Áo chống sốc nhiệt: Những chiếc áo được làm từ trái tim

An Khê - Ảnh: NVCC
09/07/2021 - 13:50
Áo chống sốc nhiệt: Những chiếc áo được làm từ trái tim

"Áo chống sốc nhiệt" của Chi hội phụ nữ Khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an)

Cùng chung tay góp phần đẩy lùi dịch Covid-19, tập thể Chi hội phụ nữ Khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) đã sáng chế "Áo chống sốc nhiệt" để giúp các đồng nghiệp trên tuyến đầu chống dịch đảm bảo sức khỏe, hoàn thành nhiệm vụ, đẩy lùi dịch bệnh.

Giải pháp "giảm nhiệt" cho các y, bác sĩ tuyến đầu

Theo chia sẻ của Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Việt Hương - Phó Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Y học cổ truyền, vào cuối tháng 5/2021, trong chuyến đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện dã chiến tỉnh Bắc Giang, chứng kiến nhiều đồng nghiệp tại các tuyến đầu bị sốc nhiệt, choáng ngất, phồng rộp da… khiến Cấp ủy, lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Khoa Chống nhiễm khuẩn vô cùng trăn trở. Sau khi trở về, khoa đã họp bàn biện pháp làm giảm tác động của nhiệt, góp phần giúp đồng nghiệp đảm bảo sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ trên tuyến đầu.

Áo chống sốc nhiệt: Những chiếc áo được làm từ trái tim  - Ảnh 1.

Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Việt Hương - Phó Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Y học cổ truyền

"Khi ấy, toàn bộ cán bộ khoa cùng chung một chí hướng là làm thế nào, có cách nào để nhân viên y tế khi mặc bộ đồ bảo hộ không bị sốc nhiệt, choáng ngất. Có một vài phương pháp mà lực lượng tuyến đầu đã sử dụng như: dội nước lạnh lên người, ướp túi đá phía ngoài bộ quần áo bảo hộ phòng dịch... tuy nhiên những phương pháp này dễ bị cảm lạnh, không đảm bảo sức khỏe… Cuối cùng chúng tôi đã lựa chọn sáng chế áo làm mát chống sốc nhiệt. Khi đó chúng tôi đã báo cáo ý tưởng với Đảng ủy, Ban Giám đốc và được các cấp ủng hộ, khuyến khích. Chúng tôi đã nhanh chóng biến ý tưởng ban đầu thành sản phẩm. Và ngay sau đó những lô áo chống sốc nhiệt ra đời", bác sĩ Việt Hương cho biết.

Khi lô áo đầu tiên được gửi tới Bệnh viện dã chiến số 2, Bệnh viện đa khoa Đức Giang và một số đơn vị, khoa Chống nhiễm khuẩn đã nhận được một số phản hồi tích cực như: áo chống sốc nhiệt có hiệu quả làm mát cao, điều hòa nhiệt độ cơ thể khi mặc bên trong bộ áo bảo hộ phòng dịch. Vì là sản phẩm được sử dụng bên trong bộ quần áo bảo hộ phòng dịch nên dễ dàng vệ sinh, khử khuẩn, mà không ảnh hưởng tới chức năng của bộ quần áo bảo hộ phòng dịch bên ngoài. Thao tác sử dụng lại đơn giản, dễ dàng, thuận tiện.

Áo chống sốc nhiệt: Những chiếc áo được làm từ trái tim  - Ảnh 2.

Tập thể Khoa chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) và sản phẩm áo chống sốc nhiệt

Tuy nhiên, áo cũng có một số nhược điểm như sau khi mặc từ 6-8 tiếng sẽ  xuất hiện lượng ít nước lạnh ngưng tụ phía ngoài túi zip đựng đá khô ngấm vào quần áo nhân viên y tế. Ngay lập tức, Khoa Chống nhiễm khuẩn đã cải tiến bằng cách đặt thêm vào mỗi đáy túi lưới 1 miếng lót hút nước. Khi được đặt thêm miếng lót nhân viên khoa và các đơn vị đã mặc thử nghiệm và cho thấy biện pháp này hoàn toàn khắc phục được tình trạng ngưng tụ nước ở túi áo.

