pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bà nội cải thiện sự tập trung cho cháu bằng một trò chơi đơn giản
Ảnh minh họa.
Mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu là câu chuyện muôn thuở. Đặc biệt, sau khi sinh con, mâu thuẫn này trở nên trầm trọng hơn do sự khác biệt về quan niệm nuôi dạy con cái giữa 2 thế hệ. Người trẻ thường chỉ trích phương pháp nuôi dạy con cái của ông bà cổ hủ, lỗi thời. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa tất cả các kinh nghiệm nuôi dạy của ông bà đều vô ích.
Có một số phương pháp nuôi dạy con cái ông bà tuy có vẻ lỗi thời nhưng lại rất thiết thực và mang lại hiệu quả cao như trong trường hợp dưới đây.
Mẹ chồng của cô Lý từng là giáo viên tiểu học với hơn 30 năm kinh nghiệm. Bà không chỉ hiền lành, khiêm tốn mà còn rất giỏi trong việc nuôi dạy một đứa trẻ. Bà đã biến đứa cháu hiếu động, thiếu tập trung trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn, chăm chú lắng nghe trong giờ học. Điều đó khiến cho cô Lý trầm trồ thán phục.
Được biết, ban đầu mẹ chồng và cô Lý cũng có nhiều mâu thuẫn trong cách dạy con. Cô Lý cho rằng, cách dạy con của ông bà lỗi thời, không thiết thực, không phù hợp với xã hội hiện nay.
Cô Lý là người rất tích cực, chịu khó trong việc tìm tòi những phương pháp giáo dục con cái hiện đại. Cô thường xuyên đọc sách, cho con tham gia các lớp học năng khiếu.
Một hôm, mẹ chồng của cô đến nhà chơi, ở được vài ngày thì bà nói thẳng cháu mình có vấn đề. Bà nói rằng: "Thằng bé tuy khỏe mạnh, lanh lợi nhưng rõ ràng có vấn đề về sự tập trung, chẳng làm được gì quá 3 phút, lại hơi nóng nảy".
Cô Lý không phủ nhận những gì mẹ chồng mình nói, còn cho rằng đứa trẻ nào cũng vậy, trẻ em thì phải hiếu động.
Sau đó, cô Lý nhớ lại giáo viên của con trai mình từng đề cập tới vấn đề này rằng: "Con trai cô trong lớp không tập trung nghe giảng, thường làm phiền các bạn".
Cô Lý cảm thấy lo lắng nhưng vẫn không chịu thừa nhận, cố chấp tranh cãi với mẹ chồng rồi thách thức bà thay đổi cháu mình. Không ngờ mẹ chồng đồng ý, còn nói rằng: "Sắp nghỉ hè rồi, con để cháu về quê với mẹ vài tháng. Mẹ sẽ thay con chăm sóc và cải thiện vấn đề này của thằng bé".
Cô Lý nghe vậy liền đồng ý, cô muốn tranh thủ dịp này để cho bản thân có thời gian nghỉ ngơi. Vốn dĩ cô Lý nghĩ rằng, mẹ chồng mình có kinh nghiệm dạy dỗ trẻ con, có lẽ sẽ tìm ra phương pháp nào đó thích hợp để cải thiện tình trạng của cháu. Điều không ngờ là cô thấy con mình chơi nhiều hơn học khi ở nhà bà nội.
Thấy phương pháp của mẹ chồng không được hiệu quả, cô Lý cân nhắc liệu có nên đón con trai trở về nhà không. Thế nhưng, mẹ chồng cô không giải thích gì nhiều trước sự nghi ngờ của con dâu. Sau 2 tháng, cô Lý đón con trở về thành phố để bắt đầu học kỳ mới.
Lúc này, điều khiến cô Lý ngạc nhiên là ngay sau học kỳ đầu tiên, con trai cô đã được giáo viên khen ngợi: "Thằng bé tiến bộ rất rõ, khả năng tập trung tăng đáng kể, trong lớp chú ý nghe giảng bài, không làm phiền các bạn nữa". Giáo viên cũng muốn biết cô Lý đã áp dụng cách nào khiến đứa trẻ thay đổi nhiều như vậy.
Cô Lý có chút xấu hổ và nói thằng: "Đây đều là công lao của mẹ chồng tôi".
Khi trở về nhà, cô Lý liền gọi điện thoại cho mẹ chồng hỏi đầu đuôi câu chuyện. Mẹ chồng cô nói rằng, cách làm của mình không có gì nổi bật nhưng mang lại hiệu quả cao, bà chỉ chơi trò chơi với cháu mình mỗi ngày.
Mẹ chồng cô Lý tiết lộ rằng, bà hay chơi trò dán sticker với cháu mình nhiều lần trong ngày. Sau khi dán xong thì dắt cháu ra ngoài chơi để tiêu hao năng lượng dư thừa, rồi khi về nhà lại tiếp tục chơi tiếp trò này. Trò này chơi 3 lần sáng, trưa, tối, mỗi lần 10 phút, dần dần nâng cấp độ khó lên nửa tiếng. Sau cùng, đứa trẻ có thể tự ngồi một mình chơi suốt cả buổi.
Trẻ em rất thích thú với trò dán sticker, dù là đi chơi bên ngoài hay chơi dán sticker đều khiến chúng trở nên ngoan ngoãn, nghe lời.
Qua lời giải thích của mẹ chồng, cô Lý nhận ra cách giáo dục con cái hiệu quả nhất là vừa học vừa chơi. Trẻ con chơi bên ngoài nhiều không chỉ nâng cao thể chất mà còn mở mang kiến thức, cải thiện khả năng tập trung và tư duy logic.
Khi chơi với miếng sticker, trẻ cần tập trung dán cẩn thận và suy nghĩ làm sao để dán chính xác. Trò chơi này không chỉ cần dùng tay mà còn cần sử dụng trí não, nâng dần theo cấp độ, khi hoàn thành xong trẻ sẽ có cảm giác đạt được thành tích, cải thiện sự tự tin.