Bài 3: Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo 'chữa bệnh thuận tự nhiên' phải trên cơ sở khoa học

17/06/2018 - 16:24
“Người dân có thể lựa chọn các phương pháp để trị bệnh tật nhưng phải trên cơ sở khoa học. Bệnh nhân không nên tin theo những lời truyền miệng, những phương pháp điều trị mà không có cơ sở khoa học”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nói.
Ngũ vị thanh là phương thuốc mà những người theo phương pháp “chữa bệnh thuận tự nhiên” sử dụng. Theo giới thiệu, ngũ vị thanh có 5 vị, gồm: Tỏi đen, mật ong, nha đam, sả và nghệ. Sau khi sơ chế tỏi đen, nha đam, sả, nghệ thì được xay nhuyễn, rồi trộn lẫn với nhau. Sau đó, đổ hỗn hợp trên vào hũ nhựa, thủy tinh hoặc gốm sứ cùng mật ong tạo thành hỗn hợp ngũ vị thanh.
Tuy nhiên, những người theo phương pháp này cho rằng, ngũ vị thanh chữa được rất nhiều bệnh. Theo đó, ngũ vị thanh có tác dụng trị ung thư phổi, dạ dày, ruột, viêm phế quản, sát khuẩn, giảm mỡ máu, trị đau tim do hẹp mạch vành, sốt rét, đau xương khớp, thậm chí cả ung thư.
Theo Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) đây là lần đầu tiên ông nghe nói đến bài thuốc ngũ vị thanh và phương pháp chữa bệnh thuận tự nhiên. Tuy nhiên, xét về thành phần của thuốc thì các nguyên liệu đều rất tốt. Ví như, tỏi đen có tác dụng hỗ trợ điều trị huyết áp cao, tiểu đường, sức đề kháng kém, bệnh ung thư, nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, hệ miễn dịch kém, mỡ máu, men gan cao, suy giảm trí nhớ, ung thư tuyến tiền liệt,… Cơ chế của tỏi đen không trực tiếp loại bỏ tế bào ung thư mà kích thích miễn dịch, từ đó loại bỏ khả năng di căn của tế bào khối u.
bat-mach160926.jpg
Bệnh nhân cần phải được y bác sĩ thăm khám trước khi điều trị

 Theo y học cổ truyền, nha đam có vị đắng, tính hàn, tác dụng sát trùng, thanh nhiệt, thông tiện, làm mát gan. Nha đam được dùng để chữa các chứng rối loạn tiêu hoá, ăn uống không tiêu, trẻ bị cam tích, táo bón. Nha đam còn có tác dụng thông mật, nhuận gan, kiện tỳ vị, chữa viêm loét dạ dày. “Các nguyên liệu của ngũ vị thanh cũng là thực phẩm thường dùng hàng ngày nên người dân có thể sử dụng để phòng bệnh mà không sợ ngộ độc”, lương y Trung nói.

Tuy nhiên, Lương y Vũ Quốc Trung cũng khuyến cáo không nên sử dụng bừa bãi. “Khi nào có bệnh mới dùng thuốc. Hơn nữa, bệnh gì điều trị bằng thuốc nấy chứ không cắt thuốc uống bừa bãi. Đặc biệt, đã sử dụng thuốc là phải tới khám và được tư vấn, bắt mạch cẩn thận chứ không thể nghe truyền miệng và nên mua thuốc tại các địa chỉ uy tín. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải tuân thủ triệt để hướng dẫn của thầy thuốc, không tùy tiện sử dụng thuốc y học cổ truyền khi không có chỉ định, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng để tránh tai biến”, ông Trung nói.
thuoc-dong-y-rat-tot-nhung-the-nay-thi-rat-tiec11462419233.jpg
Các Lương y phải bốc thuốc rất cẩn thận

Nói về phương pháp chữa bệnh “thuận tự nhiên”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, người dân có thể lựa chọn các phương pháp để điều trị bệnh tật nhưng phải trên cơ sở khoa học. Người dân không nên tin theo những lời truyền miệng, những phương pháp điều trị mà không có cơ sở khoa học.

Thực tế, tại các cơ sở y tế, đã có nhiều bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu do tin tưởng vào cách điều trị “truyền miệng”, trong đó có trường hợp tử vong vì đưa đến bệnh viện muộn. “Bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được y bác sĩ thăm khám và tư vấn hướng điều trị. Khi xác định chính xác bệnh, bệnh nhân có thể lựa chọn theo phương pháp Đông y hoặc Tây y. Tuy nhiên, dù chọn phương pháp nào thì cũng nên điều trị tại các cơ sở y tế đã được cấp phép và các y bác sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề”, Thứ trưởng Tiến nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm