Ân tình cha nuôi của bộ đội biên phòng Tả Gia Khâu

15/08/2019 - 11:47
Chồng đột ngột mất sau một đêm sốt cao, để lại cho chị Giàng Seo Dúa 5 đứa con đang tuổi lớn. Lo ăn cho đàn con quá chật vật, khiến việc học cái chữ trở nên xa vời với mẹ con chị. Nhưng nhờ bộ đội Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (Lào Cai) nhận nuôi giúp chị 2 đứa con nên chuỗi ngày khó khăn nhất của mẹ con chị đã dần trôi qua.

Con nuôi như con đẻ 

Chúng tôi đến thăm Đồn biên phòng Tả Gia Khâu đúng vào ngày 2 cậu bé Ma Seo Khoa (SN 2008) và Ma Seo Xuyên (SN 2009) vừa kết thúc 2 tháng hè về thăm nhà, nay trở lại Đồn để đến trường tập trung, chuẩn bị vào năm học mới. Thượng tá, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu Phan Đức Mạnh cứ xoa đầu  2 cậu bé rồi hỏi dồn: “2 đứa về nghỉ hè làm những gì mà đen và gầy đi nhiều thế?”. “Dạ, con đi chăn bò giúp mẹ”, cậu bé Ma Seo Khoa trả lời. Biết cậu em Ma Seo Xuyên vốn dĩ vẫn ít nói, thượng tá Mạnh vội kéo Xuyên vào gần mình âu yếm: “Ui, sao nước mũi chảy thò lò thế này? Vào đây bác chùi sạch cho nào!”. Vừa nói, thượng tá Mạnh vừa dắt Xuyên vào nhà vệ sinh, lấy khăn mặt dấp nước ấm lau mặt cho cậu bé. Anh còn tỉ mỉ hướng dẫn cậu cách xì mũi ra để vệ sinh mũi như thế nào cho đúng...

 

bp-copy.jpg
Các cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Tả Gia Khâu (Lào Cai) gặp gỡ chị Dúa khi chị đến thăm 2 con sau buổi chợ sớm

  

Dẫn 2 cậu bé vào cái tủ đứng kê ở phòng ngủ của Khoa và Xuyên, thượng tá Mạnh lấy ra 2 bộ quần áo mới cho 2 bé thay. Thượng tá Mạnh cười cho biết: “Lần nào cho 2 đứa về nhà chơi 1 tuần hay vài 3 tuần là tôi lại lo chúng nó ốm đau, sổ mũi hắt hơi... Chúng nó làm con nuôi của Đồn nhưng nhiều lúc chúng tôi cứ nghĩ nó là con mình, không muốn cho về nhà, sợ chúng mải chơi, ăn ngủ thiếu là gầy gò, ốm yếu. Song, không cho về cũng không được vì lại lo mẹ con, anh chị em nhớ nhau...”.

 

Sau khi được diện quần áo mới của các bố nuôi trong Đồn sắm cho, được rửa mặt sạch sẽ, hết lấm lem, gương mặt 2 cậu bé cũng tươi mới, hồn nhiên, đáng yêu. Như đã quen nếp sống ở Đồn, 2 cậu bé vội vã đi lấy chổi quét những chiếc lá rụng trước sân với niềm vui phấn chấn. Thượng tá Mạnh cho biết: “Lần nào cho 2 anh em Khoa và Xuyên về nhà, Đồn lại gửi theo tiền về để mẹ các cháu có điều kiện mua thêm đồ ăn thức uống cho con”.

 

Đang là buổi sáng, lấp ló ngoài cổng Đồn là chị Giàng Seo Dúa, mẹ của Khoa và Seo. Chị đi chợ phiên buổi sớm ở gần Đồn Biên phòng, nên ngó xem 2 cậu con trai nhỏ vui đùa, học tập ở nơi này. Một chiến sỹ thấy chị, vội dắt chị vào Đồn gặp 2 con. Chị Dúa cười ngượng ngùng, chị không nói được tiếng Kinh, qua cán bộ của Đồn dịch lại, chị Dúa cười: “Thấy các con được bộ đội chăm sóc nên yên tâm quá. Lúc bố các con mất, tôi vô cùng vất vả nhưng nay đỡ hẳn rồi. Tôi nhớ con, nên tranh thủ đi chợ thì ngó xem con đang làm gì. Con ở đây được bộ đội nuôi, tôi không lo lắng gì”. Chị Giàng Seo Dúa còn khoe với tôi: “Các con được bộ đội biên phòng nuôi nên cũng lớn, đẹp hơn hồi ở nhà nhiều. Con được bộ đội cho đi học, còn học thế nào thì tôi không biết, chỉ thấy con bảo thích đi học, thích ở với bộ đội biên phòng”.

 

Đi cùng chị Dúa, anh Ma Seo Tu là chú ruột của 2 cậu bé đỡ lời chị dâu: “Vợ chồng chị Dúa chưa bao giờ học chữ. Từ hồi ở nhà, chị Dúa không quan tâm các con có đi học hay không. Nay con học tốt hơn, chị cũng không để ý, chỉ thấy con to béo hơn, nhanh nhẹn và được mặc quần áo đẹp là chị Dúa thấy yên tâm”. Anh Tu bảo, ở nhà, chị Dúa đã bán con bò mua được tivi để xem, mua được máy xay lúa nhỏ để phục vụ gia đình.

 

con-nui8.jpg
Chị Dúa đến thăm 2 con sau ngày đi chợ phiên

 

Kiên trì vượt ngày tháng gian truân 

Đồn trưởng, trung tá Khổng Hữu Huân cho biết thêm, 2 cháu Ma Seo Khoa và Ma Seo Xuyên về Đồn hồi tháng 3/2016. Lúc mới về, 2 cháu bé gầy gò, da đen sạm, đặc biệt là nhận thức kém, giao tiếp hạn chế, cậu bé Xuyên chỉ nói chuyện với chiến sỹ Đồn là người dân tộc Mông. Đặc biệt, cậu bé Xuyên còn bị học đúp lại lớp 1 ngay năm đầu tiên đến Đồn. thời gian đầu, anh em cán bộ chiến sỹ trong Đồn vô vùng lo lắng, không biết có giúp nổi cậu bé này tiến bộ được không?

 

con-nui5.jpg
Bố nuôi ở Đồn hướng dẫn 2 cậu bé gấp chăn sau đợt nghỉ hè

 

Trong căn phòng ở của Khoa và Xuyên có kê 3 chiếc giường bộ đội nhưng giường ở giữa là cán bộ Đồn, còn 2 giường 2 bên là của anh em Khoa. Tủ quần áo cũng chia mỗi anh em Khoa ngăn riêng biệt. Các anh em bộ đội thay nhau dạy 2 cậu con nuôi của Đồn cách giữ nếp sinh hoạt hàng ngày, từ tắm giặt, ăn uống, gấp quần áo, chăn màn... đẹp và vuông vắn như nếp sống của bộ đội.

 

Ở Đồn, anh em cán bộ thay nhau dạy Khoa và Xuyên từng chữ, từng bài toán đơn giản, mỗi bé có 1 bàn học riêng, đèn học và sách vở đầy đủ. Tối nào cũng vậy, khi các phòng ở Đồn đã yên ắng chìm vào đêm thì ở căn phòng của 2 cậu bé Khoa và Xuyên vẫn sáng đèn với âm thanh giảng bài ấm áp của người thầy giáo mang quân hàm xanh. Dẫu việc học con chữ với 2 cậu bé những ngày đầu vô cùng vất vả nhưng đến nay, sau hơn 2 năm làm con nuôi của Đồn, học lực của Khoa và Xuyên đã đạt mức trung bình khá.

 

Sau hơn 2 năm dạy bảo, mọi thói quen sinh hoạt bừa bãi, mất vệ sinh như hồi ở nhà của Khoa và Xuyên gần như không còn. “Hồi đầu, 2 cậu bé nghe cán bộ Đồn dạy bảo đều ngồi im, không phản ứng, cũng không nói xem có nghe lời hay không. Thậm chí, nhiều thói quen của đồng bào về sinh hoạt, ăn mặc chưa hợp vệ sinh, cán bộ Đồn cũng phải dạy đi dạy lại nhiều ngày, nhiều tháng. Tất cả anh em chiến sỹ Đồn đều phải tỉ mỉ dạy bảo hàng ngày, 2 anh em Khoa mới dần tiến bộ”, thượng tá Mạnh cười vui nhớ lại.

 

con-4.jpg
Cán bộ Biên phòng đưa 2 cậu con nuôi đến trường tập trung chuẩn bịovào năm học mới

 

Vì tương lai tươi sáng 

Được biết, 2 cậu con nuôi của Đồn hàng ngày đi học cách Đồn  gần 10 km nên những ngày mưa, giá rét cũng khá vất vả. Dẫu vậy, anh em chiến sỹ trong Đồn vẫn bền bỉ thay nhau làm nhiệm vụ, không để cho các con phải nghỉ bất kỳ buổi học nào ở trường.

 

Mỗi ngày đi học, trong cặp sách của 2 anh em Khoa đều có một ít bánh kẹo. Anh Mạnh giải thích: “Sợ lúc ra chơi các con đói. Các bạn khác trong lớp thường được bố mẹ cho 5.000 đồng, 10.000 đồng mua đồ ăn ở cổng trường, chúng tôi lo chất lượng thức ăn bên ngoài trường không đảm bảo nên phải chuẩn bị sẵn chút đồ ăn vặt cho 2 con mỗi ngày đến trường”.

 

Khi tận mắt chứng kiến cách chăm sóc tỉ mỉ, từng cử chỉ ân cần và rất nhỏ bé trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ của 2 cậu bé Khoa và Xuyên, chúng tôi khó mà tin 2 cậu bé là con nuôi của các anh em trong Đồn. Bởi nhiều cán bộ, chiến sỹ Đồn Tả Gia Khâu chưa một ngày đưa con đẻ của mình đến trường khai giảng, cũng chưa một lần có mặt trong ngày sinh nhật con, chăm sóc nuôi dạy con cái ở quê nhà nhưng các anh lại chăm sóc 2 cậu con nuôi của mình hơn cả tấm lòng của một người cha, như nhiệm vụ cao cả của người lính biên phòng với bà con dân bản.

 

Yêu thương các con, cán bộ chiến sỹ biên phòng Đồn Tả Gia Khâu không chỉ chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ, bài học của bọn trẻ mà còn luôn đau đáu chuyện tương lai mai này của chúng. “Chúng tôi đã quyên góp của anh em trong Đồn được ít nhiều để lo cho tương lai của Khoa và Xuyên nhưng phải để anh nuôi của Đồn đứng tên 2 sổ tiết kiệm. Sau này nhỡ chỉ huy Đồn có chuyển công tác thì tiền tiết kiệm của 2 con không bị thay đổi hay gặp bất cứ khó khăn gì. Dù mỗi anh em chúng tôi sau này có nhận nhiệm vụ ở nơi nào khác thì cái tình và trọng trách người cha nuôi dành cho 2 con sẽ không bao giờ vơi cạn”, thượng tá Mạnh tâm sự.

“Đồn biên phòng Tả Gia Khâu là một trong những Đồn đầu tiên của Lào Cai nhận nuôi con nuôi tại Đồn. Mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai bắt nguồn từ Chương trình “Nâng bước em tới trường” từ năm 2016, nay được Bộ Tư lệnh Biên phòng hiện thực hoá thành Mô hình ý nghĩa “Con nuôi Đồn Biên phòng”. Mục đích của mô hình là giúp đỡ các cháu người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc mồ côi cha, mồ côi mẹ, không nơi nương tựa tại khu vực biên giới có nơi ăn, ở, được quản lý, giáo dục, học tập và rèn luyện tại Đồn Biên phòng.

Hiện nay, Lào Cai có 16 cháu đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các Đồn Biên phòng. Sau này, các Đồn sẽ rèn luyện cho các con nuôi trở thành người có ích của các địa phương vùng biên giới”, Thiếu tá Phạm Hồng Thi, Trưởng Ban Vận động quần chúng - Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm