Bà Marine Le Pen viết tiếp giấc mơ trở thành tổng thống Pháp của cha

25/04/2017 - 08:29
Là người có tài diễn thuyết trước công chúng, ứng cử viên Marine Le Pen không giấu tham vọng trở thành Tổng thống Pháp trong vòng 2 cuộc bầu cử vào ngày 7/5 tới.
Bà Marine Le Pen sinh ngày 5/8/1968, là con út trong số 3 người con gái của ông Jean-Marie Le Pen với người vợ đầu Pierrette Lalanne. Tuổi thơ sóng gió đã hình thành lên một Marine Le Pen hết sức cứng rắn và kiên cường. Năm Le Pen lên 8 tuổi, một quả bom nổ ngay tại khu chung cư nơi gia đình bà sinh sống. May mắn là gia đình bà không có ai bị thương. 8 năm sau, mẹ của Le Pen ly dị chồng và bỏ lại 3 cô con gái cho chồng chăm sóc. Không lâu sau đó, bà Pierrette khiến cả gia đình bị sốc khi chụp ảnh khỏa thân cho tạp chí Playboy. “Đó là một cú sốc rất lớn đối với chúng tôi”, bà Le Pen chia sẻ trên truyền hình Pháp năm 2016 và cho biết trong suốt 15 năm qua, bà chưa từng gặp lại mẹ mình.
 
Cũng như mẹ, bà Le Pen đã ly dị chồng. Dù vậy, rút kinh nghiệm từ sai lầm của người mẹ, bà Le Pen đã kiên quyết giành quyền chăm sóc cả 3 người con của mình. Bà thường xuyên phải “nài nỉ” báo chí tôn trọng sự riêng tư của con cái mình.
marine-le-pen-3.jpg
Bà Marine Le Pen bên cha là ông Jean-Marie Le Pen
Nổi tiếng với những tư tưởng dân tộc cực đoan, ông Jean-Marie Le Pen đã luôn quan tâm giáo dục cho các con tinh thần yêu nước nên Le Pen bắt đầu quan tâm đến chính trị từ rất sớm. Bà được biết là người có tài diễn thuyết trước công chúng và không giấu giếm tham vọng tiếp nối sự nghiệp chính trị của cha. Năm 18 tuổi, bà đã tham gia tích cực các hoạt động của đảng và từ đó vượt qua một chặng đường dài từ một thành viên bình thường đến người đứng đầu của đảng Mặt trận Quốc gia (FN) năm 2011, kế nhiệm chức vụ quan trọng từ cha mình với 67,6% đảng viên ủng hộ bà. Bà cũng là thành viên của Nghị viện châu Âu, thành viên Quốc hội Pháp.
marine-le-pen-2.jpg
Bà Marine Le Pen ở vai trò thủ lĩnh đảng Mặt trận Quốc gia (FN)
Trở thành thủ lĩnh của FN, bà bắt đầu giải quyết vấn đề cơ bản của đảng này đó là thay đổi hình ảnh của FN. Bà đã thành công trong một thời gian rất ngắn bằng chiêu thức khơi gợi và xoáy vào “tinh thần yêu nước” chứ không phải là dân tộc chủ nghĩa. Đảng này cũng đã đạt được một số thành công trong bầu cử thời gian gần đây, từ chỗ không có đại diện trong Quốc hội Pháp cho đến nay có nhiều đại biểu trong cả 2 viện quốc hội, 11 thị trưởng và hàng trăm hội đồng địa phương các cấp. Thành phần cử tri ủng hộ đảng này cũng mở rộng ra phạm vi toàn quốc với những nhóm cử tri mới ngoài nhóm cử tri truyền thống ở vùng Côte d’Azure.

Có thể nói bà Le Pen là “phiên bản” rất giống với ông Donald Trump về khuynh hướng chính trị. Nếu ông Trump là người đang hứng chỉ trích về vấn đề nhập cư thì bà Le Pen thậm chí còn cứng rắn hơn thế. Cũng như ông Trump, bà Le Pen từng cam kết sẽ khôi phục được “ánh sáng vinh quang” cho nước Pháp với chính sách “kinh tế ái quốc”. Theo đó, không chỉ đề xuất rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), bà Le Pen còn thúc đẩy chính sách “đặt nước Pháp lên hàng đầu” trong vấn đề việc làm và nhà ở. Ngoài ra, bà cũng đề xuất đánh thuế tới 35% đối với các công ty của Pháp làm ăn ở nước ngoài và thuê nhân công là người nước ngoài.
marine-le-pen-4.jpg
Bà Marine Le Pen gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin để bàn về chống khủng bố
Năm 2002, cha bà, ông Jean-Marie Le Pen, đã thất bại trong vòng đua cuối cùng để trở thành Tổng thống Pháp. Bà Marie Le Pen lúc đó đã “gạt nước mắt” và thề rằng bi kịch ấy sẽ không lặp lại với mình. Kết quả bỏ phiếu vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra ngày 23/4 cho thấy bà đã phần nào đạt được mục tiêu của mình. Dẫy vậy, nỗi đau thất bại của người cha vẫn ám ảnh khi bà Le Pen dù vào được vòng 2 nhưng vẫn phải chấp nhận đứng sau ông Emmanuel Macron với kết quả vòng 1: Emmanuel Macron 23,7% còn bà 21,7%. Ông Macron đang thu hút được sự ủng hộ ngày càng gia tăng của cử tri Pháp.
 
Không chỉ có vậy, bà Le Pen bước vào “trận đánh cuối cùng” khi Đảng Mặt trận Quốc gia của bà đang đứng trước khả năng bị điều tra và bản thân bà Le Pen cũng dính vào bê bối trong quá trình gây quỹ vận động tranh cử. Ngày 2/3, Nghị viện châu Âu (EP) đã tước quyền miễn trừ truy tố của bà Le Pen vì hành vi chia sẻ các hình ảnh bạo lực của tổ chức IS trên mạng xã hội Twitter. Hồi tháng 12/2015, các công tố viên Pháp đã mở một cuộc điều tra về việc bà Le Pen đăng tải một loạt hình ảnh trên mạng Twitter, trong đó có một bức ảnh chụp phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hành quyết nhà báo Mỹ James Foley. Quyết định trên của EP sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc điều tra này do trước đó bà Le Pen đã viện lý do được quyền miễn trừ với tư cách là thành viên EP để từ chối gặp cảnh sát điều tra, mặc dù có giấy triệu tập. Theo đó, bà Le Pen có thể phải đối mặt với mức án 3 năm tù và khoản tiền phạt 75.000 Euro.
marine-le-pen-1.jpg
Bà Marine Le Pen quyết thực hiện giấc mơ trở thành Tổng thống Pháp
Ngoài vụ bê bối trên, bà Le Pen còn đang bị điều tra về cáo buộc chiếm dụng khoảng 298.500 euro từ EP để trả lương cho các trợ lý làm các công việc nội bộ của đảng FN, thay vì đảm nhiệm những nhiệm vụ trợ lý nghị sĩ châu Âu từ tháng 12/2010 đến tháng 2/2016. Ngoài ra, bà Le Pen cũng bị cáo buộc lạm dụng công quỹ EP để trả lương cho vệ sỹ riêng khoản tiền 41.554 euro từ tháng 10 đến tháng 12/2011. Tuy nhiên, bà Le Pen khẳng định sẽ không đến bất kỳ cơ quan điều tra nào trong giai đoạn vận động tranh cử và trước khi diễn ra cuộc bầu cử sắp tới.

Những vụ việc trên khiến uy tín của bà Le Pen bị lung lay, tạo thuận lợi cho đối thủ là ông Emmanuel Macron bứt phá trong cuộc chạy đua vào Điện Elysée. Bà Le Pen lên tiếng cáo buộc giới truyền thông "đang vận động" cho ông Emmanuel Macron. Bà quyết chiến đấu đến cùng trong vòng 2 của cuộc bầu cử tổng thống ngày 7/5 sắp tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm