Người cao tuổi tự nhiên nghe thấy tiếng nói "văng vẳng", có phải là rối loạn tâm thần?

Kim Phụng
02/12/2021 - 07:50
Người cao tuổi tự nhiên nghe thấy tiếng nói "văng vẳng", có phải là rối loạn tâm thần?
Việc bỗng nhiên nghe thấy tiếng nói văng vẳng bên tai, trong y khoa được gọi là chứng ảo thanh. Tình trạng này thường xảy ra ở người cao tuổi, nhất là người đang có một số sa sút tinh thần gọi là ảo thanh ở người già.

Ảo thanh ở người già có nguy hiểm không? Câu trả lời là có, tùy từng tình trạng và mức độ nặng nhẹ mà người nghe thấy ảo thanh sẽ có hai xu hướng tích cực hoặc tiêu cực. Vấn đề này kéo dài khiến người cao tuổi xa rời cuộc sống, cư xử khó hiểu và dễ có những suy giảm về mặt trí tuệ cũng như sa sút tinh thần.

1. Ảo thanh là gì? 

Theo PGS. TS Hồ Thị Kim Thanh - Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh Viện Đại Học Y Hà Nội cho biết, việc tự nhiên nghe thấy một tiếng nói văng vẳng được gọi là "ảo thanh". Ảo thanh là tình trạng không có tiếng nói nhưng lại cho rằng nghe thấy, thậm chí là nghe thấy rất nhiều (không thể phân biệt được với âm thanh thật từ những người xung quanh).

2. Ảo thanh có phải là dấu hiệu rối loạn tâm thần ở người cao tuổi?

PGS.TS Thanh cho biết là triệu chứng thường gặp ở người lớn tuổi, đây cũng là dấu hiệu chớm của người bị sa sút trí tuệ. Để điều trị dứt điểm, bác sĩ nhấn mạnh cần phải đưa người cao tuổi tới thăm khám ở các cơ sở y tế để có thể tìm hiểu về nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này là rối loạn tâm thần, là lão hóa thần kinh hay do các vấn đề sức khỏe khác.

PGS.TS Thanh cũng nói thêm, ngoài nguyên nhân là do sa sút trí tuệ thì có những nguyên nhân dưới đây cũng gây ra tình trạng ảo thanh, chẳng hạn:

- Rối loạn điện giải

- Sảng (nói linh tinh, không nhớ nói gì)

- Nhiễm khuẩn tiết niệu

- Viêm nhiễm, u nhọt

- Các thoái hóa trong não,

....

Ảo thanh cũng thường gặp ở bệnh nhân tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là một trong những thể bệnh nặng nhất của bệnh tâm thần. Người mắc tâm thần phân liệt thường xuyên có các hoang tưởng và nghe thấy ảo thanh không sát với thực tế đang diễn ra xung quanh.

Với người bị tâm thần phân liệt, việc không điều khiển, nhận biết được ảo thanh có thể khiến họ trở nên nguy hiểm nếu như những ảo thanh đó có xu hướng tiêu cực. Ảo thanh thúc giục họ thực hiện các hành vi sai trái.

Ngày nay, không chỉ những người mắc bệnh tâm thần phân liệt, người cao tuổi mà ngay cả người khỏe mạnh cũng có thể nghe thấy ảo thanh vài lần trong đời nhưng đa phần là những ảo thanh có xu hướng thân thiện, tích cực.

3. Điều gì khiến chứng ảo thanh trở nên trầm trọng hơn?

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc người nghe thấy ảo thanh đang sử dụng các chất kích thích như ma túy có thể khiến chứng ảo thanh trở nên nghiêm trọng hơn. Hoặc nếu như đang gặp các vấn đề về tinh thần, áp lực cuộc sống, ... cũng có thể khiến bệnh diễn biến xấu đi.

Ảo thanh: Người cao tuổi tự nhiên nghe thấy tiếng nói "văng vẳng" có phải là rối loạn tâm thần? - Ảnh 2.

Trầm cảm, rối loạn cảm xúc có thể khiến chứng ảo thanh trở nên xấu hơn (Ảnh: Internet)

4. Chăm sóc sức khỏe tâm thần người cao tuổi cần lưu ý điều gì?

Các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến như lo lắng và trầm cảm có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và sức khỏe của người cao niên. CDC cho biết rằng những tình trạng này, đặc biệt là rối loạn tâm trạng, có thể dẫn đến suy giảm chức năng thể chất, tinh thần và xã hội và có thể ảnh hưởng và làm phức tạp việc điều trị các rối loạn mãn tính khác (1).

Mặc dù tỷ lệ người lớn tuổi mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần có xu hướng tăng lên theo tuổi tác, nhưng trầm cảm và các bệnh khác không phải là một phần bình thường của quá trình lão hóa.

Để chăm sóc sức khỏe tâm thần người cao tuổi cần lưu ý các vấn đề sau:

- Nên có giờ sinh hoạt chung của gia đình với người cao tuổi, cùng xem tivi, cùng thảo luận và chia sẻ cuộc sống của mình với ông bà, bố mẹ

- Hạn chế tình trạng suy nghĩ tự kỉ ở người cao tuổi do phân biệt tuổi tác (hạn chế nói những câu như Ông/bà già rồi nên không biết, bố/mẹ già rồi nên không hiểu,...)

- Trong giờ con cháu đi làm, người cao tuổi có thể tham gia các sinh hoạt công động, kết nối với bạn bè người thân bằng các phương tiện kết nối internet (ưu tiên trong mùa dịch),...

Nhìn chung, việc có những kết nối, tương tác với người thân trong gia đình và xã hội sẽ giúp người cao tuổi hạn chế được các rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu vì đại dịch, sa sút trí tuệ,...

PGS.TS Thanh nhấn mạnh, nếu phát hiện người cao tuổi đang có các vấn đề sau, ngoài trò chuyện, tâm sự thì bạn cũng nên đưa người cao tuổi tới các cơ sở y tế để được tìm hiểu rõ các căn nguyên của vấn đề:

- Ăn uống không ngon miệng, bỏ bữa (có thể do bệnh tiêu hóa, răng miệng hoặc do vấn đề tâm thần) 

- Nét mặt buồn, ủ rũ (gọi là khí sắc trầm) 

- Giảm cân 

- Ngủ nghỉ không đúng giờ giấc 

- Tính tình thay đổi thất thường: tự nhiên cáu gắt, hỏi không muốn trả lời

- Sảng: nói linh tinh

- Đi vệ sinh không đúng chỗ

- Mặc quần áo không đúng cách,...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm