Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức nói gì về thói quen vặn cổ, bẻ khớp tay khi bị đau mỏi?

Minh Ngọc
21/07/2021 - 15:30
Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức nói gì về thói quen vặn cổ, bẻ khớp tay khi bị đau mỏi?
Hiện nay, nhiều người có thói quen vặn cổ, bẻ khớp tay, xoay vai để cảm nhận được cảm giác dễ chịu khi phải ngồi lâu một chỗ, nhất là đối tượng dân văn phòng ít vận động. Tuy nhiên, điều này có tốt cho sức khỏe hay không?

1. Tỷ lệ mắc bệnh xương khớp ngày càng trẻ hóa

Với sự phát triển của điện thoại di động, máy tính khiến chúng ta dành hàng giờ để làm việc và giải trí, điều này tất yếu sẽ gây ra tình trạng đau mỏi vai gáy, vùng bả vai và các khớp tay. Tình trạng này càng xuất hiện thường xuyên hơn đối với dân văn phòng.

Khi gặp tình trạng này, đa số chúng ta sẽ vặn các khớp của vùng bị mỏi vì nghĩ rằng sẽ giúp khí huyết lưu thông, đem lại sự thoải mái, và có nhiều sự thật là cách làm này làm cơ thể dễ chịu hơn và tập trung làm nốt công việc còn lại. Tuy nhiên, việc làm này thực sự có lợi cho sức khỏe hay không và có tiềm ẩn nguy cơ nào không. Chuyên gia sẽ trả lời câu hỏi này dưới đây.

Thói quen vặn cổ, bẻ khớp tay khi bị đau mỏi có gây hại cho sức khỏe? Các chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Sai lầm khi vặn các khớp của vùng bị mỏi vì nghĩ rằng sẽ giúp khí huyết lưu thông - Ảnh: Internet

Đọc thêm:

Những tư thế ngồi làm việc đúng giúp hạn chế đau mỏi vai gáy ở dân văn phòng

Tê bì tay chân là bệnh gì? Chuyên gia nói gì về cảm giác tê bì ngón tay ở dân văn phòng?

2. Chuyên gia nói gì về thói quen bẻ khớp tay, khớp cổ?

TS. BS. Nguyễn Hoàng Long, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho rằng: “Việc bẻ khớp, xoay vặn vai gáy có thể tạo cảm giác khoan khoái cho cơ thể. Điều này xảy ra do chúng ta ngồi lâu ở một tư thế sẽ làm căng áp lực lên đĩa điểm cột sống. Việc xoay vặn giúp làm giảm áp lực này, khí đó nó khiến chúng ta cảm thấy thoải mái hơn”.

“Tuy nhiên, cảm giác thoải mái chỉ mang ý nghĩa tạm thời, khi thực hiện động tác vặn cổ, bẻ khớp tay quá mạnh và quá nhanh khiến cho các khớp bị trật ra khỏi các đốt sống dẫn tới việc thoái hóa khớp, thậm chí gây nên thoát vị đĩa điệm cột sống có thể xảy ra” - BS Long cảnh báo.

Việc bẻ khớp ngón tay, vặn cổ đột ngột còn dẫn đến việc phá hủy các cấu trúc sụn khớp và và tạo không gian trống giữa các khớp xương, áp suất giảm khiến chất hoạt dịch bị hút vào các khoảng trống gây ra tiếng rắc rắc mà chúng ta thường nghe.

Nếu chúng ta cứ tiếp tục thói quen này sẽ khiến các khớp ngày càng to lên gây tổn thương như: bong gân, trật khớp và đẩy nhanh quá trình lão hóa, chèn ép rễ thần kinh… Hơn nữa, việc này sẽ làm hao mòn tế bào sụn khiến các gai xương mọc ra, viêm sưng ngón tay. Điều này càng cảm nhận rõ rệt khi về già dễ bị thoái hóa khớp.

Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức nói gì về thói quen vặn cổ, bẻ khớp tay khi bị đau mỏi? - Ảnh 2.

Nếu chúng ta cứ tiếp tục thói quen này sẽ khiến các khớp ngày càng to dễ gây tổn thương - Ảnh: Internet

Ngoài ra, khi thường xuyên làm điều này sẽ dẫn đến tình trạng tụ máu hình thành cục máu đông, làm các đốt xương bị lệch gây ra các triệu chứng như thiếu máu não, đau đầu, chóng mặt...

Cũng theo Ths.BS. Nguyễn Thị Hằng - Chuyên khoa xương khớp, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y học cổ truyền Việt Nam cho rằng việc từ bỏ thói quen này cần thời gian làm quen từ từ. “Đầu tiên bạn nên cử động khớp vai, khớp tay nhẹ nhàng mà không để tạo ra tiếng động là được. Các động tác đơn giản như xoay cổ sang trái sang phải, gập lên xuống, duỗi ngón tay… sẽ kích thích lưu lượng máu đến các mô, giúp bạn cảm thấy dễ chịu mà vẫn tránh được các chấn thương”.

3. Lời khuyên giảm thiểu thói quen bẻ khớp tay, khớp cổ

Còn đối với TS.BS Hoàng Minh Đức, Bác sĩ ngoại khoa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã đưa ra một vài lời khuyên đối với những người đang làm công việc văn phòng, người bán hàng, thợ may… phải ngồi một chỗ nhưng không hay vận động:

Thứ nhất, người làm việc có thể đặt đồng hồ từ 15-30 phút 1 lần để tạo dần thói quen thay đổi tư thế thường xuyên. Sau khi thành thục thì bỏ việc đặt đồng hồ báo thức đi.

Thói quen vặn cổ, bẻ khớp tay khi bị đau mỏi có gây hại cho sức khỏe? Các chuyên gia nói gì? - Ảnh 3.

Tuyệt đối không nên bẻ khớp, đặc biệt là khớp ở cổ - Ảnh: Internet

Thứ hai, mỗi khi đau cổ vai gáy hay mỏi tay, chúng ta xoa, day vùng mỏi bằng các đầu ngón tay đối diện nhẹ nhàng, tránh bóp mạnh không những không giảm cơn mỏi mà còn tăng sự đau đớn do dây thần kinh bị chèn ép mạnh.

Thứ ba, nếu cơn đau không thuyên giảm hãy sử dụng khăn ấm chườm lên vai gáy, lưu ý nhiệt độ để không nóng quá gây bỏng da. Ngoài ra, bạn có thể tắm nước ấm cho giãn cơ, đây là cách phục hồi rất tốt vừa làm tinh thần sảng khoái trở lại.

Thứ tư, tham khảo các bài tập xoay vai, vặn cổ trên mạng, tập theo với biên độ phù hợp với cơ thể, không quay nhanh, liên tục tránh làm quá mạnh gây những chấn thương không đáng có.

Thứ năm: Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin D và canxi để bảo vệ xương khớp khỏe mạnh, những chất dinh dưỡng này có nhiều trong cá hồi, trứng và các loại rau họ cải…

Thứ sáu, ngồi làm việc tại nơi thoáng mát, có ánh sáng tự nhiên và tránh để điều hòa chiếu thẳng vào gáy, đầu của mình. Nếu ngồi gần điều hòa, bạn nên chuẩn bị thêm áo khoác có mũ hoặc 1 chiếc chăn mỏng để che phần gáy, đỉnh đầu của mình.

Ngoài ra, TS. BS. Nguyễn Hoàng Long cũng nhấn mạnh, nếu bạn gặp phải tình trạng mỏi cổ, vai gáy kéo dài mà không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi đã sử dụng các biện pháp vật lý trị liệu. Trường hợp này chúng ta nên sắp xếp thời gian đi khám càng sớm càng tốt tránh các tác động vào rễ thần kinh.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm