pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bác sĩ nhắc nhở 3 tư thế ngồi gây hại cho cột sống
Ảnh minh họa
Các chuyên gia sức khỏe cho biết, cách mà chúng ta ngồi hàng ngày có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe xương khớp. Nếu ngồi sai cách, không chỉ cột sống mà rất nhiều vùng xương khớp khác có thể bị chấn thương, biến dạng hoặc nhanh lão hóa hơn.
Để chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, chương trình y tế trực tuyến “Health 2.0” (Trung Quốc) đã mời bác sĩ xương khớp - vật lý trị liệu Hou Zhongbao làm khách mời. Bác sĩ Hou cho biết, bản thân ông cảm thấy rất lo lắng vì ngày càng nhiều người trẻ tuổi gặp vấn đề với xương khớp. Ví dụ như cong vẹo hay biến dạng cột sống, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, thoái hóa đốt sốt cổ, viêm khớp gối…
Ông cũng chia sẻ rằng rất nhiều bệnh nhân tìm đến mình còn ở lứa tuổi đôi mươi, thậm chí có cả học sinh tiểu học. Tìm hiểu nguyên nhân cho thấy ngồi sai tư thế là một trong những lý do chính gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, điều khiến ông quan ngại hơn cả là rất nhiều người biết rằng tư thế ngồi của mình là sai nhưng vì đã hình thành thói quen hoặc cảm thấy thoải mái mà không muốn sửa. Nhất là 3 kiểu ngồi sau đây:
1. Ngồi bắt chéo chân
Bắt chéo chân là một tư thế ngồi phổ biến ở nữ giới hơn so với nam giới. Tuy nhiên, phía sau “vẻ bề ngoài” thanh lịch, quý phái thì kiểu ngồi này rất có hại cho cột sống cũng như xương chậu.
Bác sĩ Hou Zhongbao phân tích, kiểu ngồi này lâu ngày sẽ làm lệch cột sống và chèn ép các dây thần kinh vùng chậu. Ngoài đau đớn thì còn có thể dẫn tới sai lệch cột sống, đốt sống cổ. Trường hợp nặng còn gây biến dạng, tổn thương, liệt cột sống.
Nó cũng làm mất cân bằng áp lực lên khung xương chậu, gây ra các vấn đề như đĩa đệm và đau thần kinh tọa. Thậm chí có thể tổn thương dây thần kinh gây ra giảm khả năng vận động, tê liệt tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Ngoài ra, ngồi bắt chéo chân còn có thể ảnh hưởng xấu tới hình thể, chức năng tiểu tiện và chức năng sinh sản. Nghiên cứu của Trung tâm y tế Cornell (Mỹ) đã chỉ ra rằng ngồi bắt chéo chân sẽ làm tăng nhiệt độ của túi tinh, do đó làm chậm tốc độ sản xuất tinh trùng ở nam giới. Còn nữ giới ngồi như vậy lâu ngày cũng khiến cơ sàn chậu giảm đàn hồi, không tốt cho quan hệ tình dục cũng như sinh nở. Còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa.
2. Ngồi gục đầu lên bàn
Đây là một tư thế ngồi thường gặp ở rất nhiều người trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên và dân văn phòng. Lý do là vì các đối tượng này thường xuyên phải ngồi học tập, làm việc nhiều giờ trước bàn học, bàn làm việc. Khi mỏi quá thường có xu hướng cong lưng, rướn người về phía trước sau đó gục đầu lên bàn để nghỉ ngơi.
Cũng vì thời gian hạn chế và không gian chật hẹp mà họ thường dùng tư thế này khi nghỉ giải lao, tranh thủ ngủ trưa. Số khác thì thích ngồi như vậy để sử dụng điện thoại thoải mái hơn, không mỏi tay nhờ có mặt phẳng là bàn chống đỡ.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, rất tiếc phải thông báo rằng những tác dụng cho xương khớp mà bạn nghĩ về kiểu ngồi này đều hoàn toàn phản khoa học. Bác sĩ Hou Zhongbao cho biết, thay vì thư giãn xương khớp như nhiều người nghĩ thì kiểu ngồi này gây cong vẹo đốt sống cổ và cột sống thắt lưng.
Nếu bạn cong cột sống về phía trước quá nhiều hoặc nghiêng sang một bên, nhất là khi ngồi trên ghế quá thấp hoặc quá cao thì chấn thương cột sống là chuyện khó tránh khỏi. Ngoài ra, kiểu ngồi tưởng chừng thoải mái này còn kéo căng các dây thần kinh quá mức, gây thoát vị đĩa đệm. Nó cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, tim mạch và mạch máu não.
3. Ngồi ngả lưng quá sâu
Thêm một tư thế ngồi tưởng thoải mái nhưng hại cột sống vô cùng nữa là ngồi ngả lưng ra sau quá nhiều hoặc thậm chí là nửa nằm nửa ngồi. Kiểu ngồi này thường xuất hiện khi chúng ta sử dụng ghế sofa, nghịch điện thoại trên giường trước khi đi ngủ, ngồi xe đường dài….
Theo giải thích từ bác sĩ Hou Zhongbao, cột sống thắt lưng lúc này bị cong về phía sau trong khi tư thế bình thường của nó là đường thẳng hoặc cong nhẹ về phía trước. Điều này khiến cho các đốt sống, địa đệm, dây thần kinh phải làm việc quá sức. Từ đó dễ dẫn tới bị thoái hóa đốt sống, đĩa đệm trở nên kém đàn hồi, các dây thần kinh cũng dễ bị tổn thương hơn.
Chưa kể tới, kiểu ngồi này còn làm cho xương cụt chịu áp lực rất lớn, bị cong về phía trước quá nhiều. Có thể dẫn tới chấn thương hoặc nhanh lão hóa. Xương chậu cũng bị ảnh hưởng tiêu cực, lâu ngày có thể dẫn tới giảm đàn hồi cơ sàn chậu khiến bất thường khi tiểu tiện xảy ra hoặc giảm khoái cảm khi quan hệ tình dục.
Ảnh minh họa
Ngoài các kiểu ngồi trên, bác sĩ Hou Zhongbao còn nhắc nhở chúng ta lưu ý một số tư thế khác có thể gây chấn thương cột sống trong sinh hoạt hàng ngày. Bao gồm cúi cong người để nhấc vật nặng, ngồi xổm quá nhanh khi nhặt đồ dưới đất, vùi mình trong ghế sofa có độ lún quá sâu, đeo cặp hoặc túi xách nặng lệch về một bên…
Tốt nhất là không nên ngồi quá lâu một chỗ hoặc ngồi quá nhiều giờ mỗi ngày. Nếu không, ít nhất hãy ngồi đúng cách. Đó là ngồi thẳng lưng và nhìn về phía trước mà không gồng căng cổ. Hai cánh tay và vai thả lỏng, mắt cách vật cần nhìn ít nhất 45cm. Đầu, cổ, lưng và eo nằm trên 1 đường thẳng.
Về phần chân, hãy giữ khoảng cách giữa mặt sau của đầu gối và ghế ngồi ít nhất 10cm, đầu gối và bắp chân tạo thành góc 90 độ hoặc hơn một chút. Hạn chế ngồi bắt chéo đầu gối hoặc mắt cá chân. Cũng không nên rung chân và nên đứng dậy đi lại hoặc tập duỗi chân nhẹ nhàng 30 phút 1 lần để mạch máu luôn lưu thông, xương khớp khỏe mạnh.