pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bài học kinh doanh quý giá có được từ đại dịch
Chị Nguyễn Thị Huyền (bìa trái) trò chuyện cùng bà con ở vùng nguyên liệu
Thành lập công ty từ năm 2012, chị Nguyễn Thị Huyền theo đuổi sứ mệnh của một doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội, với triết lý kinh doanh "Suy nghĩ lớn nhưng hành động nhỏ từ tâm".
Công ty Vinasamex đồng hành cùng bà con dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc để nâng tầm sản phẩm quế hồi Việt Nam trên thị trường quốc tế. Công ty đã hợp tác cùng 3.000 hộ nông dân, diện tích đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế là 4.200ha, tạo công ăn việc làm cho 100 lao động cố định và 200 lao động thời vụ. Hiện nay, sản phẩm quế và hồi của công ty đã xuất khẩu đến nhiều thị trường truyền thống cũng như thị trường cao cấp của châu Âu, Mỹ…
Chuyển đổi để thích ứng
Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều tổn thất cho doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu như Vinasamex. Nữ giám đốc 9x chia sẻ: Covid-19 làm cho cước vận chuyển đường biển tăng đột biến gấp 3- 4 lần, khiến giá thành đội lên cao. Sản lượng hàng xuất khẩu sụt giảm đáng kể. Phí cước đã cao, việc vận chuyển hàng hóa, đóng hàng lại vô cùng khó khăn. Những thách thức này buộc Vinasamex phải có những điều chỉnh.
"Văn phòng chúng tôi làm việc luân phiên trực tuyến và trực tiếp, sử dụng phần mềm Base trong quản lý công việc nội bộ. Dịch bệnh khiến chúng tôi không thể tham gia vào các hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Việc họp bàn với khách hàng, đối tác đều được diễn ra thông qua nền tảng Zoom nhưng vẫn hiệu quả. Suốt giai đoạn giãn cách, chúng tôi không đi đào tạo trực tiếp cho bà con nông dân được mà phải chuyển sang đào tạo online. Khách hàng không thể đến văn phòng làm việc nên thanh toán tiền hàng chậm hơn so với bình thường. Nhưng với phương châm đồng hành, hợp tác cùng phát triển, chúng tôi tạo điều kiện và cùng chung tay với khách hàng của mình vượt qua khó khăn bởi đại dịch", chị Huyền cho biết.
Cơ hội từ đại dịch
Cũng chính những khó khăn, thách thức đã mang lại nhiều cơ hội cho Huyền và công ty. Trong thời kỳ Covid, nhu cầu về những mặt hàng này càng tăng cao hơn vì chúng tốt cho sức khoẻ, tăng sức đề kháng cho con người. Điều này giúp cho các sản phẩm thảo mộc như quế, hồi tìm được chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường và Vinasamex có thêm những đối tác mới. Không phải cho bất cứ nhân viên nào của mình phải nghỉ việc mà Huyền còn tạo thêm 150 việc làm cho người dân địa phương; doanh thu công ty vẫn tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.
"Thời gian dịch bệnh cũng là lúc chúng tôi có những giây phút sống chậm để đánh giá lại Vinasamex, từ đó có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo. Chúng tôi tập trung vào việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp, đào tạo chia sẻ kiến thức trong nội bộ; tạo điều kiện để nhân viên tham gia thêm nhiều khoá đào tạo, giúp các bạn nhân viên chủ động công việc và phát triển bản thân.
Bên cạnh đó, chúng tôi dành thời gian rà soát và xây dựng lại toàn bộ hệ thống và quy trình quản lý. Trong đợt dịch vừa rồi, chúng tôi đã chỉnh sửa chuẩn hoá hơn nữa các quy trình trong hệ thống quản lý, hoàn thiện các chứng nhận ISO 9001:2015 và chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc tế BRC cho nhà máy sản xuất và tiếp tục duy trì các chứng nhận Organic quốc tế, chứng nhận tác động xã hội và những chứng nhận quốc tế khác.
Đồng thời, Vinasamex tiếp tục xây dựng thêm nhà máy, mở rộng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, đồng hành nâng cao sinh kế cho 3.000 hộ nông dân trong chuỗi giá trị, góp phần tăng thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân ở vùng nguyên liệu của Vinasamex như Lạng Sơn, Yên Bái...
Qua đại dịch, tôi nhận ra: Nếu chúng ta hiểu được và đón nhận những khó khăn, thách thức và cả thất bại trọn vẹn bằng một trái tim rộng mở thì dù thế nào, chúng ta cũng sẽ vượt được mọi khó khăn để đi tới thành công", Giám đốc công ty Vinasamex Nguyễn Thị Huyền tâm sự.