Trưởng khoa Cấp cứu kể về gần 1 tháng bám trụ bệnh viện chống dịch SARS-CoV-2

Trần Hiếu (Thực hiện)
27/02/2020 - 14:06
Trưởng khoa Cấp cứu kể về gần 1 tháng bám trụ bệnh viện chống dịch SARS-CoV-2
"Người ta ngủ chăn ấm nệm êm, còn tôi gần 1 tháng làm bạn với chiếc đi-văng. Ban đầu có hơi đau lưng nhưng mãi rồi cũng quen" - TS Nguyễn Trung Cấp (Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), một trong những người ngày đêm điều trị cho bệnh nhân SARS-CoV-2, chia sẻ.

Từ khi bệnh viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 bùng phát tại Trung Quốc, Việt Nam đã chuẩn bị các phương án đối phó. Khi Việt Nam có ca nhiễm bệnh, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ là cơ sở y tế hàng đầu tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân. TS Nguyễn Trung Cấp một trong những người ngày đêm đối mặt dịch bệnh để điều trị cho bệnh nhân. Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, PNVN đã có trao đổi với bác sĩ Nguyễn Trung Cấp.

- Bác sĩ có thể chia sẻ về điều trị cho các bệnh nhân SARS-CoV-2?

Từ trước Tết Nguyên đán, khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, chúng tôi đã nghiên cứu, để tìm hướng điều trị, nếu có người Việt mắc SARS-CoV-2. Tối 29 Tết, khi có ca bệnh đầu tiên chuyển vào BV cách ly, tôi đã mang quần áo vào BV bắt đầu hành trình chiến đấu vì sức khỏe người bệnh. Tính đến nay, Khoa đã tiếp nhận và điều trị thành công cho 5 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 và tất cả đều đã được xuất viện. Tuy nhiên, cũng cần phải nói là 5 bệnh nhân nhiễm bệnh chưa phải trong tình trạng nặng. Ví như mới có 2 bệnh nhân có biểu hiện viêm phổi nhẹ, còn các bệnh nhân khác có biểu hiện ho, sốt. Vì thế, việc điều trị không gặp nhiều khó khăn.

Ngoài điều trị, chúng tôi còn khám, sàng lọc tổ chức hoạt động cách ly, đảm bảo an toàn cho cán bộ công nhân viên, tập huấn cho người lao động... các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Trưởng khoa Cấp cứu kể về gần 1 tháng bám trụ bệnh viện chống dịch SARS-CoV-2 - Ảnh 1.

TS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ

- Việc cách ly tại BV được thực hiện như thế nào, thưa bác sĩ?

BV bố trí 3 vòng chăm sóc người bệnh. Vòng trong cùng là người trực tiếp tiếp xúc với người bệnh tại buồng cách ly. Vòng thứ hai là những người cung cấp đồ dùng, phục vụ các bữa ăn cho người bệnh và vòng ngoài làm hậu cần.

Tại Khoa, các điều dưỡng chia 4 tua trực, mỗi tua có 3 người và có 1 người được phân công chăm sóc ở vòng trong cùng cho người bệnh. Tôi là người chịu trách nhiệm và làm việc trong cả 3 vòng ấy. Rất may là các bệnh nhân rất tuân thủ điều trị và phối hợp tốt với các y, bác sĩ.

- Những ngày qua, tình trạng khan hiếm khẩu trang xảy ra khắp mọi nơi, kể cả trong BV. Vậy, BV của bác sĩ có gặp chuyện này không?

Có chứ. Với y, bác sĩ khẩu trang là vấn đề quan trọng số 1. Tuy nhiên, trong những ngày Tết, BV chúng tôi gần hết khẩu trang. Đến ngày mùng 2 Tết, cả viện chỉ còn 20 chiếc khẩu trang N95, đủ dùng cho một ngày. Chúng tôi có đi mua cũng không được, bởi các quầy thuốc, nhà thuốc đã đóng cửa, còn các đơn vị y tế đã ngừng cung cấp vật tư y tế do nghỉ Tết. Chúng tôi phải cấp tốc thông tin sang Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ (Bộ Y tế) để xin hỗ trợ. Rất may, bên ấy còn một ít khẩu trang nên họ hỗ trợ cho chúng tôi 200 chiếc, đủ dùng thêm vài ngày cho đến khi các đơn vị cung cấp vật tư đi làm trở lại.

- So với dịch SARS thì bệnh viêm phổi cấp do SARS-CoV-2 có khác biệt gì không?

Dịch bệnh SARS năm 2002-2003 thật sự là khó lường, khiến tất cả y, bác sĩ hoảng loạn. Bởi lúc đó, trong hơn 1 tháng đầu tiên, cả thế giới đều chưa biết nó là cái gì. Phải hơn 1 tháng sau, các nhà khoa học mới xác định được đó là SARS, rồi mới tìm cách điều trị. Còn với dịch cúm do SARS-CoV-2, chỉ vài ngày giới y khoa đã xác định được virus gây bệnh. Phía Trung Quốc cũng đã nhanh chóng giải trình tự gene của virus. Vì thế, các bác sĩ cũng đã biết thủ phạm gây bệnh từ rất sớm nên có hướng phòng và điều trị tốt hơn.

Vừa điều trị cho người bệnh, vừa lo bị làm phiền

- Vậy tại sao số bệnh nhân ở Trung Quốc lại mắc và tử vong nhiều, thưa bác sĩ?

Bác sĩ gần 1 tháng bám trụ bệnh viện chống dịch SARS-CoV-2 - Ảnh 2.

TS Nguyễn Trung Cấp (phải) chúc mừng bệnh nhân khỏi SARS-CoV-2 và được xuất viện

Tôi cho rằng, việc thiếu trang thiết bị, thiếu nhân lực ngành y là nguyên nhân khiến dịch bệnh tăng nhanh. Bản thân y, bác sĩ ở Vũ Hán cũng thiếu vật tư, thiết bị bảo hộ nhiền dẫn đến việc nhiễm bệnh. Mãi sau, Chính phủ Trung Quốc mới điều động hàng chục ngàn y, bác sĩ từ nơi khác về Vũ Hán nói riêng và tỉnh Hồ Bắc nói chung rồi xây dựng BV dã chiến. Lúc ấy, thì bệnh đã lây lan mạnh rồi.

Bác sĩ là đối tượng dễ bị lây nhiễm bệnh nhất bởi hàng ngày tiếp xúc với bệnh nhân. Về biện pháp bảo vệ ai cũng biết, nhưng nếu ở cường độ vừa phải, mọi người sẽ có thể tuân thủ việc tự bảo vệ bản thân. Tại Vũ Hán, khi bị quá tải, các bác sĩ kiệt sức vì mệt mỏi sẽ không thể tuân thủ các bước an toàn. Ví như, chi tiết nhỏ nhất là cởi bỏ cái găng tay cũng phải tuân thủ quy trình của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban hành nếu không nhân viên y tế cũng rất dễ lây bệnh.

Với bản thân tôi, tôi chưa xét nghiệm virus SARS-CoV-2, bởi ngoài việc tự bảo vệ mình, tôi không có các triệu chứng như sốt, ho khan, khó thở. Nếu có các triệu chứng đó, tôi cũng sẽ đi xét nghiệm ngay.

- Khi điều trị cho bệnh nhân nhiễm bệnh, tâm lý của bác sĩ nói riêng và của các y bác sĩ Khoa Cấp cứu như thế nào?

Dịch xuất hiện ở Việt Nam vào đúng dịp Tết Nguyên đán nên việc đảm bảo cung ứng dịch vụ ăn uống cho người bệnh không hề dễ. Các cơ sở dịch vụ bên ngoài lại đóng cửa hết, nhân viên chúng tôi cũng có một số bộ phận nghỉ Tết, những người còn lại bị quá tải chẳng thể nấu cơm phục vụ họ được. Hơn nữa, ban đầu việc xét nghiệm lâu có kết quả. Có những bệnh nhân phải mất vài ngày mới cho kết quả xét nghiệm nên một số người bức xúc. Rất may từ ngày 31/1, chuỗi mồi để làm xét nghiệm đã được Nhật Bản hỗ trợ nên xét nghiệm chỉ trong 1 ngày là có kết quả. Bệnh nhân đỡ bức xúc hơn, chúng tôi cũng đỡ căng thăng hơn.

- Điều gì làm bác sĩ "khó chịu" nhất trong quá trình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân?

Khi Bộ Y tế chưa có đường dây nóng, Bộ đã tạm thời sử dụng đường dây nóng của BV để cung cấp thông tin dịch bệnh cho người dân. Là lãnh đạo khoa nên tôi cũng được giao nhiệm vụ trực đường dây nóng. Tuy nhiên, trong những lúc "nước sôi lửa bỏng" như vậy, tôi và các đồng nghiệp vẫn liên tục bị làm phiền. Mấy ngày đầu, tôi quá tải vì một số người gọi lên đường dây nóng để trêu chọc. Một số đối tượng còn có hành vi phá hoại, vào BV quấy rối, hạch sách các bác sĩ đang làm nhiệm vụ chống dịch. Trong khi ấy, tôi còn điều trị cho 200 bệnh nhân khác nữa. Không những thế, chúng tôi còn phải đi xử lý quá nhiều fake news (tin giả). Lúc đó, chúng tôi quá mệt mỏi, kiệt sức. Tôi đã phải viết vài dòng lên facebook để giải tỏa áp lực.

- Bác sĩ đánh giá về y tế dự phòng của Việt Nam như thế nào?

Đến ngày 25/2, 16/16 bệnh nhân mắc SARS-CoV-2 ở Việt Nam đã xuất viện. Đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tôi cho rằng, hệ thống y tế dự phòng và hệ thống điều trị đã phối hợp với nhau rất tốt. Theo đó, hệ thống dự phòng đã vận hành quy trình đón bệnh nhân trơn tru và an toàn. Các BV tuyến huyện, tuyến tỉnh cũng đã làm rất tốt công việc phân loại, cách ly và điều trị các ca nghi nhiễm. Điều đó cho thấy, y tế Việt Nam đã có bước phát triển.

Ngắm hoa để giải tỏa stress

- Trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ có sợ lây nhiễm cho người thân?

Gần 1 tháng chiến đấu với dịch bệnh, tôi chưa từng về nhà. Thi thoảng, có gọi điện về cho vợ con. Vợ cũng hiểu và thông cảm cho công việc của mình nên động viên chồng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Gia đình, người thân cũng thế. Tuy nhiên, dịch bệnh này đang khiến nhiều người nghi ngại nên có lẽ hàng xóm cũng nhìn mình với ánh mắt khác.

Trưởng khoa Cấp cứu kể về gần 1 tháng bám trụ bệnh viện chống dịch SARS-CoV-2 - Ảnh 3.

TS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ

- Gần 1 tháng không về nhà, vậy sinh hoạt của bác sĩ có bị ảnh hưởng?

Sinh hoạt đảo lộn hết. Công việc hàng ngày của tôi sáng giao ban, rồi đi thăm phòng bệnh, làm việc với cấp trên. Khi có đoàn đi công tác các tỉnh nếu họ cần mình là lại lên đường. Tôi đi để hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn cách ly tại địa phương và các biện pháp dự phòng.

Trước Tết, tóc tôi cũng đã dài nhưng nhiều việc quá nên dự tính sau Tết sẽ cắt. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa cắt được vì mải chiến đấu với dịch bệnh.

Ở BV, tôi có một phòng làm việc nhỏ, đủ kê một chiếc bàn làm việc và một chiếc đi-văng. Sau một ngày làm việc, tôi về phòng ngủ tạm trên đi - văng ấy. Người ta ngủ chăn ấm nệm êm, còn tôi gần 1 tháng làm bạn với chiếc đi-văng. Ban đầu có hơi đau lưng nhưng mãi rồi cũng quen.

- Lúc mệt mỏi, căng thẳng vì công việc, bác sĩ thường làm gì để giải tỏa stress?

Cơ sở 2 của BV Bệnh Nhiệt đới TƯ gần cánh đồng hoa Mê Linh. Thường từ 16h30, nếu không còn việc, tôi lại chạy xe ra cánh đồng hoa ngồi thư giãn. Tôi ngồi một mình, ngắm hoa, ngắm trời đất, đôi lúc nằm bệt xuống cỏ chẳng suy nghĩ gì cho đỡ căng thẳng. Khi nhá nhem tối, tôi quay về BV.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm