Áp dụng chiêu này để giúp con hiểu được sự vất vả của bố mẹ

20/09/2019 - 10:11
Nhiều ông bố bà mẹ vừa phải bươn chải kiếm tiền, vừa phải lo toan hết mọi việc trong nhà, không để các con động chân động tay đến việc gì vì cho rằng, như thế là thương con. Đây chính là nguyên nhân khiến trẻ luôn ỷ lại, lười biếng và ích kỷ.
Cô con gái học lớp 7 than với mẹ: "Mẹ ơi, con muốn lớn thật nhanh, là người lớn thật thích biết bao, chẳng cần phải đi học, học thêm, làm bài tập, tan ca về nhà rồi thích làm gì thì làm". Nghe vậy, chị Ngọc Hà (Q.Đống Đa, Hà Nội) nhẹ nhàng nói với con: "Thực ra, người lớn cũng nhiều lo toan, mệt mỏi lắm con ạ. Như bố mẹ đây, ở cơ quan bao việc, về đến nhà cũng trăm thứ phải lo. Như con bây giờ mới thích đấy, không phải lo lắng, suy nghĩ, bận tâm gì, chỉ cần học tốt thôi".
 
Thấy con gái có vẻ không chịu tin, chị Hà liền quyết định để con gái thử “làm mẹ” một ngày cho con tự cảm nhận. Con gái chị vui vẻ đồng ý.
 
Hôm sau là chủ nhật, mới sáng sớm, chị Hà đã gọi con gái dậy. Cô bé phụng phịu: "Mẹ, hôm nay được nghỉ học, con muốn ngủ nướng". Chị nhắc luôn: "Con quên rồi à, hôm nay con là mẹ đấy, con phải dậy sớm nấu ăn cho mọi người rồi dọn dẹp nhà cửa". Chợt nhớ ra vai trò của mình, cô bé bèn vùng dậy và bắt đầu thử đóng vai người lớn trong nhà. Cô bé mới biết nấu mì tôm, ăn xong, cô rửa bát, tiếp đến là quét dọn nhà. 3 tầng nhà đều phải quét rồi mới lau từng ngóc ngách, khe kẽ cho sạch bụi bẩn, sắp xếp lại đồ đạc trong nhà. Mới từng ấy việc mà cô bé đã thấm mệt, thỏ thẻ với chị Hà: "Mẹ, bây giờ con mới biết nỗi vất vả, mệt mỏi của bố mẹ. Con xin lỗi, con sai rồi...".
 
 
day-be-lam-viec-nha1.jpg
Đôi khi, bố mẹ cũng nên tạo “công việc” cho trẻ làm (như đi làm thêm theo giờ, phát tờ rơi, phát quà khuyến mại...) để trẻ biết quý trọng sức lao động và đồng tiền kiếm được

 

Bố của Hoài Nam (Nam Định) là nhân viên giao hàng. Nam chỉ biết bố đi làm từ sớm và về nhà rất muộn để đưa hàng cho khách hàng. Một hôm, bố chở Nam sang nhà bà ngoại có việc, tiện đường nên mang theo cả đồ để giao cho mấy người. Dự kiến, thời gian đưa hàng chỉ mất 10 phút nhưng vì địa chỉ giao hàng nằm sâu trong ngõ ngoằn ngoèo, bố Nam vừa phải hỏi thăm, vừa phải gọi điện mãi mới tìm được. Nam chỉ ngồi đằng sau mà vừa mệt, vừa sốt ruột vì chờ đợi và nắng nóng. Kết quả, bố con Nam đến nhà bà ngoại bị trễ mất so với dự định ban đầu gần 1 tiếng. Lúc này, Nam mới thấy hàng ngày bố phải làm gì và vất vả ra sao mới kiếm được tiền nuôi Nam ăn học. Thế mà Nam lại chỉ biết đòi hỏi bố mua cái này, mua cái kia.
 
Để trẻ làm việc nhà
 
Nhiều ông bố bà mẹ vừa phải bươn chải kiếm tiền, vừa lo toan hết mọi việc trong nhà, không để con cái của mình động chân động tay đến việc gì. Cứ nghĩ như thế là thương con mà bố mẹ không biết rằng, làm như vậy sẽ khiến trẻ luôn ỷ lại vào bố mẹ, lười biếng và ích kỷ. Bố mẹ bao bọc hay cưng chiều con quá mức, điều này sẽ làm cho trẻ cảm nhận việc chúng được như thế là đương nhiên, việc chúng làm là đúng và không tôn trọng người khác. Có không ít những ông bố bà mẹ tuy nghèo nhưng vì thương con mà hết sức chiều chuộng, khiến cho các bé hưởng thụ mà không biết sự hy sinh của bố, mẹ mình.
 
Vì vậy, bố mẹ nên để con cái của mình làm việc nhà giúp đỡ gia đình trong cuộc sống hằng ngày. Bằng cách đó, trẻ sẽ thấy được công việc và nỗi vất vả của người lớn khi phải lao động kiếm tiền, để biết yêu thương và hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.
 
Chia sẻ với trẻ về công việc
 
Bố mẹ hãy nói với trẻ về công việc của mình: Hàng ngày tới cơ quan phải làm gì, tính chất công việc ra sao, khó khăn, áp lực như thế nào nếu không hoàn thành nhiệm vụ... để trẻ hiểu bố mẹ đi làm không chỉ đơn giản là cứ sáng đi xe khỏi nhà, chiều đi xe về.
 
Cho trẻ trải nghiệm thực tiễn
 
Đôi khi, bố mẹ cũng nên tạo “công việc” cho trẻ đi làm thêm theo giờ như đưa cơm cho quán cơm, phát tờ rơi, phát quà khuyến mại... để trẻ biết quý trọng sức lao động và đồng tiền kiếm được.
 
Thay vì giáo huấn trẻ rằng làm việc rất vất vả, kiếm tiền rất khó khăn, bố mẹ hãy để trẻ trực tiếp trải nghiệm thực tiễn. Chỉ khi đứng vào vị trí của bố mẹ làm những công việc như thế, trẻ mới có thể cảm nhận sự vất vả hàng ngày của bố mẹ mà có thái độ quan tâm đúng mực, có ý thức và trách nhiệm góp phần chăm lo cho gia đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm