Anh bảo vệ mở lớp học tình thương cho trẻ nhà nghèo nhập cư

19/12/2018 - 13:00
Giữa TP.HCM sầm uất, hiện đại lại có một lớp học tình thương lặng lẽ hoạt động, duy trì suốt 8 năm qua, bền bỉ dạy chữ cho các trẻ em nhập cư.

Những số phận đáng thương

Lớp học tình thương ở khu phố Long Bửu do anh Trần Lâm Thắng (33 tuổi, bảo vệ ở khu phố Long Bửu, P.Long Bình, Q.9, TPHCM) thành lập được hơn 8 năm. Hầu hết học sinh theo học là con em của những gia đình nhập cư vào Sài Gòn. Cha mẹ các em làm công nhân trong các khu công nghiệp, thợ hồ, mua bán phế liệu, hàng rong. Thậm chí, một số em theo mẹ vào đây để lẩn trốn người cha bạo hành, vũ phu.

Ban ngày, các em đi bán vé số, nhặt ve chai hoặc ở nhà trông em phụ giúp cha mẹ. Ban đêm, được đến với lớp học tình thương là niềm hạnh phúc lớn đối với nhiều em. Đặc biệt hơn, lớp học còn dạy cho các em bị thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, tăng động… những ca nào khó, lớp học đều nhận dạy.

a1.jpg
Lớp học tình thương khu phố Long Bửu hiện nay
có 70 học sinh 

Ở lớp, mỗi em là một câu chuyện, một hoàn cảnh đáng thương. Xuất phát điểm các em đều là những đứa trẻ khó dạy, không học hành, không có trọn vẹn tình thương gia đình, không nhà cửa… nhưng đến với lớp, tất cả đều lễ phép, ngoan ngoãn và biết ước mơ.

Em T.V.H (9 tuổi) vào lớp học được hơn 4 tháng nhưng chỉ viết được chữ a và c. Thế nhưng, cứ viết được một chữ là em lại cầm cuốn tập chạy đến các tình nguyện viên chỉ để hỏi “em viết đúng chưa ạ?”. Niềm vui của em là viết đúng con chữ và nhận được lời khen từ các tình nguyện viên đứng lớp. Và ước mơ của em H. đơn giản là được học lên lớp lớn hơn.

Lớp học còn có em  N.M.H (24 tuổi) học ở lớp học tình thương được 7 năm nhưng chưa qua được lớp 1 vì bị thiểu năng trí tuệ. Em H. chậm phát triển nên học trước quên sau, hôm nay học ngày mai đến lớp lại quên sạch và buộc các tình nguyện viên phải dạy lại từ đầu.

a2.jpg
Lớp học như một ngôi trường tiểu học thu nhỏ 

“Có lần, mình đang ngồi kế bên giảng bài, học sinh không chịu học mà lấy tay đánh bay cả mắt kính của mình, mặc dù em ấy chỉ mới 7 tuổi. Lúc đó rất bực nhưng nghĩ lại hoàn cảnh của em lại thấy thương. Ba mẹ đi làm thuê cả ngày, không ai chăm sóc nên gửi em vào quán game. Chính vì thế, vào môi trường học, em chưa hòa nhập được và hay phản ứng mạnh. Gặp những trường hợp như thế, tụi mình phải thật sự kiên trì.”, Lê Nguyễn Minh Khanh (sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, tình nguyện viên đứng lớp) giãi bày.

Lớp học 6  giờ tối

Cứ 6 giờ tối, tại lớp học tình thương của anh Thắng lại vang lên những tiếng ê a đọc bài và cả những tiếng cười bất chợt của những em bị tăng động. Những âm thanh ấy đã trở nên quen thuộc ở khu phố Long Bửu từ nhiều năm nay.

Nhớ lại thời gian đầu, anh Trần Lâm Thắng cho biết: Anh sinh ra trong một gia đình nghèo khó nên khi lớn lên, thấy các em nhỏ không được đi học, anh cảm thấy xót xa. Anh quyết định mở một lớp dạy chữ mục đích chỉ đơn giản là giúp các em biết đọc, biết viết. Nhưng càng dạy, anh Thắng càng muốn mang đến kiến thức nhiều hơn cho các em. Anh đầu tư mua sách vở, quần áo và dụng cụ học tập để các em đến học nhiều hơn.

Những ngày đầu mở lớp, anh Thắng phải đến từng nhà vận động, thuyết phục phụ huynh cho các em đi học. Khu vực anh đang ở trước đây làm lò gạch, các gia đình đến đây hầu hết làm lò gạch này rồi chuyển sang lò gạch khác, cuộc sống của họ không cố định nên con cái cũng không được đến lớp.

Sau những ngày tháng kiên trì, lớp học của anh được biết đến và mở rộng. Các tình nguyện viên cũng ngày một nhiều hơn. Hiện nay, lớp học đã có hơn 70 học sinh ở 5 khối lớp và một lớp đặc biệt. Thầy cô đứng lớp là các tình nguyện viên đến từ câu lạc bộ Handmade, Trường ĐH Giao thông vận tải TP HCM.

a3.jpg
Những em học hết lớp 5 sẽ được chứng nhận hoàn thành
tiểu học để học lên các khối lớp khác 

Riêng anh Thắng, ban ngày anh làm công việc lái xe thuê, ban đêm anh về dạy cho các em và làm bảo vệ khu phố để kiếm tiền đóng tiền điện, nước cho lớp học. “Những thành quả đạt được và sự tiến bộ, trưởng thành của các em mỗi ngày là động lực để mình và các tình nguyện viên ở đây vẫn tiếp tục để phấn đấu duy trì lớp”. anh Thắng chia sẻ.

Với hiệu quả đạt được, lớp học đã liên kết với Trường tiểu học Long Bình (Q.9, TPHCM) để cuối học kỳ, lớp học sẽ lấy đề kiểm tra của trường về tổ chức cho các em thi. Giáo trình của lớp cũng được dạy theo giáo trình của trường. Thậm chí, những em học yếu tại trường cũng được gửi về lớp để các tình nguyện viên kèm cặp. Những em học hết lớp 5 sẽ được chứng nhận hoàn thành tiểu học để tiếp tục theo học lên các khối lớp khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm