Ba Nhất-HTX khởi nghiệp từ 3 không

15/06/2016 - 16:06
Sau 40 năm hoạt động, Hợp tác xã (HTX) Mây tre lá Ba Nhất, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước, cuộc sống ổn định cho hàng nghìn người lao động nông thôn.

Khởi nghiệp từ 3 không

“Không nghề, không vốn, không kinh nghiệm làm ăn”: đó là tất cả những gì HTX Ba Nhất có trong những ngày đầu khởi nghiệp. Điều đó dường như thật khó tin với những gì Ba Nhất có được hôm nay: kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 10 triệu USD, sản phẩm của HTX Ba Nhất với hàng trăm ngàn mẫu mã đã có mặt tại hơn 30 nước trên thế giới, đồng thời còn bước được vào mạng lưới siêu thị của các tập đoàn bán lẻ như IKEA, Wal-Mart, Target … Thu nhập bình quân của xã viên HTX năm 2015 đạt hơn 4,5 triệu đồng/người, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động nông thôn, không chỉ ở Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở mọi miền đất nước.

Tháng 10/1976, tổ hợp Ba Nhất được thành lập, đến tháng 12/1978 được nâng lên hợp tác xã. Năm 1979 được công nhận HTX bậc vừa rồi tiến lên bậc cao.

 Sản phẩm đa dạng của HTX Ba Nhất

 Ban đầu chỉ có vài nhà bạt che tạm, đến nay HTX đã đầu tư xây dựng hơn 10.000m2 nhà xưởng với dây chuyền sơn tĩnh điện theo công nghệ tiên tiến; sáu phòng bảo ôn để kho hàng hóa luôn đảm bảo đúng chất lượng; trang bị máy móc cho xưởng gỗ, xưởng đóng gói, xưởng sơn mài, lò sấy, lò hấp hàng… với kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao được HTX rất quan tâm. Các sản phẩm của HTX Ba Nhất đều được nghiên cứu, kiểm nghiệm kỹ về chất lượng, kiểu dáng tiện ích, an toàn và phù hợp với thị hiếu của nhiều nước trên thế giới. Không bằng lòng với những gì đã có, HTX thường xuyên nghiên cứu đổi mới mẫu mã sản phẩm, do đó khách hàng luôn hài lòng và gắn bó lâu dài với HTX.

Gian nan vượt qua thăng trầm

Với chặng đường 40 năm gây dựng, phát triển, HTX đã trải qua không biết bao nhiêu sóng gió, thăng trầm, khủng hoảng và có lúc đã phải đứng bên bờ vực phá sản.

Thời bao cấp, không đủ nguyên liệu sản xuất, HTX chật vật vì vừa bị phạt không hoàn thành được hợp đồng vừa không đảm bảo được đời sống cho xã viên. HTX phải “xé rào” tìm mua và vận chuyển nguyên liệu từ những vùng mà lúc bấy giờ còn ngăn sông cấm chợ hoặc mua lương thực đảm bảo cho xã viên có cái ăn để yên tâm làm việc.

Những năm 1988-1990, khi các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, ngành mây tre lá cả nước mất hết thị trường, các HTX hầu như tan rã. Nợ nần chồng chất, hàng tồn kho nhiều không bán được phải đốt bỏ khiến Ba Nhất dần lâm vào cảnh kiệt quệ. Không chịu bó tay, bà Ba Cúc – Chủ nhiệm HTX đã tìm đường xuất ngoại để tiếp cận thị trường, tìm nhà phân phối, chào hàng, giới thiệu sản phẩm của mình. Khẳng định chất lượng và uy tín từ những đơn hàng đầu tiên đã tiếp tục mang đến cho HTX nhiều cơ hội khi nhiều tập đoàn, khách hàng lớn đã theo địa chỉ tìm đến. Nhưng khi đón nhận những cơ hội lớn, theo đó cũng là bao nhiêu khó khăn: ít vốn, thiếu nguyên liệu, nhân công. Nhưng Ba Nhất đã chọn sự chân thành đến thật thà trong giao dịch tạo niềm tin để khách hàng ứng vốn trước cho HTX mở rộng nhà xưởng, đầu tư nguyên liệu sản xuất với số lượng lớn.

 Dạy nghề tại HTX

Là một đơn vị sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ, trong nền kinh tế thị trường, HTX cũng tiếp tục gặp không ít khó khăn như thiếu lực lượng kế cận, thiếu nguyên liệu, những khó khăn trong quá trình thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012…

Nêu cao tinh thần 3 nhất

Với ý nghĩa hết sức sâu sắc của thương hiệu Ba Nhất xuất phát từ tấm lòng bao dung của người phụ nữ Việt Nam: “Thương đất nước nhất, thương người lao động nhất, thương rác rưởi nhất” (rác là những nguyên liệu chính trong sản xuất của HTX), HTX Ba Nhất đã xây dựng mình thực sự trở thành mái nhà chung để những mảnh đời không may mắn có được nơi nương tựa, được lao động kiếm sống và là trường đời để những người lầm lỡ làm lại cuộc đời.

Ngay từ khi thành lập cho đến nay, HTX luôn duy trì việc liên kết với các Trường giáo dưỡng, đào tạo việc làm, phục hồi nhân phẩm với thu nhập bình quân hiện nay từ 1,3 – 1,6 triệu đồng/người/tháng. Nhiều người “mãn hạn” cùng với nhiều người lầm lỡ, đã về tiếp tục trở thành xã viên của HTX.

Bằng tình yêu thương như người Mẹ, bà Ba Cúc, Chủ nhiệm HTX cùng Ban chủ nhiệm luôn quan tâm đến hoàn cảnh mỗi người để giúp họ xóa bỏ mặc cảm, hoà nhập với tập thể lao động, làm việc hết mình để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ việc chăm lo cho xã viên đầy đủ 03 bữa cơm mỗi ngày; dành hẳn 07 hecta xây dựng nhà ở miễn phí cho xã viên; hỗ trợ thành lập Quỹ Công Đoàn, Phụ nữ để trợ vốn cho xã viên có nhu cầu mua sắm, sữa chữa nhà,…không lấy lãi. HTX còn thường xuyên tổ chức đám cưới cho xã viên khó khăn; hỗ trợ xã viên và người nhà khi bệnh tật, nhất là những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ cho nhiều con em xã viên được trợ cấp theo học bậc Trung học phổ thông và Đại học.

Với nỗ lực duy trì và phát triển hoạt động 40 năm qua, thương hiệu Ba Nhất đã nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước, nhưng HTX vẫn còn nhiều trăn trở: “HTX hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, việc thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 cũng còn nhiều bất cập. Nhưng dù khó khăn thế nào, chúng tôi cũng quyết tâm giữ bằng được hợp tác xã, vì còn rất nhiều người nghèo chưa có việc cần được giúp đỡ, tìm được chốn nương thân” - bà Cúc - Chủ nhiệm HTX chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm