Bài học tìm kiếm trẻ mất tích qua Chiến dịch MCMC

Khắc Nam
22/04/2025 - 13:21
Bài học tìm kiếm trẻ mất tích qua Chiến dịch MCMC

Bé Bonnie Lohman tìm thấy cha ruột nhờ ảnh của em in trên hộp sữa. Ảnh: YT

Trước khi có công nghệ tiên tiến, việc tìm kiếm trẻ bị bắt cóc, mất tích thực sự nan giải. Tuy nhiên, có một cách làm ở Mỹ mà ngày nay vẫn phát huy tác dụng, đó là in quảng cáo lên sản phẩm sữa.

Đây là chuyện xảy ra những năm 80 của thế kỷ trước và nay vẫn được truyền thông Mỹ nhắc tới. Theo đó, nhờ cách làm đơn giản, nhiều trẻ em mất tích đã được tìm thấy. Vào những năm 1980, không có cách nào để nâng cao nhận thức của công chúng về những vụ bắt cóc nên cảnh sát thường mất nhiều năm để điều tra vụ án. 

Vì vậy, chính quyền và các thành viên gia đình đã cố gắng nghĩ ra một cách tốt hơn để thông báo cho mọi người. Một trong những cách sáng tạo là dán ảnh đứa trẻ mất tích lên hộp sữa, chiến dịch có tên "Missing Children Milk Carton Campaign" - MCMC (tạm dịch: Chiến dịch in hình trẻ mất tích lên vỏ hộp sữa). 

Nhờ chiến dịch này mà người mua và dùng sữa có thể biết được mọi thông tin về đứa trẻ mất tích để thông báo cho chính quyền. Đến tháng 3/1985, có 700 trong số 1.600 công ty sữa độc lập đã áp dụng cách làm này.

Trường hợp đầu tiên của MCMC là ảnh của Johnny Gosch và Eugene Martin, mất tích khi đang giao báo. Johnny Gosch, 13 tuổi, đã mất tích tại quê nhà Des Moines, Iowa, vào năm 1982 khi em đang đi giao báo trên tuyến đường quen thuộc, để lại chiếc xe màu đỏ trên vỉa hè còn đầy báo. 

Hai năm sau, một cậu bé bán báo khác tên là Eugene Martin cũng mất tích hồi tháng 9/1984. Sau hai vụ mất tích bí ẩn này, hãng sữa Anderson & Erickson Dairy đã dùng chiến dịch in hình của Eugene và Johnny lên vỏ sữa, vừa để quảng cáo vừa kết hợp tìm kiếm sự mất tích của hai em.

Bài học tìm kiếm trẻ mất tích qua Chiến dịch MCMC- Ảnh 1.

Cách làm của chiến dịch MCMC Ảnh: 9news

Sau Anderson & Erickson Dairy, nhiều công ty sữa khác cũng áp dụng sáng kiến trên. Một chương trình quảng cáo hộp sữa dành cho trẻ em mất tích đã được khởi xướng tại Chicago vào tháng 1/1985. 

Chương trình được thực hiện với sự hỗ trợ của cảnh sát. Kể từ khi chiến dịch MCMC bắt đầu, khoảng 5 tỷ hộp sữa đã được in hình ảnh và thông tin chi tiết về những trẻ em mất tích.

Etan Patz, 6 tuổi, mất tích vào năm 1979 khi đi xe buýt tới trường, và đến năm 1985, ảnh của Etan xuất hiện trên hộp sữa. Vì không có hệ thống theo dõi trẻ em mất tích tại Mỹ vào thời điểm đó nên sáng kiến trên được rất nhiều người ủng hộ. 

Người tiêu dùng có thể báo cáo lại với chính quyền trong trường hợp họ nhìn thấy bất kỳ đứa trẻ nào có ảnh trên hộp sữa.

Dù số trẻ mất tích được tìm thấy nhờ MCMC không nhiều nhưng trường hợp của bé gái Bonnie Lohman lại khích lệ cộng đồng. Em đã được đoàn tụ với cha ruột nhờ quảng cáo trên hộp sữa sau khi bị mẹ và cha dượng bắt cóc khi mới 3 tuổi và đưa sang sống ở Hawaii rồi Tây Ban Nha. 

Một ngày nọ, Bonnie đến cửa hàng tạp hóa với cha dượng và tình cờ thấy một hộp sữa có ảnh của mình kèm dòng chữ "Đứa trẻ mất tích" nhưng Bonnie không đọc được vì chưa biết chữ. 

Cha dượng của em đã mua hộp sữa nhưng cắt hình Bonnie để em lưu lại kèm theo cảnh báo "Con phải giữ bí mật về bức ảnh". Nhưng Bonnie lại vô tình để quên ảnh, cùng đồ chơi của mình ở nhà hàng xóm. Những người hàng xóm đã gọi cảnh sát sau khi phát hiện ra bức ảnh và cô bé đã được đoàn tụ với cha ruột ngay sau đó.

Theo nghiên cứu dựa trên phân tích 800.000 vụ bắt cóc trẻ vị thành niên ở Mỹ cho thấy, 25% trong số này là do người trong gia đình thực hiện; chỉ có 7% là bắt cóc không phải do người thân thực hiện và có 115 vụ bắt cóc theo khuôn mẫu (người lạ bắt, giam giữ qua đêm và đưa đi để đòi tiền chuộc, giết...). 

Thực tế, Chiến dịch MCMC không như kỳ vọng nhưng đã góp phần giúp luật pháp được củng cố, Đạo luật hỗ trợ trẻ em mất tích trở nên nghiêm khắc và được thực thi hiệu quả hơn.

Nguồn: UFC
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm