pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bác sĩ giải thích về nguy cơ cục máu đông sau tiêm vaccine AstraZeneca
Ảnh minh họa: T. Thu
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn - Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, máu đông và giảm tiểu cầu không phải là một bệnh lý riêng biệt, mà là các triệu chứng có thể gặp trong nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau.
"Máu đông, hay hình thành cục máu đông (huyết khối) trong lòng mạch máu, có thể xảy ra ở tĩnh mạch hoặc động mạch. Nếu huyết khối gây tắc nghẽn lưu thông máu, sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, tắc mạch phổi. Còn giảm tiểu cầu nghĩa là số lượng tiểu cầu - đóng vai trò thiết yếu trong các giai đoạn đông máu nhất định - bị giảm xuống. Tình trạng này làm tăng nguy cơ chảy máu khó cầm khi bị tổn thương hay chấn thương", bác sĩ Trương Hồng Sơn cho biết.
Tuy nhiên, khi AstraZeneca thừa nhận các triệu chứng hiếm gặp đối với vaccine của hãng này, nhiều người bắt đầu lo lắng liệu có gặp các vấn đề về đông máu hay giảm tiểu cầu hay không, bởi cách đây 2 năm không ít người đã tiêm vaccine để phòng ngừa Covid-19.
Bác sĩ Trương Hồng Sơn cho biết, trước khi đưa vaccine Covid-19 AstraZeneca vào Việt Nam để tiêm chủng, Bộ Y tế đã rất thận trọng đưa ra những quy trình tiêm chủng nghiêm ngặt; đồng thời, hãng AstraZeneca cũng có cảnh báo về những nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ hiếm gặp. Nghiên cứu được tiến hành trên thế giới cho thấy sự chênh lệch về tỉ lệ người bị huyết khối trước và sau khi triển khai chiến dịch tiêm chủng là rất thấp.
"Nếu bạn đã tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca từ cách đây 2 năm và không gặp bất kỳ vấn đề gì về máu đông hay giảm tiểu cầu trong thời gian đó, thì hiện nay bạn không cần quá lo lắng về vấn đề này. Các trường hợp hiếm gặp về cục máu đông kèm giảm tiểu cầu liên quan đến loại vaccine thường xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi tiêm. Nếu đã qua khoảng thời gian này mà không có bất kỳ triệu chứng nào, thì nguy cơ gặp tác dụng phụ đã qua", bác sĩ Trương Hồng Sơn thông tin.
Bác sĩ Trương Hồng Sơn cũng khuyến cáo, để đề phòng đông máu, giảm tiểu cầu, mỗi người cần thay đổi về lối sống và điều chỉnh chế độ ăn uống thực hiện tại nhà để giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông và cải thiện sức khỏe tim mạch. Cụ thể, mỗi người cần duy trì lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống đa dạng, tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Cụ thể, nên tập thể dục 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần. Tốt nhất là các bài tập aerobic giúp tim bơm máu nhanh hơn như đi bộ, đạp xe, bơi lội.
Tránh duy trì tư thế nằm hoặc ngồi quá lâu không vận động. Khi đi máy bay, ô tô quãng đường dài, nên vận động chân tay thường xuyên bằng cách ngọ nguậy các ngón chân, xoay cổ chân, di chuyển chân lên xuống nhiều nhất có thể.
Cùng với đó là kiểm tra sức khỏe thường xuyên để hiện và điều trị sớm các bệnh lý liên quan như tim mạch, rối loạn đông máu, tuân thủ điều trị các bệnh mạn tính. Sử dụng thuốc đúng cách theo chỉ định của bác sĩ, thông báo với bác sĩ nếu bạn đang dùng thuốc ảnh hưởng đến đông máu. Theo dõi các dấu hiệu bất thường như đau sưng các chi, khó thở, chảy máu bất thường.
"Đi khám định kỳ, chấp hành sàng lọc để phát hiện sớm bệnh lý. Bằng cách này, nguy cơ máu đông và giảm tiểu cầu sẽ được kiểm soát tốt hơn. Nếu xuất hiện các dấu hiệu máu đông, giảm tiểu cầu, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, theo dõi và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Trương Hồng Sơn khuyến nghị.
Tháng 4/2021, Bộ Y tế Việt Nam ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vaccine Covid-19 (kèm theo Quyết định số 1966). Theo Bộ Y tế, thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vaccine Covid-19 của Astrazeneca và Johnson & Johnson đã được ghi nhận trong các báo cáo của các cơ quan quản lý dược và tổ chức giám sát an toàn vaccine tại nhiều quốc gia. Tổ chức Y tế thế giới đã yêu cầu cảnh giác, theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời những biến cố hiếm gặp ở người sau tiêm vaccine Covid-19 nghi ngờ giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch, đông máu rải rác trong lòng mạch, huyết khối tĩnh mạch não.