pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bác sĩ Phụ sản chỉ cách phát hiện sớm và can thiệp kịp thời tai biến sản khoa
Theo các thống kê, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 515.000 phụ nữ tử vong trong quá trình mang thai và sinh nở. Tại Việt Nam, gần 800 bà mẹ tử vong hàng năm do các tai biến sản khoa có thể phòng ngừa hoặc điều trị sớm. Bên cạnh đó, vẫn có gần 2 triệu phụ nữ có thai mỗi năm đang phải đối mặt với hàng loạt nguy hiểm gây ra bởi biến chứng sản khoa. Đáng chú ý, Việt Nam đứng thứ 80 trong số 184 quốc gia về tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong, VTV đưa tin.
Được biết, tai biến sản khoa có thể xảy ra trong lúc mang thai, chuyển dạ, sảy thai hay sinh non, thậm chí trong thời gian hậu sản (6 tuần sau sinh), có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng của cả mẹ và bé.
Trước tình hình này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Xuân Vinh – Trưởng khoa Đẻ A2 – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để giúp các mẹ cùng tìm hiểu về cách phát hiện sớm và can thiệp kịp thời tai biến sản khoa.
- PV: Thưa Bác sĩ, Bác sĩ có thể cho biết tai biến sản khoa là gì? Những loại tai biến sản khoa thường gặp?
- Bác sĩ Đỗ Xuân Vinh: Trong thai kỳ 40 tuần người phụ nữ sẽ trải qua rất nhiều biến cố. Trong đó, có những biến cố được y văn thống kế cho rằng đó là tai biến sản khoa. Tôi có thể ví trong 9 tháng 10 ngày người phụ nữ vừa hưởng niềm hạnh phúc khi được làm mẹ lại vừa như ôm quả bom nổ chậm. Có 5 tai biến sản khoa thường gặp đó là: băng huyết sau sinh, tiền sản giật, tổn thương tử cung vỡ tử cung, nhiễm trùng hậu sản sau sinh và uống ván sơ sinh. 5 tai biến này thường trực trong suốt quá trình mang thai, trong lúc sinh và sau khi sinh đều có thể xảy ra.
- PV: Xin Bác sĩ cho biết cụ thể hơn về từng loại tai biến sản khoa? Thời điểm nào trong thai kỳ dễ gặp tai biến sản khoa nhất?
- Bác sĩ Đỗ Xuân Vinh: Tôi có thể kể ra những tai biến cụ thể như sau:
1. Băng huyết sau sinh: Sau một cuộc sinh nở của phụ nữ bao giờ cũng có hiện tượng chảy máu. Chảy máu từ đâu ra?
Thứ nhất, là chảy máu từ tử cung diện rau bám để co tử cung lại.
Thứ hai, là chảy máu ở ống đẻ toàn bộ hệ thống từ tầng sinh môn, âm đạo. Như vậy, mất máu trước, trong khi đẻ và sau đẻ 24 tiếng thì máu sản dịch chảy ra (màu co hồi tử cung). Nếu mất máu trên 500ml thì gọi là băng huyết sau sinh, còn đối với sinh mổ thì mất máu trên 1000ml được coi là băng huyết. Hoặc trong đẻ, người ta tính lượng máu mất đi bằng 1/10 lượng máu của cơ thể ( cơ thể mỗi người khoảng 4000ml máu).
Để phát hiện băng huyết sau sinh, tại Bệnh viện Phụ sản hiện nay tiến hành 3 khâu đo.
Thứ nhất, đo chảy máu bong rau (sau khi sổ thai) được đo bằng túi.
Thứ hai, cân lượng máu trong bông gạc.
Thứ ba, cân lượng máu trong bỉm của phụ sản, 6 tiếng 1 lần, cân 4 lần để tiên lượng mất mất. Ngoài ra còn nhiều yếu tố như: máu chảy liên tục trong 24h, máu đỏ; các triệu chứng lâm sàng da, niêm mạc nhợt nhạt.
2. Tăng huyết áp thai kỳ (hay còn gọi là tiền sản giật): bệnh lý này có thể xuất hiện trong lúc có thai hoặc lúc đang chuyển dạ hoặc sau khi đẻ đều có thể xuất hiện là rối loạn tăng huyết áp. Khi thăm khám sẽ thấy huyết áp cao, phù, xét nghiệm khối tiết niệu thì sẽ tiên lượng được tiền sản giật. Trong quá trình theo dõi thai nghén sẽ biểu hiện triệu chứng về thần kinh như đau đầu, phù não, suy tạng, gan thận. Tai biến xảy ra nếu ta không dự phòng tốt sẽ dẫn đến sản giật thậm chí gây tử vong.
3. Vỡ tử cung: Khi tử cung đang bình thường bị vỡ các lớp cơ từ lớp cơ, thanh mạc, niêm mạc tử cung. Vỡ tử cung có thể xảy ra trong quá trình mang thai và lúc chuyển dạ sinh.
Trong quá trình mang thai, tử cung vỡ do tử cung có tổn thương cũ như các sẹo mổ cũ ở tử cung, dị dạng tử cung ( tử cung nhi tính, tử cung hai sừng, tử cung đôi) thì mức độ chỉ chứa được giới hạn. Tử cung vỡ có thể do thai xuất hiện ngay trên vết mổ, rau thai ăn sâu vào lớp cơ gây vỡ. Nếu sản phụ mang đa thai, hoặc đa ối làm tử cung căng quá mức cũng gây vỡ.
Trong lúc chuyển dạ: vỡ tử cung do ngôi thai bất thường tiến triển nhanh và chưa kịp xử lý. Hoặc khi sản phụ chuyển dạ kéo dài gây yếu cơ tử cung, hoặc cơn co quá mức gây cường tính khi dùng thuốc tăng co cũng dẫn đến vỡ tử cung.
4. Nhiễm trùng hậu sản: Thời kỳ hậu sản là sau khi ổn định về giải phẫu và sinh lý (tầm khoảng 42 ngày). Trong suốt 6 tuần đó nếu có nhiễm trùng bộ phận sinh dục thì được coi là nhiễm trùng hậu sản. Trước đây, vấn đề này khá nặng nề nhưng hiện nay với nhiều loại kháng sinh mạnh được điều trị kịp thời nên đã hạn chế được nhiều. Nhưng đây là tiền đề của nhiễm trùng tử cung, nhiễm trùng huyết.
5. Uốn ván rốn sơ sinh: Trước đây uốn ván vốn sơ sinh là một thảm họa ở các nước kém phát triển khi các sản phụ không được chăm sóc y tế đúng cách. Uốn ván sơ sinh là bệnh nhiễm trùng vốn bởi trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani. Đây là loại độc tố xâm nhập vào cơ thể trẻ thông qua đường rốn, qua vết cắt dây rốn bằng dụng cụ có mang nha bào uốn ván như: dao, kéo, băng bông không được vệ sinh tiệt trùng đúng quy cách, không sạch sẽ.
Bệnh này tuy rất nguy hiểm, song việc phòng ngừa không hề khó bởi đã có vắc-xin. Bệnh thường xuất hiện khoảng ngày thứ 3 sau sinh đến ngày thứ 28.
- PV: Vậy làm thế nào để có thể phòng tránh tai biến sản khoa?
- Bác sĩ Đỗ Xuân Vinh: Khám thai định kỳ là điều quan trọng nhất.
Thứ hai, khi đứng trước các bệnh lý cần được xử lý sớm. Chẩn đoán sớm và xử trí đúng lúc trong thời gian vàng của các tai biến sẽ mang lại hiệu quả cao.
Thứ ba, chúng ta cần đào tạo, tập huấn cho đội ngũ đỡ đẻ, hộ sinh. Tôi lấy ví dụ có người đỡ đẻ không gây rách, có người lại làm rách hết tầng sinh môn, âm đạo của sản phụ.
Thứ 4 là phải chăm sóc thiết yếu cho mẹ và sơ sinh để tránh nhiễm trùng
Thứ 5 cần tránh chuyển dạ kéo dài ( với con so là trên 20 tiếng, với con dạ là 14 tiếng). Khi chuyển dạ kéo dài sẽ rất dễ nhiễm trùng nếu vì phải thăm khám nhiều.
Thứ 6 cần đảm bảo đúng nguyên tắc vô khuẩn. Đó là điều có thể dự phòng tai biến sản khoa trong suốt thai kỳ.
PV: Trân trọng cảm ơn Bác sĩ./.
Trong kỳ tiếp theo chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập về các mốc siêu âm mẹ bầu cần nhớ cũng như làm cách nào để có thai kỳ khỏe mạnh.