Tháng 2/1920, số phận được phơi bày trong một buồng xép. Dưới ánh sáng yếu ớt của một ngọn nến, bà thầy bói nhìn đăm đăm vào quân bài. “Người này sẽ là Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ, nhưng sẽ không sống hết nhiệm kỳ! Ông ấy sẽ đột tử. Các vì sao không bao giờ nói dối...”, giọng nói ma quái thì thào.
Người phụ nữ ngồi đối diện lặng người, nhưng trấn tĩnh: “Tôi tin và tôi phải dẫn dắt ông ấy”. Bà là Florence Harding. Người đàn ông với quyền lực và đại hạn được báo trước là Warren G. Harding - chồng bà.
Kiên trì và sắc sảo sẽ nhận được điều mình muốn
Florence quen Warren G. Harding khi ông là một chủ báo trẻ, khá bảnh trai, được phụ nữ ngưỡng mộ. Bà là một phụ nữ đầy tham vọng, ham quyền lực với lý trí tỉnh táo và một bề ngoài bình dị. Năm 26 tuổi, bà ly dị đời chồng đầu và độc thân nuôi con. Tuy vậy, Florence vẫn chiến đấu và sớm nhận ra, bằng sự kiên trì và sắc sảo, bà sẽ nhận được những gì bà muốn. Bà muốn Warren Harding!
Nếu Warren hẹn hò với một phụ nữ khác, Florence sẽ đến ngồi cạnh hai người và nói không ngừng cho đến khi “đối thủ” phải rút lui. Sự gan lỳ là “gene trội” của bà làm Warren không còn lựa chọn nào khác. Ông ta nhận ra rằng, với người phụ nữ này có thể có tất cả, bởi đối với bà không gì quan trọng hơn sự nghiệp của ông ta.
“Đôi đũa lệch”
Họ kết hôn năm 1891. Florence không ở nhà nội trợ. Bà quản lý tài chính của tờ “Marion Star” của chồng, giúp tờ báo đạt số xuất bản kỷ lục và đem lại cho chồng một tài sản kếch sù. Bà tuyên bố: “Tôi chỉ có một ham thích đúng đắn - đó là chồng tôi”.
Warren giao cho bà mọi trách nhiệm. Ông ta dễ dãi, thích hội hè, giỏi ăn nói và luôn “khát” phiêu lưu tình dục, whisky và đánh bài, nhưng là người yếu bóng vía. Một sự pha trộn thú vị.
Warren gọi vợ là “Boss-sếp”, sau này là “Duchess-bà công tước”. 3 năm sau ngày cưới, Florence biết chồng có con riêng. Từ đó bà không rời ông ta nửa bước. Trong nhật ký, bà viết: “Một người vợ hạnh phúc không phải là người cưới được người đàn ông giỏi giang nhất thế giới, mà là người đủ thông minh để phát huy được cái giỏi giang nhất của chồng”. Florence đã làm như vậy.
“Nghe này Warren, thực ra tôi biết nhiều hơn ông!”
Bà thuyết phục Warren làm chính trị. Năm 1915, ông trở thành thượng nghị sĩ, 5 năm sau là ứng cử viên tổng thống. Warren ngập ngừng, cho rằng thần kinh chưa đủ vững cho vai trò đó. Ông ta còn luôn gặp vấn đề về tim. Nhưng Florence nhận được những gì bà muốn.
Bạn bè trong đảng của Warren ngại “bà công tước”, vì biết người phụ nữ này mạnh mẽ và thông minh hơn chồng. Florence tham gia mọi cuộc họp bàn chính trị và tạo dấu ấn bằng giọng nói áp đặt: “Nghe này Warren, thực ra, tôi biết nhiều hơn ông!”. Florence càng trói chặt ông chồng bao nhiêu thì những cú “vượt rào” của ông càng ngang nhiên bấy nhiêu.
Một đệ nhất phu nhân tỏa sáng
Tuy Florence bị bệnh thận, nhưng khi bà thầy bói tiên lượng một tương lai đệ nhất phu nhân thì tham vọng đã lớn hơn thể xác đau ốm của bà. Bà chấp nhận hết, ngay cả án tử hình lơ lửng trên đầu chồng, để ông trở thành tổng thống.
Trong trận chiến đó, Florence đã tỏa sáng, đã đấu tranh cho thương binh và quyền lợi của phụ nữ. Bà đã thành công khi lăng xê hình ảnh bà và Warren Harding là một khối thống nhất không thể chia lìa. 37 trong 48 bang đã bầu Warren G. Harding và Florence lại nhận được thứ bà muốn.
Florence Harding trở thành một đệ nhất phu nhân chói sáng. Bà chủ trì các cuộc họp báo, khích lệ phụ nữ học nghề nghiệp, chơi thể thao để bình đẳng với nam giới và vì thế bà là một tấm gương cho nhiều phụ nữ Mỹ.
Trong khi đó, Tổng thống chìm đắm trong những thèm khát cá nhân. Chưa bao giờ ông ta có thể rời khỏi rượu, cờ bạc và phụ nữ. Bạn bè và những người ủng hộ phải mở một quỹ để chi tiền “bịt miệng” những người tình của ông ta. Sau 2 năm lên ngôi, ông Tổng thống đã mệt mỏi, trao phần lớn quyền quyết định cho bà vợ có “gene trội” của ông ta.
Hồi kết đầy bí ẩn
Một chuyến kinh lý quanh nước Mỹ đã đặt dấu chấm hết cho số phận của cặp đũa lệch này. Florence nhất định muốn có chuyến đi để tăng thanh danh của ông chồng trong dân chúng. Ông này mệt mỏi lặn lội dọc bờ biển phía Tây nước Mỹ và chết trong khách sạn ở San Francisco ngày 2/8/1923.
Tình tiết cái chết đến nay vẫn là một bí ẩn. Florence, các bác sĩ và những người phục vụ, mỗi người đều có một câu chuyện khác nhau: Từ trụy tim, tai biến đến ngộ độc. Người ta đã không khám nghiệm tử thi.
Sau đó, cuộc chiến khốc liệt nhất của Florence bắt đầu. Bà phải rời Nhà Trắng và trở thành mục tiêu búa rìu dư luận. Những scandal của Chính phủ Harding bị đưa ra công luận, chồng bà bị lên án tham nhũng và tư lợi. Dân chúng đòi câu trả lời cho cái chết bí ẩn của Tổng thống. Tin đồn chính bà đầu độc chồng lan ra.
Florence đã tự tay đốt hơn một nửa số tài liệu và thư từ rắc rối của chồng. Trong tình trạng sức khỏe suy sụp, bà vật lộn giữ di sản chính trị của chồng, nhưng vô vọng: Năm 2003, tạp chí “Time Magazine” xếp Warren G. Harding vào Top Ten tổng thống tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ - trong khi bà được coi là một trong những những đệ nhất phu nhân chói sáng nhất.
Tháng 11/1924, chỉ 1 năm 4 tháng sau khi chồng chết, cựu đệ nhất phu nhân qua đời vì suy thận. Florence Harding được an táng tại quê ở Marion - cạnh ông chồng.
Florence Harding sinh ngày 15/8/1860, là con gái đầu lòng. trong khi bố bà rất muốn có 1 đứa con trai, nên ngay từ nhỏ, Florence đã phải “vào vai” đứa con trai đầu lòng. |
Với những ý tưởng tiến bộ và nữ tính, bà đã điều khiển chính sách của chồng và qua đó không chỉ biến đổi vai trò của một đệ nhất phu nhân, mà của tất cả phụ nữ Mỹ.
|
Sau khi chồng chết, bà nói: “Đối với tôi không còn gì để đáng sống nữa!”. |