăn trứng ngỗng thì con thông minh.

Trứng ngỗng là một loại trứng gia cầm, trọng lượng quả khoảng 300g, nặng gấp khoảng 4 lần trứng gà và 3 lần trứng vịt. Song nếu xét về giá trị dinh dưỡng, trứng ngỗng không hề tốt hơn trứng gà, loại trứng mà các bà bầu xưa nay vẫn hay được khuyên dùng.
trung.jpg
(hình minh họa)
Trước tiên, về khía cạnh an toàn vệ sinh thực phẩm, trứng gà sạch hơn trứng ngỗng, vì gà đẻ trứng ở nơi khô ráo, nơi ít có vi khuẩn và ký sinh trùng nên hạn chế lây nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng hơn trứng ngỗng.

Về giá trị dinh dưỡng: Trong 100 g trứng ngỗng gồm: 13 g protein; 14,2 g lipid; 360 mcg vitamin A; 71 mg canxi; 210 mg phosphor; 3,2 mg sắt; 0,15 mg vitamin B1; 0,3 mg vitamin B2; 0,1 mg vitamin PP…

So với trứng gà, trứng ngỗng có tỷ lệ protein thấp hơn hơn (tỷ lệ protein trong trứng gà toàn phần là 14,8%). Đặc biệt, hàm lượng vitamin A (loại vitamin rất cần cho phụ nữ có thai) trong trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà ( trứng ngỗng là 360 mcg còn trong trứng gà là 700 mcg)

Đáng chú ý, trong trứng ngỗng nhiều cholesterol và giàu lipid là những chất không tốt cho sức khỏe và hệ tim mạch của phụ nữ mang thai bị thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu, tiểu đường, cao huyết áp…

Thực tế, mỗi loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng khác nhau, không có loại thực phẩm nào là hoàn thiện đủ các chất dinh dưỡng. Trẻ em thông minh hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như gen di truyền, chế độ dinh dưỡng của người mẹ khi mang thai, môi trường giáo dục khi trẻ sinh ra... Do đó, phụ nữ mang thai để sinh con khỏe mạnh thì cần được chăm sóc toàn diện và có chế độ dinh dưỡng nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt, chị em không nên lạm dụng, vì ăn quá nhiều trứng ngỗng dễ gây đầy bụng, khó tiêu… không tốt cho sức khỏe của bà mẹ và em bé.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm