Bắc Ninh tiếp tục phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập tỉnh

Quang Ngọc
22/04/2025 - 20:17
Bắc Ninh tiếp tục phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập tỉnh

Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Sáng 22/4, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức phiên họp tháng 4/2025. Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì.

Phiên họp tập trung thảo luận, cho ý kiến về Đề án sắp xếp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã tỉnh Bắc Ninh năm 2025.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu các Sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ có nội dung trong Đề án tiếp tục nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến bằng văn bản gửi về Sở Nội vụ chậm nhất đến 21h ngày 22/4.

Sau khi sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh mới tiếp tục phấn đấu xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí đô thị để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo lộ trình, đảm bảo tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương về diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 314,6%, tiêu chuẩn về quy mô dân số đạt tỷ lệ 241,3% so với quy định.

Bắc Ninh tiếp tục phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập tỉnh- Ảnh 1.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh Lê Hồng Phúc phát biểu tại phiên họp.

Sở Nội vụ tổng hợp, hoàn thiện Đề án hoàn chỉnh nhất để trình HĐND tỉnh vào ngày 25/4, ngay sau khi HĐND tỉnh thông qua, gửi báo cáo tới Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, việc sắp xếp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang là phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo tín ngưỡng do cùng có chung nguồn gốc lịch sử, cùng được tách ra từ tỉnh Hà Bắc.

Tỉnh Bắc Ninh (mới) có diện tích tự nhiên 4.718,6 km2; quy mô dân số 3.619.433 người; có 99 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc.

Nơi đặt trung tâm chính trị - hành chính tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, hiện nay.

Qua lấy ý kiến nhân dân, tổng số cử tri đại diện hộ gia đình của hai tỉnh đồng ý là 781.025 cử tri, đạt tỷ lệ 98,21%. Trong đó, cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đồng ý là 321.545 cử tri, đạt tỷ lệ 97,78%.

Bắc Ninh tiếp tục phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập tỉnh- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hằng (bên phải) tham dự phiên họp.

Đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, toàn tỉnh có tổng số 41 ĐVHC cấp xã mới gồm 20 phường, 21 xã; giảm 80 ĐVHC cấp xã (tương đương 66,11%), gồm 44 xã, 31 phường và 5 thị trấn. Qua lấy ý kiến nhân dân, tổng số cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý là 316,863 cử tri, đạt tỷ lệ 96,35%.

Sau sáp nhập tỉnh Bắc Ninh (mới) sẽ có quy mô kinh tế là 439,8 nghìn tỉ đồng, đứng thứ 5 cả nước, sau các địa phương: TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đồng Nai.

Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) vào chiều 16/4, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, sau khi sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh mới có vai trò, vị thế rất lớn, quy mô kinh tế đứng thứ 5 cả nước, đồng thời quy hoạch đến năm 2030 xây dựng Bắc Ninh mới trở thành đô thị thông minh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm