Bị cha mẹ so sánh, nhiều đứa trẻ trở thành "kẻ thù", "đối thủ" của nhau. Ảnh minh họa internet. |
Trần Hùng John, tác giả cuốn sách "Cây to bắt đầu từ mầm nhỏ" kể: Hôm đó, tôi và em họ đã cãi cọ về việc gì đó rất nhỏ mà đến giờ tôi cũng không nhớ rõ. Hình ảnh tôi nhớ nhất là một lưỡi dao nhọn run rẩy nằm trong tay em họ và chỉ về phía tôi. Tôi nhìn vào đôi mắt đầy hận thù và nước mắt của em. Khi ấy, chúng tôi chỉ khoảng 12 tuổi. Sau vài lời cãi cọ và xô đẩy, em họ tôi đi thẳng vào trong bếp và lấy ra một con dao. Đôi mắt của nó không thể che giấu ý định muốn đâm tôi bằng con dao ấy.
Đáng ngạc nhiên là lúc đó tôi gần như không hoảng sợ. “Làm đi! Cố mà đâm đi!”, tôi hùng hồn nói. Tôi nhớ lúc ấy mình tức điên và chỉ muốn đánh cho nó một trận, chứ không nghĩ gì tới an toàn cho em họ hay cho bản thân. “Mình khỏe hơn, thông minh hơn nó, kể cả nó có dao mình vẫn đánh thắng được”, tôi nhớ tôi đã tự nghĩ trong đầu như vậy. Ý nghĩ tôi luôn giỏi hơn em họ đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi, khiến tôi chỉ nghĩ đến chuyện đánh thắng nó thậm chí trong tình huống sống còn như thế.
Theo Trần Hùng John, mọi việc hai anh em làm đều là để được công nhận là mình giỏi hơn đứa kia. Chính bố mẹ của hai anh em “lập trình” như vậy. Đương nhiên, bố mẹ không cố tình làm như thế nhưng họ đã vô tình tạo ra điều đó khi họ, cũng giống như nhiều cha mẹ khác, liên tục so sánh con với đứa trẻ khác, khiến những đứa trẻ cảm thấy cần phải cạnh tranh nhau.
Mỗi đứa trẻ là một cá thế, so sánh con với đứa trẻ khác cũng giống như so sánh táo và cam. Ảnh internet. |
Cũng chính sự so sánh khiến nhiều mối quan hệ như anh em, bạn bè, đồng nghiệp, người thân trở nên xấu xí. Theo Trần Hùng John, thay vì so sánh, cha mẹ cần tập trung vào sự tiến bộ và nỗ lực của con, dùng chính kết quả của con làm mốc đánh giá cho sự phát triển của trẻ. Nói chuyện với con và đặt ra những câu hỏi như: “Con nghĩ con đã cố gắng hết sức chưa?”, "Có điều gì con có thể làm tốt hơn cho lần tiếp theo không?”... thay vì nhìn quanh và so sánh với ai đó đã làm gì. Cha mẹ cần nhìn nhận con là một cá thể riêng biệt, để con phát triển theo cách riêng của mình.
Cha mẹ sẽ hạnh phúc hơn nếu nhận ra, con không thể và cũng không nên bị so sánh với đứa trẻ nào khác, thậm chí là chính anh, chị, em của trẻ.
Chị Phan Hồ Điệp, mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam cho biết: So sánh đôi khi là động lực của việc phát triển. Việc so sánh sẽ nguy hại với cả hai đứa trẻ bị/được so sánh. Dù không so sánh nhưng trong bọn trẻ vẫn có động lực âm thầm là “xây tòa nhà này cao hơn tòa nhà kia” bởi mỗi người có một niềm đam mê và đi theo chính con đường mà họ lựa chọn. Nếu một đứa trẻ lớn lên bằng tâm thế hoàn toàn thoải mái, không bị lấy ra so sánh với ai, được sống trong niềm đam mê của mình, hồn nhiên với động lực của mình thì sẽ có con đường với sự phát triển rất tốt”.