APEC hướng đến nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ

09/05/2017 - 15:42
Ngày 9/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế APEC (PPWE) lần thứ nhất bàn về việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ khu vục châu Á- Thái Bình Dương.
phu-nu-apec-5.JPG
Hội nghị đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế APEC (PPWE) lần thứ nhất
Đại biểu các nước đều thống nhất mục tiêu hợp tác trong APEC để đảm bảo mọi phụ nữ đều có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế của mỗi nước cũng như của khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Một trong những đặc điểm của phát triển nền kinh tế hiện đại là sự tham gia ngày càng tăng của phụ nữ trong kinh doanh và các ngành công nghiệp sáng tạo, một xu thế đang diễn ra ở hầu như tất cả các nền kinh tế APEC. Phụ nữ hiện chiếm trên 50% dân số, tham gia ngày càng đông đảo vào lực lượng lao động xã hội. Doanh nghiệp MSMEs do phụ nữ làm chủ đóng góp 20-50% GDP trong các nền kinh tế APEC.
phu-nu-apec-1.JPG
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp (thứ 2, từ trái sang) phát biểu tại hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị PPWE do Việt Nam làm Chủ tịch, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh đến chủ đề Phụ nữ và Diễn đàn kinh tế APEC 2017 là “Tăng cường hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi” với 3 nội dung ưu tiên gồm: Thúc đẩy bình đẳng giới hướng đến tăng trưởng kinh tế bao trùm”; Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ (MSMEs); Thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực.
 
Ông Doãn Mậu Diệp cho hay từ một mạng lưới đề xuất các chính sách lồng ghép giới năm 2007, PPWE hiện trở thành một cơ chế hợp nhất thúc đẩy vai trò và vị thế của phụ nữ trong APEC, đảm bảo không có ai bị bỏ lại phía sau, tiếp tục thực hiện Kế hoạch chiến lược PPWE giao đoạn 2015-2018. Những đề xuất và khuyến nghị về cải cách chính sách và thúc đẩy hợp tác công tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC sẽ được thể hiện trong dự thảo Tuyên bố Bộ trưởng Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC (gọi tắt là WEF) vào tháng 9/2017 tại thành phố Huế.
phu-nu-apec-3.jpg
Đại biểu các nền kinh tế APEC tham dự hội nghị PPWE
Với cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện 5 trụ cột ưu tiên về phụ nữ và kinh tế của APEC bao gồm: tiếp cận vốn và tài sản; tiếp cận thị trường; nâng cao kỹ năng, năng lực và sức khoẻ; tăng cường sự tham gia lãnh đạo, tiếng nói và khả năng nắm bắt cơ hội; sáng tạo và công nghệ, Việt Nam đã có những chính sách, chương trình hành động cụ thể để hỗ trợ và thúc đẩy phụ nữ tham gia mạnh hơn vào phát triển kinh tế của bản thân, cộng đồng và quốc gia. Theo đó, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Hội LHPNVN đã liên kết thực hiện các chương trình cho vay tín dụng đối với các nhóm phụ nữ nghèo và các chủ doanh nghiệp nhỏ  và vừa là nữ.
 
Bên cạnh đó, Quỹ quốc gia về Việc làm của Chính phủ đặc biệt ưu tiên các dự án vay vốn giải quyết việc làm cho lao động nữ. Quỹ đã dành riêng một kênh quản lý nguồn vốn khác cho Hội LHPNVN để giải quyết việc làm cho các hội viên. Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020 có xây dựng mô hình hỗ trợ phụ nữ liên kết với các ngân hàng để giúp phụ nữ được vay vốn phát triển doanh nghiệp.
phu-nu-apec-4.JPG
Bà Hoàng Thị Thu Huyền – Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) (bên trái) cùng đại biểu đến từ Indonesia và Papa New Guinea
Ngoài ra, theo số liệu thống kê của Hội đồng Doanh Nhân nữ, Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì hiện nay tỷ lệ phụ nữ là chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chiếm khoảng 25% tổng số các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Đây cũng là một tỷ lệ đáng nghi nhận, khẳng định vị thế và vai trò của phụ nữ tham gia lãnh đạo trong nền kinh tế chính thức và phi chính thức.
 
Để khuyến khích doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nhân nữ Việt Nam nói riêng trong việc sáng tạo và áp dụng công nghệ vào phát triển kinh tế, Nhà nước có chính sách tôn vinh những phụ nữ thành công trên thương trường, sáng tạo và áp dụng các ý tưởng trong sản xuất, kinh doanh. Hàng năm, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đều tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, trong đó tôn vinh cả doanh nhân nam và nữ đã có những sáng tạo và công nghệ, có cống hiến cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng năm Hội LHPNVN trao “Giải thưởng phụ nữ Việt Nam” cho những cá nhân và tập thể nữ có những thành tích và đóng góp cho sự phát triển kinh - tế xã hội của đất nước.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm