pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bác sĩ cảnh báo một loại rau gây hại cho sức khỏe nếu ăn quá nhiều
Ảnh minh họa
Dù là chuyên gia dinh dưỡng hay bác sĩ lâm sàng, khi đưa ra lời khuyên về thực phẩm tốt cho sức khỏe đều không bỏ qua rau màu xanh đậm. Tuy nhiên, một người đàn ông ở Trung Quốc đã suýt mất mạng chỉ vì ăn quá nhiều loại rau này.
Người chia sẻ ca bệnh này là Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa thận Hong Yongxiang. Khi tham gia chương trình sức khỏe có tên “Sống khỏe sống vui” (Trung Quốc) gần đây, ông đã đưa ra cảnh báo về tác dụng phụ khi ăn quá nhiều rau xanh đậm và kể về một trường hợp lâm sàng phải chạy thận cấp cứu vì thói quen này.
Cụ thể, bệnh nhân này là nam giới, đi khám tiểu đường thì phát hiện có một số dấu hiệu suy thận ở giai đoạn đầu. Trong quá trình điều trị, ông được khuyên nên chú ý hơn đến chế độ ăn uống. Ngoài việc kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể thì còn cần phải bổ sung thêm rau, trái cây và các thực phẩm tốt cho sức khỏe khác.
Tuy nhiên, chỉ nửa tháng sau đó, bác sĩ Hong vô tình gặp lại bệnh nhân này tại phòng cấp cứu trong trình trạng suy thận cấp phải lọc thận cấp cứu. Bản thân ông cũng khá bất ngờ vì không nghĩ rằng tình hình lại tiến triển xấu nhanh đến vậy. Nhất là khi báo cáo cập nhật tình hình bệnh nhân trực tuyến từ các y tá thì ông này cho biết mình ăn uống, sinh hoạt rất điều độ và cảm thấy sức khỏe đang tốt lên. Thật không ngờ, chỉ còn cách lịch tái khám mấy ngày thì lại xảy ra chuyện này.
Ảnh minh họa
Khi được đưa đi cấp cứu, chức năng thận không những không được cải thiện so với trước đó mà nồng độ kali trong cơ thể tăng vọt lên 7,5 mmol/L (bình thường là 3,5 - 5 mmol/L). Độ lọc cầu thận (GFR) giảm xuống rất thấp, chỉ dao động từ 10 đến 15 ml/phút trong khi chỉ số bình thường phải ở khoảng 90-100 ml/phút. Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng chóng mặt, vã mồ hôi, nhịp tim trung bình giảm xuống chỉ còn chưa đầy 40 nhịp/phút và phải chạy thận nhân tạo để cấp cứu.
Những lưu ý khi ăn rau màu xanh đậm
Sau khi tình trạng bệnh nhân dần ổn định lại, Tiến sĩ Hong đến thăm khám và tiến hành điều tra bệnh sử. Lúc này, ông mới rơm rớm nước mắt kể về thói quen ăn uống tưởng tốt mà hại cho sức khỏe của mình.
Hóa ra, sau khi nhận chẩn đoán nửa tháng trước bệnh nhân rất lo lắng và có tìm hỏi một chuyên gia dinh dưỡng làm tại phòng khám tư nhân gần nhà. Chuyên gia này cũng khuyên ông nên điều chỉnh chế độ ăn uống vì trước đây ông thường ít khi ăn rau xanh lẫn trái cây, trong đó tốt nhất là rau màu xanh đậm.
Lời khuyên từ chuyên gia không hề sai nhưng cách thực hiện của bệnh nhân thì lại sai. Cụ thể, vì muốn nhanh chóng cải thiện sức khỏe nên ông quyết định ăn rất nhiều rau xanh đậm mỗi ngày. Mấy ngày đầu, ông ăn chủ yếu là rau bina nhưng sau đó thấy cải bẹ xanh vừa rẻ vừa hợp với khẩu vị của mình hơn nên mua rất nhiều loại rau này tích trữ trong tủ lạnh.
Cứ như vậy, ba bữa một ngày trong suốt gần nửa tháng trời ông đều ăn cải bẹ xanh, mỗi lần còn ăn cả đĩa lớn. Thật không ngờ, cuối cùng chính kiểu ăn uống này lại khiến ông một phen “thập tử nhất sinh”.
Tiến sĩ Hong cho biết, đúng là rau màu xanh đậm tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn quá nhiều và thậm chí có thể gây nguy hiểm với một số người. Bởi vì hàm lượng ion kali trong các loại rau màu xanh đậm rất cao. Ví dụ như đối với cải bẹ xanh, cứ 100g cải bẹ xanh chứa 330g kali. Như vậy, nếu ăn quá nhiều sẽ gây tăng kali máu và có thể làm thận quá tải, phải chạy thận nhân tạo với những người thận yếu, mắc bệnh lý về thận hoặc làm nặng thêm tình trạng tiểu đường.
Cải bẹ xanh và các loại rau lá đậm khác có thể giúp tiêu phù, hạ huyết áp, thậm chí có tác dụng chống viêm, giảm nguy cơ ung thư ung thư. Tuy nhiên, ngay cả người khỏe mạnh, không mắc bệnh thận hay tiểu đường khi ăn quá nhiều cũng có khá nhiều tác dụng phụ. Bao gồm khó tiêu, đầy hơi, cả người nặng nề và mệt mỏi, táo bón, tiêu chảy, trào ngược axit dạ dày, tăng nguy cơ mắc sỏi thận, rối loạn dinh dưỡng…
Ngoài ra, Tiến sĩ Hong còn nhắc nhở người có thận yếu, bị suy thận nên tránh xa hoặc ăn ít một số loại trái cây giàu kali khác như khế, cà chua, nho khô, mận, chuối… để bảo vệ sức khỏe.