Thí sinh trao đổi bài sau môn thi Ngoại ngữ chiều 1/7 - Ảnh: Quý Trung. |
Với mong muốn vượt ra khỏi lối dạy học theo khuôn phép, học vẹt, học tủ, những năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã liên tục thử thách sĩ tử bằng cách đưa đề mở vào các kỳ thi quan trọng. Nhưng, như tấm huy chương có hai mặt trái phải, đề thi mở cũng “mở” ra nhiều vấn đề đáng bàn.
Đề thi “không biên giới”
Quá đã - là cảm xúc của Hoàng Minh Quân sau khi bước ra khỏi phòng thi môn Ngữ Văn khối D cách đây vài năm. Học lớp chuyên ban A của trường THPT Chu Văn An nhưng Quân còn có khiếu về văn học. Cực kỳ mê sách, mỗi tuần, Quân đều “nghiền” hết một cuốn sách, đủ thể loại từ tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký…
Hồi đó, với đề thi mở, Quân có thể được viết những gì mình muốn bằng tất cả trải nghiệm từ những tác phẩm đã đọc. Trước đề thi mở về “ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là thảm họa”, Quân đã kể về nhân vật Paven trong “Thép đã tôi thế đấy”, đồng thời chứng minh rằng, tìm được một thần tượng tốt với lý tưởng sống đúng đắn sẽ góp phần giúp con người sống đẹp hơn.
Có thể nói, chưa bao giờ, đề thi ra theo hướng mở lại “góp mặt” nhiều như những năm gần đây, không chỉ ở môn Văn mà còn ở các môn khoa học tự nhiên cũng khéo léo có sự “kết nối” tới những vấn đề của cuộc sống.
Sau khi các kỳ thi kết thúc, trên khắp các diễn đàn mạng, bạn trẻ lại tranh nhau bàn về đề mở, đặc biệt là với đề thi về thần tượng. Có cả những ý kiến cực đoan, trái chiều nhưng điều đó cho thấy, đề mở đã “chạm” được vào vấn đề mà giới trẻ đang trăn trở.
Đề thi mở, giống như viên sỏi, có thể làm “xáo động” mặt hồ hơn là những đề thi cổ điển, thi xong là quên, không ai muốn nhắc lại.
Hình ảnh phụ huynh dõi theo con từ cổng trường - Ảnh: Quý Trung. |
Mở đến mức nào?
Bà Phan Thanh Hương (TPHCM) trăn trở: Đề mở là tốt nhưng điều dư luận quan tâm là đề mở liệu đã đủ sức “mở” cánh cửa tâm hồn của người trẻ chưa? Khi đưa đề mở vào kỳ thi, người ra đề mong muốn qua đó sẽ kiểm tra kiến thức hiểu biết xã hội của thí sinh thay vì kiểu học vẹt. Nhưng, vì là đề để thi, nhất là kỳ thi đó lại vô cùng quan trọng, thì ít nhiều thí sinh đều phải cẩn trọng tính toán kỹ.
Một giáo viên dạy Văn kể, một lần, cô giao đề tài cho học sinh viết bài văn mở về trái tim người cha. Cô đã nhận được một bài văn cảm động viết về người bố làm công nhân, đầu tắt mặt tối suốt ngày. Cuối cùng, người bố bị tai nạn lao động, vẫn tới trường đón con và chết trên đường đi cấp cứu.” Bài văn ấy cô đã cho điểm 10. Thế nhưng, sau này, cô phát hiện rằng, bố học sinh đó là tổng giám đốc và hiện vẫn sống khỏe. Còn chủ nhân điểm 10 thì hồn nhiên nói: Làm văn mở phải có chút nước mắt như vậy mới có thể đạt điểm cao. Giáo viên này đã rất băn khoăn khi đặt câu hỏi: Với bài làm “mở hoàn hảo” như vậy nên cho 10 hay 1?
Đề thi mở nhưng bao nhiêu phần trăm thí sinh sẽ viết thật tâm mình suy nghĩ? Làm đề văn về thói cơ hội, về thành tích giả… nhưng bao nhiêu người vui vẻ chấp nhận một kết quả thi… không chiều lòng người? Hy vọng, ở kỳ thi năm nay sẽ có một đề thi mở kích thích tư duy sáng tạo của người trẻ, chứ không đơn thuần là những bài làm “văn vẻ”, "chém gió" nhiều hơn là cảm nghĩ thật...
* Tổng số thí sinh đến dự thi môn Toán là 852.983 (đạt tỷ lệ 99,11%); môn Ngoại ngữ là 637.166 (đạt tỷ lệ 96%). * Kết thúc ngày thi đầu tiên có 63 thí sinh vi phạm kỷ luật, trong đó có 40 bị đình chỉ, 8 cảnh cáo và 15 khiển trách. |