Áo chống sốc nhiệt: Những chiếc áo được làm từ trái tim  - Ảnh 3.

Nhiều lô áo chống sốc nhiệt đã được gửi tới các bệnh viện tuyến đầu

Cùng với đó, từ sản phẩm ban đầu được thiết kế là dạng áo ba lỗ lưới chui đầu, dựa trên ý kiến đóng góp của một số chuyên gia, khoa đã cải tiến sản phẩm thành dạng áo kéo khóa phía trước tiện dụng hơn.

Hiện nay nhiều lô áo chống sốc nhiệt đã được gửi tới các bệnh viện tuyến đầu như: Bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang, Trung tâm y tế Lạng Giang - Bắc Giang, Trường cao đẳng y tế Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Bệnh viện đa khoa Gia Lâm, Bệnh viện 103, Bệnh viện 198, Bệnh viện đa khoa Hà Nam… góp phần giúp các y, bác sĩ tuyến đầu giảm thiểu các tác động của quần áo bảo hộ phòng dịch, nâng cao sức khỏe khi thực hiện nhiệm vụ.

Từ những "đêm trắng tình người"

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, Khoa Chống nhiễm khuẩn phải đảm bảo công việc chuyên môn chính là tăng cường giám sát, kiểm soát nhiễm khuẩn của toàn Bệnh viện; Khử khuẩn định kỳ và đột xuất; Tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn cho các y bác sĩ trong Bệnh viện và các công việc chuyên môn khác…

Khi bắt tay vào sáng chế sản phẩm Áo chống sốc nhiệt, các chị em trong Chi hội khoa đều nhiệt tình tham gia, tranh thủ những giờ nghỉ trưa, ngoài giờ làm việc, có những hôm thức trắng đêm cùng nhau đóng góp ý kiến, cắt may, tìm nguyên liệu… để hoàn thành những sản phẩm đầu tiên đưa vào thử nghiệm. Những đêm trắng ấy là để cho các đồng nghiệp bớt đi những mệt mỏi, những giọt mồ hôi sau lớp áo bảo hộ dày cộp, bớt đi những lần choáng ngất do làm việc căng sức… Các chị đều mong với nỗ lực của chính mình sẽ góp phần nhỏ bé để cuộc chiến với dịch bệnh nhanh kết thúc hơn.

Áo chống sốc nhiệt: Những chiếc áo được làm từ trái tim  - Ảnh 4.

Để hoàn thành những sản phẩm đầu tiên đưa vào thử nghiệm, tập thể Khoa đã trải qua những đêm thức trắng

Thật bất ngờ, sáng kiến của các chị đã được Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam khen thưởng đột xuất. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những gì các chị đã làm vì đồng nghiệp, vì công cuộc chống dịch. Các thành viên của dự án khi nhận được Bằng khen của Hội LHPN Việt Nam đều rất vui mừng, xúc động, cảm nhận được sự quan tâm, động viên và ghi nhận kịp thời của Hội LHPN Việt Nam, của Hội phụ nữ Bộ Công An, Hội phụ nữ Bệnh viện Y học cổ truyền. Các chị em trong khoa đã được tiếp thêm sức mạnh tinh thần để tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, sản xuất sản phẩm.

"Khoa Chống nhiễm khuẩn chúng tôi tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp của các nhân viên y tế tại các đơn vị đã sử dụng áo chống sốc nhiệt để tiếp tục cải tiến, hoàn thiện sản phẩm được hiệu quả và tối ưu nhất. Bên cạnh đó ngoài nhiệm vụ chuyên môn chúng tôi tiếp tục phát huy sáng kiến trong công tác chuyên môn để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ", bác sĩ Việt Hương khẳng định.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm