Bà Kamala Harris tuyên thệ chính thức trở thành Phó Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ

Ngự Bình
21/01/2021 - 06:18
Bà Kamala Harris tuyên thệ chính thức trở thành Phó Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ
Đêm 20/1 (giờ Việt Nam), tại Đồi Capitol, bà Kamala Harris đã tuyên thệ nhậm chức trở thành tân Phó Tổng thống Mỹ.

Nữ phó tổng thống đầu tiên

Bà Kamala Harris đọc lời tuyên thệ nhậm chức trước Thẩm phán Sonia Sotomayor. "Tôi xin trịnh trọng tuyên thệ rằng mình sẽ ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp của Mỹ, chống lại mọi kẻ thù trong và ngoài nước. Tôi sẽ mang trong mình đức tin chân chính và lòng trung thành, rằng tôi sẽ đảm nhận nghĩa vụ này hoàn toàn tự do, không hề do dự hay trốn tránh. Tôi sẽ hoàn thành tốt và trung thành với các nhiệm vụ của văn phòng phó tổng thống mà tôi chuẩn bị đảm nhận. Cầu Chúa ban phước lành!", bà Kamala Harris tuyên thệ.

Harris - tuyên thệ nhậm chức - phó tổng thống Mỹ

Bà Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống Mỹ

Thẩm phán Sonia Sotomayor, người chứng kiến lời tuyên thệ của bà Harris, là người gốc Tây Ban Nha đầu tiên được bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa án Tối cao. Doug Emhoff, phu quân của Harris, giữ cuốn Kinh thánh trong lúc bà đọc lời tuyên thệ.

"Sẵn sàng phụng sự", Kamala Harris đăng dòng tweet đầu tiên trên tài khoản @VP của Phó tổng thống Mỹ. 

Trước đó, phát biểu tại buổi lễ lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì Covid-19, bà Harris bày tỏ: "Dù có thể xa cách về thể chất nhưng chúng ta, những người dân Mỹ, đoàn kết về tinh thần. Hy vọng lớn nhất của tôi, lời cầu nguyện vĩnh cửu của tôi, đó là chúng ta thoát khỏi thử thách này với một trí tuệ mới để trân trọng những khoảnh khắc đơn giản, để tưởng tượng về những khả năng mới và để mở rộng trái tim của chúng ta với nhau nhiều hơn một chút".

Ngoài việc là nữ phó tổng thống đầu tiên, Harris còn là phụ nữ da màu đầu tiên và người gốc Ấn đầu tiên đảm nhiệm chức vụ cao thứ hai của đất nước. Sau khi tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống ngày 20/1, bà sẽ trở thành Chủ tịch Thượng viện theo quy định của luật pháp Mỹ. Chức danh này cho phép Harris chủ trì các phiên họp và bỏ lá phiếu quyết định trong các trường hợp bế tắc với số phiếu 50-50 tại Thượng viện.

Bà Kamala Harris sinh ngày 20/10/1964 tại Oakland, California. Bà Harris tốt nghiệp các trường Đại học Howard, Đại học California và Cao đẳng Luật Hastings.

Bà bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là nhân viên của phòng công tố viên quận Alameda, trước khi gia nhập văn phòng công tố viên San Francisco và sau là văn phòng luật sư thành phố San Francisco.

Năm 2016, bà Harris đã thắng đối thủ Loretta Sanchez trong cuộc bầu cử Thượng viện để trở thành nữ thượng nghị sĩ thứ 3 của bang California, đồng thời là phụ nữ người Mỹ gốc Phi thứ 2 và gốc Nam Á đầu tiên được bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ.

Là một thượng nghị sĩ, bà Harris ủng hộ các vấn đề cải cách y tế, hợp pháp hóa cần sa, hỗ trợ trao quyền công dân cho người nhập cư không có giấy tờ, cấm vũ khí tấn công và cải cách thuế lũy tiến.

Bà Harris là người Mỹ gốc Phi đầu tiên, người Mỹ gốc Á đầu tiên và là phụ nữ thứ ba tranh cử Phó Tổng thống của một đảng lớn, sau bà Geraldine Ferraro năm 1984 và bà Sarah Palin năm 2008, nhưng là phụ nữ Mỹ gốc Phi và phụ nữ Mỹ gốc Á đầu tiên đóng một vai trò quan trọng như vậy. Mẹ bà là một nhà khoa học nghiên cứu về ung thư vú từ Ấn Độ di cư đến Mỹ và cha bà là một nhà kinh tế từ Jamaica đến Mỹ.

Bà Kamala Harris trở thành phó tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ - Ảnh 2.

Bà Harris cùng tổng thống Mỹ Joe Biden

Việc ông Biden chọn bà Harris làm phó tướng được coi là sự lựa chọn lịch sử trên vũ đài chính trị Hoa Kỳ. Trong cuộc đua vào Nhà trắng của ông Biden, bà Harris đã giúp đảng Dân chủ thu hút thêm sự ủng hộ của các cử tri trẻ tuổi, đồng thời đảm bảo sự hỗ trợ đáng tin cậy cho ông Biden.

Ngoài ra, những kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp và hoạt động chính trị tại bang California, bang có nền kinh tế lớn nhất tại Mỹ, giúp bà Harris nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của nhiều thành viên đảng Dân chủ. Bà cũng được coi là một ứng viên an toàn, không có điểm yếu để đội ngũ vận động tranh cử của Tổng thống Trump có thể lợi dụng.

Bộ đôi Biden - Harris đã nêu rõ những chương trình nghị sự dành cho phụ nữ gồm: Đảm bảo công việc cho phụ nữ, chấm dứt bạo hành, bạo lực giới, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong y tế với nữ giới, bảo vệ và trao quyền cho phụ nữ. Ngoài ra, chương trình hành động của chính quyền mới còn bao gồm duy trì cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Họ cho biết sẽ sử dụng ngân sách liên bang để đầu tư cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, miễn học phí các trường cao đẳng và đại học công lập cho mọi gia đình có thu nhập dưới 125.000 đô-la và cấp tín dụng thuế lên tới 8.000 USD cho các gia đình có thu nhập thấp và trung lưu để giúp chi trả dịch vụ giữ trẻ.

Kamala Harris - Người vì mọi người

Trong suốt sự nghiệp của mình, Harris là người hết lòng ủng hộ cho những người không có tiếng nói và chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Bà được đánh giá là "một chiến binh có tiếng nói được lòng nhiều tầng lớp xã hội".

Khi còn là Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, bà Harris đã tích cực vận động cho các chương trình giảm bớt thuế cho tầng lớp trung lưu, giải quyết chi phí thuê nhà cao, tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ, giúp giáo dục đại học miễn phí cho đại đa số người Mỹ, cải cách hệ thống bảo lãnh tiền mặt, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tị nạn và người nhập cư. Không chỉ vậy, bà còn mở rộng quyền truy cập vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, giá cả phải chăng với chương trình Medicare for All.

Là Tổng chưởng lý California, Harris đã truy tố các băng đảng xuyên quốc gia khai thác, lạm dụng phụ nữ và trẻ em, các băng nhóm tội phạm buôn bán súng và ma túy. Bà đã chủ trì các nghiên cứu và điều tra toàn diện về tác động của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia và buôn bán người.

Bà Kamala Harris trở thành phó tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ - Ảnh 3.

Bà Harris và ông Biden trong lòng người ủng hộ

Harris đã đạt được kết quả mang tính bước ngoặt đối với người dân California thuộc tầng lớp trung lưu, bằng cách đàm phán với các ngân hàng trên Phố Wall và giành được 20 tỷ USD cho các chủ nhà đang phải đối mặt với việc bị tịch thu trong cuộc đại suy thoái. Bà đã giúp hàng ngàn gia đình giữ được căn nhà của họ, thoát khỏi một trong những luật chống tịch thu nhà mạnh nhất quốc gia.

Bà cũng tích cực bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, giành được các khu định cư lớn được nắm giữ bởi những tập đoàn lớn và tạo ra các thỏa thuận đổi mới với ngành công nghệ để bảo vệ quyền riêng tư của người dân California; trấn áp tội phạm trực tuyến. 

Bà đã hỗ trợ tư vấn luật pháp để đảm bảo rằng các phòng khám cung cấp cho phụ nữ thông tin chính xác về mặt y tế về toàn bộ các dịch vụ sinh sản. Harris cũng đã làm việc tích cực để bảo vệ trẻ em và học sinh. Bà thành lập Văn phòng Trẻ em California Justice và chiến đấu để giảm thiểu tình trạng trốn học ở trường tiểu học, nhằm đảm bảo mọi trẻ em đều có thể thực hiện quyền học tập của mình.

Bà Harris cũng có vai trò nổi bật trong phong trào #MeToo (Tôi cũng vậy) ở Washington. Bà là một trong những Thượng nghị sĩ đầu tiên kêu gọi Thượng nghị sĩ Al Franken từ chức năm 2018 với cáo buộc về các hành vi không phù hợp.

Nguồn: CNN, ABC News
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm