Học trò của lớp học “đặc biệt” này là những phụ nữ đã lớn tuổi, đôi bàn tay chai sạn, chỉ quen cầm cái cuốc, cái dao lên nương rẫy, nay lóng ngóng khi cầm bút đưa từng nét chữ.
Hơn 1 năm nay, cứ mỗi tuần 3 buổi tối, dù bận rộn công việc nhưng các học viên lớp xóa mù chữ ở bản Bộng, xã Thành Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) vẫn sắp xếp thời gian đến lớp đúng giờ quy định. Ngôi nhà văn hóa thôn 6, xã Thành Sơn lại vang lên những tiếng đánh vần, viết chữ và làm những phép tính đơn giản.
Lớp học bắt đầu vào mỗi buổi tối lúc 19h30. Thầy giáo Đặng Đức Giang, giáo viên phụ trách lớp nắn nót viết lên bảng bài học “Quê hương” để 16 học viên là hội viên phụ nữ dân tộc Thái đến từ chi hội 6 và chi hội 8, xã Thành Sơn (Anh Sơn) theo dõi và tập viết theo.
Trong lớp học này, người ít tuổi nhất là 39, nhiều tuổi nhất cũng đã hơn 60 tuổi. Các học viên đều là nông dân, quanh năm vất vả với việc đồng áng, mùa vụ, nhưng từ khi có lớp học xóa mù chữ, họ lại trở nên bận rộn hơn, cái bận để đến lớp học từng con chữ. Những dòng chữ dần hiện lên trên trang vở, dù không đẹp, không nhanh, nhưng đó là cả một quá trình cần mẫn của các chị, các mẹ.
Dù năm nay đã 61 tuổi, có đủ cháu nội, ngoại, việc nhà khá bận rộn, nhưng trong vòng 1 năm qua, bà Lương Thị Bình (sinh năm 1957) vẫn đều đặn đến lớp mỗi tuần 3 buổi. Từ chỗ không biết 1 chữ nào, nay bà Bình đã có thể đọc được sách, báo. Bà chia sẻ: “Lúc tôi còn nhỏ, bố mẹ rất nghèo, không có điều kiện đến lớp như bạn bè. Lớn lên, lấy chồng, sinh con rồi lo kiếm sống, tôi càng không có điều kiện đi học. Nay điều kiện kinh tế không còn quá khó khăn, vất vả như trước, lại gặp dịp các thầy cô mở lớp xóa mù chữ nên tôi đăng ký học ngay”.
Ở tuổi 58, nhưng đây cũng là lần đầu tiên bà Lô Thị Mai (ở thôn 8) được đi học. “Do nhà nghèo nên tôi chẳng thể theo con chữ được nên đến giờ khi tuổi đã nhiều mà tôi vẫn chưa biết chữ. Giờ theo học lớp xóa mù chữ, tôi đã biết tính toán, biết đọc, biết viết rồi”.
Chị Lô Thị Tấm (ở thôn 6) cũng vui vẻ chia sẻ: “Nhờ tham gia lớp học, tôi đã đọc được tất cả các chữ trên các tờ báo, trên ti vi. Giờ tôi không còn có tâm lý dè dặt khi cầm bút vì mặc cảm không biết chữ nữa”.
Lớp học “đặc biệt” này có 14 học viên, chủ yếu là các bà, các chị dân tộc Thái. Do thời trẻ cuộc sống nghèo khó không có cơ hội đến lớp nên không biết chữ. Lớp học do các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Thành Sơn đảm nhiệm, được khai giảng từ tháng 11/2017. Sau hơn một năm, các học viên đã bắt đầu làm quen với chương trình lớp 3. Các học viên khi tham gia lớp học xóa mù chữ được hỗ trợ về sách, vở, dụng cụ học tập, phòng học và điện thắp sáng…
Ngoài ra, việc động viên tinh thần học viên, giáo viên cũng được quan tâm. Lãnh đạo Trường Tiểu học Thành Sơn cho biết, việc mở lớp và duy trì lớp học xóa mù chữ tuy gặp nhiều khó khăn như đối tượng học viên là người dân tộc thiểu số, độ tuổi không đồng đều, thời gian bị chi phối nhiều bởi công việc gia đình và đồng áng. Có nhiều học viên lần đầu cầm bút, tay còn cứng nên những nét chữ không được rõ ràng. Việc nhận biết mặt chữ cũng rất khó bởi có nhiều học viên tuổi đã cao, mắt đã mờ. Các giáo viên của trường thì đa phần ở xa, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn…. Nhưng bù lại, các học viên rất tích cực, nhiệt tình, tự giác, chăm chỉ học tập. Các thầy, cô giáo được phân công đứng lớp vào các buổi tối trong tuần luôn nhiệt tình, hăng hái để truyền đạt, giảng dạy cho các học viên ý nghĩa của từng con số, con chữ; còn các chị ở Hội phụ nữ và cán bộ thôn bản luôn theo sát và tạo mọi điều kiện để động viên các học viên tham gia lớp học một cách tích cực nhất. Đó chính là nguồn động viên lớn cho cả học viên và nhà trường.
Lớp học sau khi hoàn thành chương trình xóa mù chữ giai đoạn I, các học viên sẽ biết đọc, biết viết, biết tính toán, hiểu thêm về kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp; đồng thời, biết vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống, lao động sản xuất.
Trong quá trình học tập, một vấn đề mới đặt ra là phụ nữ không chỉ có nhu cầu biết đọc, biết viết mà nhiều người mong muốn được đọc sách, báo; có chị còn ước mình viết được ca khúc để hát về bản mình, xã mình... Nhờ lớp học này mà không ai tái mù chữ.
Chị Lương Thị Hảo - Chủ tịch Hội LHPN xã Thành Sơn - cho biết: “Số lượng chị em phụ nữ dân tộc Thái ở địa phương khá nhiều nên chịu những thiệt thòi nhất định, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin. Vì thế, việc mở và duy trì các lớp xóa mù chữ là thực sự cần thiết, giúp chị em không bị tụt hậu quá nhiều so với thời đại”.
Rời xã Thành Sơn, giữa tĩnh mịch của núi rừng biên ải, tiếng đánh vần, tiếng cười giòn tan của những học trò lớn tuổi vang lên chứa đựng niềm khát khao con chữ, khát khao hiểu biết của những người phụ nữ lớn tuổi nơi bản làng vùng biên xứ Nghệ.
Clip các bà, các mẹ tập đánh vần, làm phép tính đơn giản: