pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bài 1: Niềm vui đong đầy trong ngày hội nhận bò của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Nghệ An
Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Nghệ An trao đổi với các hội viên may mắn được nhận bò của Dự án lần này
Niềm vui đến dự "ngày hội nhận bò"
30 hộ gia đình là hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo của xã Thanh Sơn là 30 hoàn cảnh khó khăn khác nhau, vừa được Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Nghệ An, Hội LHPN huyện Thanh Chương tổ chức trao tặng mỗi hộ một cặp bò lai sinh sản.
Đây là mô hình thuộc Dự án 2 Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo do Trung ương Hội LHPN Việt Nam nghiên cứu triển khai tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Nghệ An năm 2024.
Những ngày này, con đường từ huyện Thanh Chương đến xã Thanh Sơn vẫn thi thoảng có đoạn gập ghềnh, ổ voi, ổ gà đan xen những vũng bùn lầy lội ảnh hưởng của những cơn mưa lớn vừa tạnh. Ngay từ sáng sớm, sân của UBND xã Thanh Sơn đã tấp nập người dân diện những bộ trang phục dân tộc Thái, Khơ mú… đẹp nhất, cùng nụ cười mừng vui khi đến tham dự "ngày hội nhận bò".
Ở bãi cỏ xanh với hàng cây râm mát ngoài góc sân Uỷ ban đã được Ban tổ chức cột sẵn 60 con bò lai sinh sản. Đó là những con bò sắp được trao tặng cho 30 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tại xã Thanh Sơn, góp phần giúp chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, tăng thu nhập, tạo sinh kế bền vững, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Chị Lương Thị Tý, là hội viên Chi hội phụ nữ bản Chà Coong xúc động nói: "Tôi rất vui mừng là một trong số các hội viên phụ nữ xã Thanh Sơn được tham gia mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản do Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ. Để không phụ công Nhà nước và các cấp Hội trao tặng bò, tôi sẽ thực hiện tốt mọi quy định về chăn nuôi, chuồng trại nuôi bò như đã được tập huấn để phát triển kinh tế gia đình. Thời gian tới, tôi sẽ tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt chia sẻ kiến thức, kỹ năng chăn nuôi và cùng các chị em ở bản thực hiện tốt phong trào "5 không, 3 sạch".
Vừa bốc thăm được số hiệu của con bò mình được nhận nuôi, chị Lô Thị Thu Hiền (45 tuổi) và chị Lô Thị Thoan (50 tuổi), cùng ở thôn Thanh Dương chia sẻ niềm vui được nhận bò đợt này. Chị Thoan cho biết: "Trước kia gia đình tôi ở bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, di chuyển về đây định cư. Vợ chồng tôi chỉ đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy. Nay tôi rất vui vì được Trung ương Hội tặng 2 con bò đẹp. Tôi sẽ tuân thủ mọi quy định chăn nuôi để nuôi bò khỏe mạnh, mong gia đình sớm thoát nghèo, ổn định cuộc sống".
Cũng là hộ may mắn được Trung ương Hội tặng bò đợt này, bà Vi Thị Thanh, 52 tuổi đang địu cháu ngoại trước ngực, tươi cười chia sẻ: "Bố mẹ cháu đều đi làm công ty ở miền Nam, gửi thằng bé này ở quê để bà ngoại chăm giúp. Gia đình tôi mới thoát nghèo cuối năm 2023, nay tôi phấn khởi khi được nhận bò về chăn nuôi để có thể thoát nghèo bền vững. Tới đây, tôi sẽ phải gửi cháu sang nhà nội hỗ trợ chăm giúp một thời gian, để tôi có thời gian thực hiện việc chăn nuôi chất lượng như đã cam kết khi tham gia mô hình" - bà Thanh bộc bạch.
Mô hình có quy mô lớn đầu tiên được Trung ương Hội triển khai tại tỉnh Nghệ An
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nghệ An cho biết: "Mô hình trao tặng bò lai sinh sản tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương lần này là mô hình có quy mô lớn đầu tiên được Trung ương Hội LHPN Việt Nam triển khai thực hiện trong toàn quốc và tỉnh Nghệ An chúng tôi là đơn vị đầu tiên thực hiện.
Trong thời gian qua, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN tỉnh Nghệ An, Hội LHPN huyện Thanh Chương, Hội LHPN xã Thanh Sơn, cấp ủy, chính quyền địa phương xã Thanh Sơn bước đầu triển khai các hoạt động mô hình đảm bảo đúng quy trình, kế hoạch đề ra như: Tổ chức nhiều đợt khảo sát, lựa chọn, họp dân tại các bản để bình xét, lập danh sách các hộ gia đình hội viên đủ điều kiện tham gia mô hình; thẩm định danh sách hội viên đáp ứng tiêu chí của mô hình; tổ chức hội nghị triển khai mô hình; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cho 30 hộ tham gia mô hình được nhận bò đợt này…".
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, mục tiêu của mô hình là: Hỗ trợ 60 con bò lai sinh sản cho 30 hộ (2 con bò/hộ), với yêu cầu rất thực tế như: Tỷ lệ bò sống phải đạt 100% trong thời gian 90 ngày, kể từ sau 21 ngày bàn giao bò cho phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tại địa phương. Những còn bò được trao tặng phải có sức khỏe tốt, không bị bệnh, đã được tiêm đầy đủ 3 loại vaccine (phòng bệnh lở mồm long móng, bệnh tụ huyết trùng và bệnh viêm da nổi cục). Đơn vị cung ứng cam kết bảo hành bò giống đảm bảo không bị dịch bệnh, đổi bò trong thời gian tối đa 18 tháng, nếu do nguyên nhân chất lượng con giống không có khả năng sinh sản.
Ngoài ra, 30 hộ phụ nữ thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đều được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò qua các giai đoạn sinh trưởng, được hỗ trợ một phần thức ăn hỗn hợp cho bò trong thời gian đầu nhận nuôi, giống cỏ voi và cung cấp 1 số loại thuốc thú y, vaccine để cán bộ thú y của huyện hỗ trợ theo dõi đàn bò.
"Mô hình tạo việc làm tại chỗ cho 30 phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo lần này với thu nhập dự kiến từ 2 - 2,5 triệu đồng/lao động/tháng, góp phần thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian tới" - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nghệ An cho biết.
Bài 2: Hội LHPN Việt Nam chung tay giúp hội viên dân tộc thiểu số ở Nghệ An giảm nghèo bền vững