Cha mẹ phải rất bình tĩnh để tìm kiếm sự hỗ trợ, chắc chắn kẻ xâm hại cần phải được vạch trần và trả giá, nhưng cách thức tố cáo như thế nào, các bước ra sao, thời điểm nào phải tính toán kỹ để giữ cho con không bị sốc, không hoản loạn thêm - Ảnh minh họa internet. |
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Giang, Phó viện trưởng Viện sức khỏe cộng đồng ánh sáng (LIGHT) chia sẻ, một điều bất di bất dịch mà cha mẹ cần nhớ là bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân bị xâm hại tình dục, không loại trừ con mình. “Bản thân trẻ vì nhỏ tuổi nên nhiều khi không ý thức được bị xâm hại, vì thế cha mẹ phải giáo dục từ khi con còn nhỏ. Ngay từ 2 tuổi, mẹ có thể dạy con về các vùng “bất khả xâm phạm”, những ai được phép và không được phép chạm vào bộ phận sinh dục của con. Đặc biệt, cần dặn con tuyệt đối không giấu cha mẹ khi bị xâm hại, bất kể lý do gì cũng đều không sợ hãi và phải báo ngay với người thân nếu bị xâm hại!” - bác sĩ Thu Giang cho biết.
Bước quan trọng thứ hai là cha mẹ cần sớm phát hiện ra dấu hiệu bất thường của con để có phương án xử lý. Ví dụ: Trẻ đang hoạt bát, nhanh nhẹn bỗng nhiên ủ rũ, sợ sệt, bật khóc vô cớ. Hoặc trẻ biếng ăn, ăn ít hẳn, xa lánh mọi người và trở nên cáu bẳn hơn. Đó là lúc bố mẹ cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo để gần gũi bên con, khơi gợi những bất thường mà con gặp phải một cách khéo léo.
Cha mẹ cần nhạy cảm phát hiện các bất thường của con để sớm bảo vệ con khỏi nạn xâm hại tình dục. Ảnh minh hoạt Internet |
Một bước nữa là khi phát hiện ra con bị xâm hại, cha mẹ cần có những ứng xử phù hợp trước gã "yêu râu xanh". Thông thường, nhiều phụ huynh sẽ cuống cuồng lên, hoặc làm ầm lên đòi đưa kẻ xấu ra công an. Số cha mẹ khác thì im lặng và ngấm ngầm lên kế hoạch để vạch trần kẻ xấu. “Cha mẹ hãy nhớ, không có công thức chung cho các vụ việc, nhưng có một nguyên tắc là để đưa ra quyết định, cha mẹ phải cân nhắc rất kỹ giữa những lợi ích và nguy cơ đối với con mình trước tiên!” – bà Thu Giang đưa ra khuyến cáo.
Đặc biệt với những phụ huynh ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa vì bận mưu sinh nên ít có thời gian chăm sóc con, khi phát hiện ra con bị xâm hại cũng là lúc bụng con đã lớn; vì tình làng nghĩa xóm, họ thường chọn cách thỏa hiệp với "yêu râu xanh" và gia đình thay vì lôi gã ra ánh sáng. Hãy nhớ, nếu các phụ huynh im lặng rất có thể con vẫn ở trong vùng nguy hiểm và cũng là "tạo đất" cho gã gây nguy hiểm với những bé gái khác.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm tư vấn, hướng dẫn các bậc cha mẹ trước các hành vi lạm dụng tình dục con, bà Thu Giang khuyên cha mẹ phải rất bình tĩnh để tìm kiếm sự hỗ trợ. Bà cho rằng: “Chắc chắn kẻ xâm hại cần phải được vạch trần và trả giá, nhưng cách thức tố cáo như thế nào, các bước ra sao, thời điểm nào phải tính toán kỹ để giữ cho con không bị sốc, không hoản loạn thêm. Cha mẹ cân nhắc kỹ: Nếu làm ầm lên để thỏa cơn giận ngay lúc đó thì con được gì, mất gì? Từng bước tìm đến cán bộ y tế, tư vấn tâm lý, nếu xác định thủ phạm thì phải có công an vì cha mẹ vốn dĩ đã rất sốc, không thể cùng lúc bình tĩnh để xử lý nhiều việc được”.
* Để được hỗ trợ, tư vấn tại chỗ khi con có dấu hiệu bị xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại, tố giác tội phạm xâm hại tình dục, cha mẹ có thể tiếp cận các kênh hỗ trợ sau: - Đường dây nóng 18001567 của Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) có tổng đài viên trực 24/24h. - Tổng đài tư vấn Thanh Tâm (Báo Phụ nữ Việt Nam) 1900.599.933 hoặc đường dây nóng: 094.170.7373. - Tổng đài tư vấn CSAGA (Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, phụ nữ, gia đình và trẻ em): 1900.599.930. - Đường dây nóng 1900.6568 Tổng đài luật sư tư vấn trực tiếp các vấn đề liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. - Một số địa chỉ tin cậy khám sức khỏe sinh sản cho trẻ: Trung tâm y tế Thái Hà, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng… |