pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bài kiểm tra đơn giản bằng 2 ngón tay có thể cho biết liệu bạn có nguy cơ bị ung thư phổi hay không
Cuối năm 2019, tại hội thảo khoa học nhằm cập nhật thông tin và những giải pháp mới hỗ trợ điều trị, phòng ngừa ung thư phổi do Bệnh viện K tổ chức, các chuyên gia của Bệnh viện K đã đưa thông tin: Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, 3 khu vực có tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi cao nhất thế giới lần lượt là Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á. Việt Nam cũng là một trong những đất nước nằm trong các khu vực này. Nhiều nghiên cứu cho thấy 80% bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí.
Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Năm 2018, Việt Nam có thêm hơn 23.000 người mắc ung thư phổi, con số này có thể sẽ tăng lên vào những năm tiếp theo. Ung thư phổi là một trong những ung thư đứng hàng đầu và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi, đây thực sự là con số đáng báo động.
Khi bệnh ung thư phổi ngày càng phổ biến, ngoài việc phòng bệnh, người ta quan tâm nhiều hơn đến việc làm sao để phát hiện sớm liệu mình có nguy cơ bị ung thư phổi hay không.
Cách kiểm tra mình có nguy cơ bị ung thư phổi không
Các bác sĩ đang khuyến khích mọi người thực hiện bài kiểm tra "khoảng cách kim cương", bằng cách đặt các móng tay của bạn lại với nhau để xem liệu có khoảng trống hình kim cương giữa các ngón tay của bạn hay không.
Nếu không có khoảng trống thì đây là dấu hiệu của ngón tay khoèo (ngón tay dùi trống) - một triệu chứng phổ biến của ung thư phổi.
Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh, hơn 35% số người mắc bệnh ung thư phổi có biểu hiện ngón tay dùi trống - dấu hiệu thường được các bác sĩ sử dụng để tầm soát ung thư phổi, tim mạch một cách đơn giản. Trong số các loại ung thư lồng ngực, ung thư phổi là nguyên nhân gây ra khoảng 80% các trường hợp móng tay như vậy.
Nó có xu hướng xảy ra theo từng giai đoạn với phần thịt dưới móng trở nên mềm và vùng da bên cạnh móng trở nên bóng trước khi móng bắt đầu cong hơn bình thường. Các đầu ngón tay cũng có thể lớn hơn. Nguyên nhân được cho là do lưu lượng máu đến vùng ngón tay tăng lên, dẫn đến sự tích tụ chất lỏng trong các mô mềm ở đầu ngón tay - nhưng không hoàn toàn rõ ràng tại sao điều này lại xảy ra.
Theo Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Anh, hiện tượng tích tụ chất lỏng do khối u sản xuất hormone khiến gốc móng tay của người bệnh ung thư sưng to. Đây là triệu chứng tương đối phổ biến, khoảng 35% người bệnh mắc phải. Do sưng, khi hai móng áp sát vào nhau sẽ không có khoảnh trống nữa.
Emma Norton, y tá chuyên khoa Ung thư tại tập đoàn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế BUPA khuyên: "Nếu giữa hai móng tay không xuất hiện khoảnh trống, bạn nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt để kiểm tra". Đây còn là dấu hiệu của bệnh tim mạch.
Năm ngoái, Jean Taylor, một người phụ nữ 53 tuổi sống tại Anh đã phát hiện mắc ung thư phổi nhờ quan sát móng tay theo cách này.
Không phải tất cả những người bị ung thư phổi đều có dấu hiệu của ngón tay khoèo. Các dấu hiệu khác cần chú ý bao gồm:
- Bị ho hầu hết thời gian
- Thay đổi cơn ho lâu ngày không khỏi
- Khó thở
- Ho ra đờm có dấu hiệu máu
- Đau hoặc nhức ở ngực hoặc vai
- Ăn mất ngon
- Mệt mỏi
- Giảm cân
Ngón tay, móng tay dùi trống có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị ung thư phổi. Ảnh: Kennedy News and Media
Mặc dù đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư phổi nhưng không có nghĩa là nếu móng tay có dấu hiệu như vậy thì chắc chắn bạn đã bị ung thư. Tuy nhiên, cẩn trọng với tất cả khả năng xảy ra vẫn là điều nên làm và nếu có dấu hiệu đó thì bạn nên đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Thật không may, ung thư phổi thường được chẩn đoán muộn vì nó thường không gây ra các triệu chứng đáng chú ý cho đến khi đã di căn qua phổi hoặc vào các bộ phận khác của cơ thể. Điều này có nghĩa là đối với nhiều người, ung thư đã lây lan khi họ được chẩn đoán.
Nói chung, khoảng 1/3 người mắc bệnh sống ít nhất 1 năm sau khi họ được chẩn đoán và khoảng 1/20 người sống ít nhất 10 năm.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tỷ lệ sống sót có thể rất khác nhau, tùy thuộc vào mức độ di căn của ung thư tại thời điểm chẩn đoán có thể tạo ra sự khác biệt lớn.
Theo: Thesun, DailyMail