Bác sĩ chuyên khoa giải đáp "cường giáp có thể trở thành ung thư không?"

Đậu Đậu
27/04/2023 - 11:37
Bác sĩ chuyên khoa giải đáp "cường giáp có thể trở thành ung thư không?"

Khi mắc bệnh Basedow, hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ tạo ra các kháng thể được gọi là globulin gắn vào các tế bào tuyến giáp khỏe mạnh

Cường giáp là một hội chứng xảy ra khi tuyến giáp tiết quá dư thừa lượng hormone so với nhu cầu của cơ thể. Bệnh gây ra cường giáp thường gặp nhất đó là Basedow.

Cường giáp có thể trở thành ung thư không?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết rất quan trọng trong cơ thể, nằm ở phía trước cổ. Vai trò của tuyến giáp đó là tiết ra hormone và được vận chuyển đến các tế bào cơ thể thông qua các mạch máu để kiểm soát sự trao đổi chất trong cơ thể.

ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn (chuyên ngành Ung bướu, Giảng viên Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Cường giáp là một hội chứng xảy ra khi tuyến giáp tiết quá dư thừa lượng hormone so với nhu cầu của cơ thể. Bệnh gây ra cường giáp thường gặp nhất đó là Basedow. 

Khi mắc bệnh Basedow, hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ tạo ra các kháng thể được gọi là globulin gắn vào các tế bào tuyến giáp khỏe mạnh. Chúng có thể khiến tuyến giáp của bạn tạo ra quá nhiều hormone tuyến giáp. Hormone này gây ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm hệ thống thần kinh, phát triển não bộ, nhiệt độ cơ thể và các yếu tố quan trọng khác. Bệnh Basedow thường gặp ở phụ nữ độ tuổi từ 20 đến 40, nhưng cũng có thể xuất hiện ở nam và bất kỳ độ tuổi nào.

benh-cuong-giap.jpg

Bệnh Basedow thường gặp ở phụ nữ độ tuổi từ 20 đến 40, nhưng cũng có thể xuất hiện ở nam và bất kỳ độ tuổi nào.

Trả lời về câu hỏi "cường giáp có thể dẫn đến ung thư hay không?", ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn cho hay: "Về mặt cơ chế bệnh sinh, cường giáp không phải là nguyên nhân gây nên ung thư tuyến giáp. Thế nhưng các nghiên cứu đã quan sát rất nhiều bệnh nhân trên nền Basedow thì người ta thấy rằng: Nếu như trên nền Basedow mà có nhân đặc ở tuyến giáp thì các nhân này có rủi ro ung thư cao hơn so với các trường hợp thông thường khác".

Do đó, bác sĩ khuyên những người bệnh đang điều trị bệnh Basedow hoặc điều trị đã ổn định thì cũng không nên chủ quan, cần phải khám định kỳ. Trong đó phải siêu âm tuyến giáp, để nếu như xuất hiện khối u có thể là ung thư thì sẽ điều trị sớm và hiệu quả.

Triệu chứng nhận biết bệnh Basedow là gì?

Cũng theo ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn, bệnh Basedow có nhiều triệu chứng giống nhau, có thể bao gồm:

- Run tay

- Giảm cân

- Nhịp tim nhanh, hồi hộp

- Mệt mỏi, cáu gắt

- Yếu cơ

- Bướu cổ (sưng ở tuyến giáp)

- Tiêu chảy hoặc tăng tần suất trong nhu động ruột

- Khó ngủ

- Bệnh da liễu Basedow: Một tỷ lệ nhỏ những người mắc bệnh Basedow có triệu chứng đỏ, dày da quanh vùng ống chân.

- Bệnh nhãn khoa Basedow: Mắt bệnh nhân có thể mở rộng do mí mắt co lại. Sau đó có dấu hiệu bị lồi. 

"Ước tính rằng có tới 30% những người mắc bệnh Basedow sẽ bị bệnh mắt Basedow nhẹ và 5% sẽ bị nặng. Các ca Basedow nhìn rõ cổ to, 20% không thấy cổ to do bướu nhỏ hoặc phình to vào trung thất (bên trong lồng ngực) nhưng vẫn đủ các triệu chứng cường giáp - gọi là Basedow thể ẩn", bác sĩ Tuấn nói.

Khi bị cường giáp, người bệnh có thể dùng thuốc chống tuyến giáp, liệu pháp iốt phóng xạ (RAI) hoặc phẫu thuật tuyến giáp. Các bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu các phương pháp trước đó không hiệu quả, hoặc nghi ngờ là ung thư tuyến giáp, hoặc người bệnh đang mang thai. ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn khuyến cáo những người có các dấu hiệu bên trên nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa ung bướu, nội tiết càng sớm càng tốt để được thăm khám, điều trị.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm