Ăn phải lá ngón, 2 mẹ con tử vong

18/04/2017 - 13:47
Vụ việc đau lòng xảy ra tại Điện Biên. Khi đưa theo con nhỏ vào rừng hái rau, đứa bé đã ngắt lá ngón bỏ vào giỏ rau lúc nào không hay. Người mẹ về nấu canh khiến cả gia đình ngộ độc.

Ngày 18/4, tin từ lãnh đạo huyện Nậm Bồ (Điện Biên) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ ngộ độc lá ngón khiến chị Giàng Thị Cu (SN 1984) và cháu Sùng A Dình (SN 2002, con ruột chị Cu) trú tại bản Hô Củm, xã Chà Tở tử vong.

Theo đó, vào chiều 13/4, chị Cu, sinh cùng con gái là cháu Sùng Thị Đế (SN 2016) đi vào rừng hái rau. Do mải hái rau rừng, chị Cu để cháu Đế ngồi nghịch dưới đất, nên không biết cháu đã vặt cả lá ngón mọc bên cạnh cho vào giỏ rau.

cay-la-ngon.jpg
 Cây lá ngón được biết đến là một loại cây chứa độc tố cực mạnh (ảnh minh hoạ).

Sau khi hái đầy giỏ rau, chị Cu đem về nấu cho cả nhà cùng ăn thì xảy ra ngộ độc. Khi hàng xóm phát hiện thì chị Giàng Thị Cu đã tử vong tại nhà, 3 đứa con của chị được dân bản đưa lên Trung tâm y tế xã cấp cứu, nhưng do ăn nhiều quá, nên cháu Sùng A Dình cũng tử vong ngay sau đó.

Do được cấp cứu kịp thời nên cháu Sùng A Tăng (SN 2012) và Sùng Thị Đế đã bình phục. Qua quá trình rửa ruột, đã phát hiện trong búi rau có lá ngón, nên cơ quan điều tra đã xác định được nguyên nhân của vụ việc trên.

Ngay sau khi vụ việc đau lòng xảy ra, chính quyền huyện đã hỗ trợ trên 7 triệu đồng và tổ chức mai táng cho các nạn nhân xấu số. Đồng thời, UBND huyện Nậm Bồ cũng đang vận động cán bộ, nhân dân địa phương đóng góp để làm nhà ở cho gia đình, đồng thời xem xét đưa các cháu vào diện trẻ mồ côi để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Được biết, trước đó UBND huyện Nậm Pồ đã ký quyết định cho 3 người trong gia đình được hưởng trợ cấp khuyết tật của Nhà nước, nhưng chưa kịp nhận thì xảy ra sự việc đau lòng trên.

Cây lá ngón được biết đến là một loại cây chứa độc tố cực mạnh, chỉ cần một lượng nhỏ thành phần của cây lá ngón cũng đủ gây chết người.
Đây là một loại dây mọc leo, thân và cành không có lông, trên thân hơi có khía dọc. Lá mọc đối, hình trứng thuôn dài, hơi hình mác, đầu nhọn, phía cuống nhọn hoặc hơi từ, mép nguyên, bóng nhẵn, dài 7-12 cm, rộng 2,5-5,5 cm. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành hay ở kẽ lá. Cánh hoa màu vàng. Mùa hoa tháng 6, 8, 10. Quả là một nang, màu nâu hình thon, dài 1 cm, rộng 0,5 cm. Hạt nhỏ, quanh mép có rìa mỏng màu nâu nhạt, hình thận.

Theo một số chuyên gia, để sơ cứu những nạn nhân bị ngộ độc lá ngón, đầu tiên phải tìm mọi cách gây nôn cho bệnh nhân như: dùng cách chọc tay vào sâu bên trong cổ họng bệnh nhân, khi ngón tay chọc vào gốc lưỡi, phản xạ nôn sẽ xuất hiện hoặc sử dụng một chiếc lông gà ngoáy vào trong cổ họng bệnh nhân, lông tơ sẽ chạm vào thành họng và gây nôn...

Sau khi gây nôn, người thân phải nhanh chóng chuyển nạn nhân tới bệnh viện để bác sĩ thực hiện các kỹ thuật cấp cứu tiếp theo như rửa dạ dày bằng nước ấm, uống than hoạt,…

Hiệu quả cấp cứu chỉ khi được thực hiện trong vòng 1h. Tuy nhiên, hiện nay do thiếu hiểu biết, các vụ tự tử hoặc đầu độc bằng lá ngón xảy ra khá nhiều, đặc biệt trên các tỉnh vùng núi. Khi đó, khả năng cứu sống nạn nhân rất khó do không thể sơ cứu kịp thời, đúng lúc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm