Không được chơi game, người bứt rứt không yên
Xù, tên gọi ở nhà của con gái nuôi TS Vũ Thu Hương. Mẹ đẻ của em là người khá tự do, không có kỷ luật nên cô con gái tuổi teen thích gì được nấy, muốn làm gì cũng được. Không bị mẹ quản lý và cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, Xù không tìm thấy niềm vui học tập và cuộc sống nên em chỉ biết làm bạn với điện thoại.
Ngày nào cũng thế, từ sáng đến đêm khuya, kể cả trong giờ học, Xù luôn dính mắt vào điện thoại. Ban đầu chỉ là chơi facebook, sau dần em nghiện game lúc nào không hay. “Chỉ cần buông tay khỏi điện thoại 30 phút là chân tay em bứt rứt không yên. Mở mắt ra, việc đầu tiên em làm là với tay mở điện thoại. Trong lúc ăn cơm, em cũng phải để điện thoại trước mặt để vừa ăn vừa chơi. Đến tắm, em cũng tắm vội tắm vàng để nhanh chóng chơi tiếp.
Đầu óc em không nghĩ được gì ngoài việc phải chiến thắng trong các cuộc chiến của game. Nhiều hôm, em chơi thâu đêm và chỉ chợp mắt được 1-2 tiếng. Thế nên, đi học, em thường xuyên trong tình trạng gà gật hoặc ngủ thiếp trên bàn. Thời điểm ấy, lực học của em chỉ ở mức trung bình, là một trong những học sinh học kém nhất lớp”, Xù chia sẻ.
Biết con gái nghiện game và điện thoại smartphone, mẹ ruột của Xù (một người mẹ đơn thân) khá lo lắng nhưng không biết làm cách nào. Trước tình trạng này, mẹ nuôi của Xù là TS Vũ Thu Hương đã quyết định mang con nuôi ra Hà Nội từ tháng 12/2017 để bắt đầu hành trình cai nghiện game cho cô con gái tuổi teen bướng bỉnh, cá tính.
Từng bước kéo con qua cơn nghiện
TS Vũ Thu Hương cho biết, với một đứa trẻ đang nghiện game, phải dính mắt vào máy mọi thời gian trừ lúc ngủ thì không thể ngay lập tức cách ly đứa trẻ khỏi điện thoại. Mọi việc phải dần dần từng bước một.
Ban đầu, chị can thiệp vào vụ điện thoại của con ở trường. Chị gọi điện đến trường “mách” giáo viên rằng con sử dụng điện thoại trong giờ học, có khả năng con còn hỏi bài chị trong lúc thi. Điều này đã làm cho giáo viên giật mình và quyết tâm thu điện thoại của học sinh trong giờ học và chỉ trả vào giờ về. Chính việc bị tịch thu điện thoại này đã khiến con bắt đầu phải làm quen với việc thỉnh thoảng không có điện thoại để chơi.
Tiếp đến, ở nhà, chị lấy cớ các việc con chưa hoàn thành để phạt con tịch thu điện thoại theo giờ. Con vi phạm 1 tội thì sẽ thu điện thoại trong 2 giờ và cứ thế nhân lên. Ban ngày con đi học, tối con về nhà, cứ hôm nào con có lỗi sai thì sẽ bị tịch thu điện thoại trong 2 tiếng. Thế nhưng, ban đầu, chị không “lạm dụng” việc tịch thu điện thoại nhiều vì sợ ở lớp con không được sử dụng điện thoại, tối về cũng không được dùng nữa thì sẽ bị “sốc”. Bởi vậy, trong tuần đầu, chị chỉ tịch thu điện thoại của con trong một buổi tối. Từ những tuần sau, chị sẽ “bắt lỗi” con để tịch thu nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo chị Vũ Thu Hương, nếu trong 2 tiếng con không có điện thoại thì con sẽ rất khó chịu, nếu để con ngồi chơi không thì con rất dễ lên cơn nhớ điện thoại. Chính vì vậy, chị phải nghĩ ra việc để giao cho con làm như tắm giặt, lau dọn nhà cửa, gấp quần áo, rửa bát... khiến cho 2 tiếng đó trôi qua nhanh chóng. Trong lúc con làm, cần phải giám sát con cẩn thận chứ không để con làm qua quýt kiểu chống đối. Khi con tập trung vào công việc, con sẽ có một khoảng thời gian quên game, quên vật bất ly thân trước đây của con.
Chưa dừng lại ở đó, chị Vũ Thu Hương nghĩ cách để có hình phạt với con nặng hơn. Đó là lấy cớ con bị phạt rồi mà vẫn mắc lại lỗi cũ, chị ra quyết định tịch thu điện thoại của con trong 2 tiếng tất cả các buổi tối. Tối nào, chị cũng cầm điện thoại của con trong 120 phút. Trong 2 tiếng đó, chị quy định con phải đọc hết 40 trang sách nếu không hết, sẽ tăng thời gian bị cấm điện thoại. Đọc xong, con phải trình bày cho mẹ xem con vừa đọc về cái gì. Thời gian còn lại, chị yêu cầu con dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa và làm những việc cá nhân khác.
Tiếp tục lấy cớ con vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm, chị Vũ Thu Hương mua điện thoại “cục gạch” đổi sim của máy con vào đó để tịch thu smartphone trong 2 tuần. Sau một thời gian như thế, giờ đây con đã không bị phụ thuộc vào điện thoại.
Theo chị Vũ Thu Hương, việc cai nghiện game cho con không quá khó nhưng đòi hỏi sự kiên trì và điềm tĩnh của bố mẹ. Trường hợp với Xù, sau 6 tháng được “kèm cặp”, em đã cai được game, không sử dụng smartphone nhiều mà biết dành thời gian cho các hoạt động khác.
“Đặc biệt, việc không chơi game, dành thời gian đọc sách giúp nhu cầu được hiểu biết của con tăng lên nên con đã tập trung vào việc học. Kết quả cuối năm lớp 8 vừa qua, học lực của con đã có bước nhảy vượt bậc, con đã đạt danh hiệu Học sinh giỏi”, chị Vũ Thu Hương chia sẻ.
“Tôi không đột ngột gào lên tịch thu điện thoại của con vĩnh viễn; không thu máy mà không giải thích; không thu máy rồi mặc kệ con “nhàn cư vi bất thiện”. TS Vũ Thu Hương |