Bác sĩ 6 khoa hợp lực cứu mẹ con sản phụ thoát cửa tử

19/12/2018 - 21:47
Mắc hội chứng nguy hiểm khi mang thai, tính mạng của mẹ con chị V.H.N (31 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) rơi vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhờ sự nỗ lực của các thầy thuốc BV Bạch Mai, chị N. và con gái đã được cứu sống.

Ngày 19/12, BV Bạch Mai cho biết, vừa cứu mẹ con sản phụ N. Trở về từ “cửa tử”. Chị N. nhớ lại: Ngày 20/11, chị đi khám thai định kỳ tại BV Phụ sản Hà Nội và làm bộ xét nghiệm chuẩn bị sinh thì phát hiện có tình trạng rối loạn đông máu, suy gan và suy thận, đe dọa tính mạng của cả hai mẹ con. Ngay lập tức, chị được chuyển đến khoa Sản (BV Bạch Mai), nơi có nhiều chuyên khoa phối hợp để có cơ hội cao nhất cứu sống hai mẹ con.

anh-bach-mai1.jpg
Bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai thăm hỏi bệnh nhân N

 

Vào khoảng 21h ngày 22/11, bệnh nhân đang truyền huyết tương tươi đông lạnh thì xuất hiện rét run, khó thở, co thắt thanh quản. Ngay lập tức, bệnh nhân đã được xử trí theo phác đồ sốc phản vệ: Dừng truyền huyết tương, tiêm tĩnh mạch solumedrol, tiêm bắp adrenalin, duy trì đường tĩnh mạch và hội chẩn toàn viện, thống nhất chuyển bệnh nhân sang khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị, theo dõi sát tình trạng thai phụ và thai nhi. 

Tại đây, bệnh nhân tiếp tục được cho thở oxy, lọc máu liên tục, dùng kháng sinh liều cao. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán chị N. bị hội chứng HELLP, sốc phản vệ nặng với chế phẩm máu-suy đa tạng (rối loạn đông máu nặng, suy gan, suy thận, suy tuần hoàn). Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu lấy thai, tiếp tục truyền các chế phẩm máu trong và sau mổ.

anh-bach-mai2.jpg
Niềm vui của gia đình và các thầy thuốc khi hai mẹ con chị N được cứu sống và trở về đoàn tụ cùng người thân
 

 

Ngày 23/11, bệnh nhân được bác sĩ sản khoa mổ lấy thai với sự tham gia phối hợp của 5 khoa, trung tâm của BV Bạch Mai: Hồi sức tích cực, Nhi, Gây mê hồi sức, Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Huyết học truyền máu.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, khoa Nhi (BV Bạch Mai)-người trực tiếp hồi sức cấp cứu cho cháu bé ngay sau khi ra khỏi bụng mẹ cho biết: Tình trạng cháu bé lúc đó rất nặng, gần như không thở, tim đập rời rạc, toàn thân tím tái. “Chúng tôi đã tiến hành hồi sức tim phổi sơ sinh cấp cứu ngay tại phòng mổ, sau 3 phút, sức khỏe cháu đã tốt hơn, nhịp tim trên 100 lần/phút. Ngay lập tức bệnh nhi được chuyển về phòng sơ sinh khoa Nhi để tiếp tục hồi sức trong lồng ấp: Thở máy, truyền dịch, theo dõi 24/24”, bác sĩ Hiếu cho biết.

Sau 3 ngày chăm sóc tích cực, bệnh nhi đã ổn định và được ra khỏi lồng ấp, trẻ tự bú được 30-50ml sữa/bữa và đang tăng cân. Sau sinh, sản phụ tỉnh táo, tình trạng suy gan, suy thận dần ổn định, không khó thở, đi lại nhẹ nhàng. Ngày 10/12, chị N. được ra viện và hôm nay (19/12), chị và chồng đến khám lại và đón con gái xuất viện về nhà sau gần 1 tháng điều trị, chăm sóc tại khoa Nhi.

anh-bach-mai.jpg
Sau gần 1 tháng điều trị và chăm sóc tại khoa Nhi, cháu bé đã được xuất viện trong niềm vui của gia đình và các thầy thuốc

 

Sau gần 1 tháng điều trị và chăm sóc tại khoa Nhi, cháu bé đã được xuất viện trong niềm vui của cả gia đình và các thầy thuốc

Đánh giá về ca bệnh này, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai, cho biết: Cả mẹ và thai nhi đều được cứu sống trong tình huống hết sức khó khăn này là kết quả của sự phối kết hợp hiệu quả, đầy trách nhiệm của các thầy thuốc khoa Hồi sức tích cực, khoa Sản, khoa Nhi, khoa Gây mê hồi sức, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Trung tâm Huyết học truyền máu của BV Bạch Mai.

TS Cơ khuyến cáo, phụ nữ có thai nên kiểm tra thai định kỳ theo hướng dẫn của các chuyên gia sản khoa. Bởi các bệnh lý và biến chứng sản khoa là điều có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ và khi sinh nở. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, theo dõi và điều trị kịp thời.

Hội chứng HELLP (viết tắt của cụm từ syndrome of hemolysis, elevated liver enzymes and low platelets), là một hội chứng đặc trưng bởi các triệu chứng tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu. HELLP xảy ra với tần suất khoảng 0.5 - 0.9% ở phụ nữ có thai. Mặc dù đã được nghiên cứu kỹ trên mọi phương diện cùng với sự tiến bộ của y học nhưng cho đến nay, tỷ lệ tử vong của hội chứng này vẫn còn cao tới 25%.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm